“Cần đổi mới công tác cai nghiện, nếu không sẽ di hại rất lớn” Ngày đăng: 12/01/2021
Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2021 do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 11 tháng 01 năm 2021.

Theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TBXH), hiện tổng số người đang quản lý tại cơ sở cai nghiện là 38.409 người, trong đó 30.253 người cai nghiện bắt buộc, 5.181 người cai nghiện tự nguyện và 2.975 người trong cơ sở xã hội. Trong năm qua, các địa phương đã vận động được 2.663 lượt người đăng ký cai nghiện tại cộng đồng và 3.011 lượt người đăng ký cai nghiện tại gia đình; tổ chức cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện dân lập cho khoảng gần 1.276 lượt người; tổ chức quản lý sau cai cho 26.876 người.

Nhìn chung, giai đoạn 2016 - 2020, công tác cai nghiện ma túy được các ngành, các cấp quan tâm chỉ đạo đồng bộ từ Trung ương đến địa phương; việc xây dựng và tổ chức triển khai các mô hình thí điểm trong cai nghiện ma túy bước đầu có hiệu quả, mang lại nhiều cách tiếp cận mới, làm cơ sở cho việc đề xuất các chính sách, pháp luật trong thời gian tới.

Tuy nhiên, công tác cai nghiện vẫn còn một số tồn tại như tình trạng học viên gây rối, bỏ trốn tập thể, gây mất an ninh, trật tự vẫn còn xảy ra tại một số tỉnh, thành phố và tiềm ẩn nhiều nguy cơ ở các tỉnh, thành phố khác; nhiều địa phương chưa quan tâm bố trí kinh phí và cơ sở vật chất cho cai nghiện tại cộng đồng để tổ chức các điểm tư vấn, điều trị cắt cơn điều trị Methadone.

Các cơ sở cai nghiện bắt buộc được xây dựng đã nhiều năm nhưng chưa được nâng cấp, sửa chữa, cải tạo để phù hợp với yêu cầu chuyển đổi; khoảng 70% người nghiện sử dụng ma túy nhóm ma túy tổng hợp (ATS) thường có biểu hiện loạn thần, có hành vi ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, gây bức xúc trong dư luận xã hội; một bộ phận người nghiện điều trị thay thế bằng Methadone vẫn sử dụng heroin và ma túy khác hoặc bỏ liều…

 

Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Có những tỉnh ở miền Trung có đến 85 - 90% ca nghiện mới là sử dụng ma túy tổng hợp. Nhiều đối tượng nghiện cũ cũng quay sang dùng ma túy tổng hợp. Chúng ta phải đổi mới mạnh mẽ về công tác cai nghiện, nếu không sẽ di hại rất lớn… Nghiện heroin, tiêm chích còn có Methandone thay thế, nhưng bây giờ ma túy tổng hợp rất nguy hại. Đặc biệt là khi cả thế giới vẫn chưa có liệu trình điều trị, cai nghiện hiệu quả đối với người nghiện ma túy tổng hợp về mặt y học một cách chính thống.

Phó thủ tướng cho biết thêm, vừa rồi ở một số địa phương, học viên tại các cơ sở cai nghiện bỏ trốn ra ngoài cũng là vấn đề cần phải siết chặt quản lý. “Tôi đề nghị Bộ LĐ-TBXH và các tỉnh bàn thật sâu, phải đổi mới rất mạnh mẽ về công tác cai nghiện, nếu không sẽ di hại rất lớn. Đây là những điểm mà Bộ cần tập trung để có những đột phá trong năm nay”- Phó Thủ tướng nhắc lại.

Về giải pháp công tác cai nghiện, Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung khẳng định: trong năm 2021, Bộ LĐ-TBXH sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật và thực hiện hiệu quả công tác cai nghiện ma túy. Nâng cao hiệu quả công tác điều trị, cai nghiện cho người nghiện ma túy, nhất là cai nghiện và quản lý sau cai tại gia đình, cộng đồng.

Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TBXH tiếp tục đầu tư, xây dựng, phát triển hệ thống dịch vụ hỗ trợ xã hội đối với người nghiện ma túy. Các địa phương quan tâm đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng và trang thiết bị phục vụ công tác điều trị, cai nghiện cho người nghiện ma túy; phát triển mạng lưới cung cấp dịch vụ cai nghiện tại gia đình, cộng đồng./.

Như Ngọc