Nhìn lại kết quả năm 2017, nỗ lực phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu năm 2018 Ngày đăng: 01/02/2018
Năm 2017, công tác phòng, chống tệ nạn xã hội có nhiều khó khăn, thách thức do tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội tiếp tục diễn biến phức tạp nhưng được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, công tác phòng, chống tệ nạn xã hội đã có nhiều chuyển biến tích cực. Năm 2018 là năm bản lề thực hiện các nhiệm vụ, chương trình kế hoạch về công tác phòng, chống tệ nạn xã hội giai đoạn 2016 – 2020, do vậy, cần tập trung chỉ đạo và tăng cường các nguồn lực, phấn đấu hoàn hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu đặt ra.

Năm 2017 là năm có nhiều chuyển biến tích cực

Về lãnh đạo, chỉ đạo: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thường xuyên quan tâm, chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống ma túy, quản lý người nghiện cai nghiện, công tác điều trị, cai nghiện và dự phòng nghiện sớm với những nội dung sâu sắc, cụ thể được quy định trong Quyết định số 424/QĐ-TTg ngày 07/04/2017 phê duyệt Chương trình phòng, chống ma túy đến năm 2020 và Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 05/6/2017 về tăng cường công tác phòng, chống và cai nghiện ma túy trong tình hình mới; tổ chức 02 hội nghị giao ban trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố và 21 tỉnh trọng điểm về ma túy, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Trong công tác điều hành, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và chỉ đạo các địa phương tuyên truyền sâu rộng, tổ chức chuỗi hoạt động hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma tuý (26/6); tham gia các đoàn công tác của các Ủy ban của Quốc hội, UBQG Phòng, chống AIDS, phòng chống ma túy, mại dâm, thanh tra liên ngành và tổ chức đoàn kiểm tra tình hình thực hiện Luật Phòng, chống ma túy và Pháp lệnh phòng, chống mại dâm, Luật Phòng, chống mua bán người tại nhiều tỉnh, thành phố; chỉ đạo thực hiện Quyết định số 361/QĐ-TTg về Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016 - 2020 và Quyết định 565/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016-2020; tổ chức hội thảo nhân rộng mô hình, điển hình cai nghiện thành công và tình nguyện viên tiêu biểu.

Lĩnh vực phòng, chống mại dâm: công tác tuyên truyền, giáo dục có nhiều đổi mới, ngày càng có chiều sâu. Các địa phương thực hiện tổng thể các nhiệm vụ quy định tại Quyết định số 361/QĐ-TTg; tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho Đội kiểm tra liên ngành 178; thí điểm các mô hình can thiệp giảm hại, phòng, chống bạo lực, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội cho người bán dâm, hỗ trợ giúp đỡ người bán dâm tái hòa nhập cộng đồng; tổ chức thí điểm và duy trì mô hình phòng, chống mại dâm ở 37 địa phương. Triển khai mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ người bán dâm tại cộng đồng, bảo đảm quyền cho người lao động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm và mô hình tăng cường năng lực của nhóm các nhóm đồng đẳng/tự lực/câu lạc bộ của người bán dâm trong việc tiếp cận truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng chống bạo lực giới, với 4.893 lượt người bán dâm được hỗ trợ về y tế, chăm sóc sức khỏe, tư vấn trợ giúp pháp lý, cung cấp các dịch vụ về phòng, chống lây nhiễm HIV, hỗ trợ học nghề và vay vốn, tạo việc làm mới.

Tiến hành kiểm tra 26.588 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ, phát hiện 9.522 cơ sở vi phạm (tăng 158% so với năm 2016). Xử lý bằng hình thức nhắc nhở, cảnh cáo 2.365 cơ sở; phạt tiền 6.803 cơ sở; đình chỉ kinh doanh và rút giấy phép kinh doanh 131 cơ sở (tăng 214% so với năm trước). Toà án các cấp thụ lý 802 vụ, 1.020 bị cáo phạm các tội về mại dâm và đã xét xử 788 vụ với 1.000 bị cáo. Phần lớn các vụ án được thụ lý và xét xử tập trung ở một số thành phố lớn như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ… và các tỉnh có khu du lịch, khu công nghiệp, như: Bắc Ninh, Bình Dương, Phú Thọ, Thanh Hóa, Thái Bình, Nam Định, Nghệ An, Đồng Nai…

Về công tác cai nghiện ma túy, tiếp tục đẩy mạnh, đa dạng hóa hình thức, biện pháp điều trị, cai nghiện. Số người được điều trị, cai nghiện là 112.588 người. Trong đó, 32.610 người được điều trị cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện (cai nghiện bắt buộc theo quyết định của Tòa án: 21.323 người; cai nghiện tự nguyện tại cơ sở công lập: 4.298 người; quản lý sau cai tại cơ sở cai nghiện: 923 người; cai nghiện tại nơi cư trú: 22.837 người, tăng 4.320 người so với cùng kỳ năm 2016; cai nghiện tại cơ sở tư nhân: 3.420 người; quản lý tại cơ sở xã hội: 2.646 người). 26/63 tỉnh, thành phố tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng với 3.566 người. Theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện cả nước có 51.296 người được điều trị Methadone (ngành Lao động - TBXH điều trị cho 2.939 người). Đã xuất hiện và duy trì nhiều mô hình, cách làm mới, sáng tạo ở nhiều địa phương để tăng tỷ lệ người cai nguyện tự nguyện, giảm tỷ lệ tái nghiện.

Thực hiện Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 26/12/2014 của Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống, kiểm soát cai nghiện ma túy trong tình hình mới, đến nay, cả nước có 105 cơ sở cai nghiên ma túy (giảm 18 cơ sở so với 2016). Trong đó, có 06 cơ sở cai nghiện bắt buộc; 79 cơ sở cai nghiện tổng hợp; 18 cơ sở điều trị nghiện ma túy tự nguyện và Methadone; 02 cơ sở tiếp nhận người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định.

Các công tác khác: trong hai năm (2016, 2017), 15 tỉnh, thành phố đã tư vấn, hỗ trợ cho 471 cá nhân, hộ gia đình theo 4 nhóm đối tượng (gồm: người nhiễm HIV/AIDS; người sau cai nghiện ma túy; người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; người bán dâm hoàn lương) vay vốn theo Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg, với tổng số tiền là 12.163 triệu đồng. Tổ chức hội thảo triển khai Công ước ASEAN về phòng, chống mua bán người, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em; rà soát, đánh giá chính sách, hệ thống cơ sở vật chất, cán bộ làm công tác hỗ trợ nạn nhân; tổ chức kiểm tra việc triển khai thực hiện đề án hỗ trợ nạn nhân; duy trì hoạt động của Đội công tác xã hội tình nguyện các xã, phường, thị trấn tại 42 tỉnh, thành phố với 3.111 Đội và 19.942 tình nguyện viên với nhiều hoạt động có ý nghĩa, giúp đỡ người cai nghiện ma túy, nạn nhân bị mua bán trở về, người bán dâm hoàn lương.

Nhiệm vụ trọng tâm năm 2018

Có thể khẳng định, trong năm 2017, công tác phòng, chống tệ nạn xã hội đã có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tình hình tệ nạn ma túy, mại dâm vẫn còn diễn biến phức tạp, khó khăn: hệ thống văn bản pháp luật cần tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình thực tiễn; công tác tổ chức, triển khai điều trị, cai nghiện, phòng, chống mại dâm và hỗ trợ nạn nhân ở địa phương, cơ sở còn có bất cập; năng lực, trình độ chuyên môn của đội ngũ phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm còn hạn chế; nguồn kinh phí cho phòng, chống ma túy, mại dâm hạn hẹp...

Năm 2018 là năm bản lề thực hiện chương trình, kế hoạch phòng, chống tệ nạn xã hội, giai đoạn 2016-2020 được Chính phủ giao. Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phòng, chống ma túy, mại dâm trong tình hình mới, các cấp, các ngành và địa phương cần tập trung triển khai thực hiện một số nội dung trọng tâm sau:

Đối với lĩnh vực phòng, chống mại dâm: Tiếp tục triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ Quyết định 361/QĐ-TTg và Chương trình mục tiêu phát triển dịch vụ hỗ trợ xã hội giai đoạn 2016-2020. Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng ngừa mại dâm; tăng cường triển khai thí điểm các mô hình giảm tác hại và các chính sách, dịch vụ mới trong công tác hỗ trợ người bán dâm thay đổi công việc, hòa nhập cộng đồng; từng bước xây dựng, chuẩn hóa các tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, dịch vụ hỗ trợ người bán dâm tại cộng đồng; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu, xây dựng chính sách về phòng, chống mại dâm ở các cấp, cán bộ trực tiếp thực hiện dịch vụ hỗ trợ người bán dâm ở cộng đồng; nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của Đội kiểm tra liên ngành 178; tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật Phòng, chống mại dâm.

Đối với công tác điều trị, cai nghiện ma túy: Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ tại Quyết định 2596/QĐ-TTg ngày 27/12/2013; Quyết định số 424/QĐ-TTg ngày 07/4/2017; Quyết định số 565/QĐ-TTg ngày 25/4/2017 và Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 5/6/2017 nhằm thực hiện có hiệu quả chương trình quản lý người nghiện, cai nghiện thí điểm dự phòng nghiện. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy và Luật xử lý vi phạm hành chính (phần liên quan đến lĩnh vực điều trị, cai nghiện ma túy). Nghiên cứu, xây dựng Thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và định mức biên chế của các Cơ sở cai nghiện ma túy (thay thế Thông tư số 21/2008/TTLT-BLĐTBXH-BNV ngày 08/10/2008); nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ làm công tác cai nghiện ma túy, đặc biệt là tư vấn điều trị nghiện, phổ biến, nhân rộng các mô hình, điển hình tốt về cai nghiện. Tiếp tục chỉ đạo địa phương triển khai cập nhật dữ liệu điều trị, cai nghiện vào cơ sở phần mềm quản lý theo lộ trình cải cách thủ tục hành chính, tiến tới thay thế văn bản báo cáo bằng số liệu trực tiếp qua phần mềm.

Về công tác Hỗ trợ nạn nhân và Tuyên truyền: nghiên cứu, sửa đổi bổ sung Nghị định số 09/NĐ-CP ngày 11/01/2013; tập huấn công tác hỗ trợ nạn nhân cho đội ngũ cán bộ và nâng cấp các cơ sở tiếp nhận hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về ở một số tỉnh trọng điểm; xây dựng thí điểm một số mô hình hỗ trợ nạn nhân dựa vào cộng đồng. Tổ chức triển khai Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg trên phạm vi cả nước. Triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quy định đánh giá, xếp loại xã, phường, thị trấn về công tác phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm; phát triển và tập huấn, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của Đội công tác xã hội tình nguyện. Phối hợp với các cơ quan truyền thông thực hiện Chương trình phối hợp truyền thông số 3598/CTrPHTT ngày 29/9/2014 và Quyết định 2140/QĐ-TTg ngày 30/12/2017 về Đề án “Phối hợp truyền thông phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đến năm 2020”.

Mặc dù, trước mắt, công tác phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm còn nhiều chông gai, nhưng với sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, bằng kinh nghiệm và tâm huyết, đội ngũ cán bộ phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm phát huy kết quả năm 2017, đoàn kết, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng xã hội, bám sát thực tiễn, không ngừng bồi dưỡng kiến thức, đổi mới trong hoạt động nghiệp vụ, vững bước phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, góp phần vào công cuộc giữ vững an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước./.

Nguyễn Xuân Lập

Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội