Tiếp tục hoàn thiện hệ thống dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bị mua bán Ngày đăng: 29/03/2023
Ngày 28/3, tại Hà Nội, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (PCTNXH), Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) phối hợp với Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Thách thức trong công tác hỗ trợ hòa nhập cho nạn nhân bị mua bán và sự cần thiết hoàn thiện hệ thống dịch vụ hỗ trợ nạn nhân” do Quỹ Phòng chống Nô lệ thời hiện đại, Bộ Nội vụ Vương quốc Anh tài trợ. Bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Cục trưởng Cục PCTNXH và bà Jun Doyen, Giám đốc chương trình và quan hệ đối tác của IOM tại Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo.

 

Tham dự Hội thảo còn có hơn 50 đại biểu đến từ Bộ Tư pháp, Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPN), Cục Quản lý lao động ngoài nước, Cục Việc làm, Cục Trẻ em (Bộ LĐTBXH); đại diện Sở LĐTBXH và Hội LHPN của 15 tỉnh, thành phố; đại diện các tổ chức quốc tế: Tổ chức Tầm nhìn thế giới (World Vision), Tổ chức Pacific Links, Tổ chức Trẻ em Rồng xanh (Blue Dragon); Tổ chức Winrock International.

Phát biểu khai mạc, bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Cục trưởng Cục PCTNXH cho biết, Việt Nam nằm trong khu vực Đông Nam Á, là một trong những nước trọng điểm về mua bán người. Trong những năm qua, tình hình tội phạm mua bán người tại Việt Nam vẫn phức tạp với các thủ đoạn mới, tính chất ngày càng tinh vi, quy mô ngày càng mở rộng, nhất là các vụ việc mua bán người xuyên biên giới.

Phó Cục trưởng Cục PCTNXH Nguyễn Thùy Dương phát biểu khai mạc Hội thảo

Để ứng phó với những thách thức trên, Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành đã có những chỉ đạo quyết liệt, kịp thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm điều chỉnh, ứng phó linh hoạt. Trong đó, Luật Phòng chống mua bán người và các văn bản hướng dẫn ở cấp Chính phủ và bộ, ngành thường xuyên được bổ sung, sửa đổi nhằm phù hợp với tình hình mới. Thêm vào đó, các chương trình, đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã thúc đẩy việc thực thi pháp luật một cách tốt nhất, đặc biệt là các chính sách bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

Các chương trình phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân giai đoạn 2021 – 2025 tiếp tục thực hiện đồng bộ với nhiều giải pháp cụ thể. Trong đó, công tác phòng ngừa mua bán người tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng. Công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán tập trung xác minh, xác định, tiếp nhận và bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân ở cả 3 giai đoạn: hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, hỗ trợ phục hồi và hỗ trợ hòa nhập cộng đồng.

Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, vấn đề hỗ trợ nạn nhân còn gặp không ít khó khăn, thách thức, đó là: các nạn nhân còn có tâm lý tự ti, mặc cảm, học vấn hạn chế…; các chế độ và các tổ chức hữu quan trên thực tế mới tập trung vào việc hỗ trợ nhu cầu thiết yếu. Các dịch vụ hỗ trợ chưa đáp ứng yêu cầu do vướng mắc từ các quy định của pháp luật như trợ giúp pháp lý, hỗ trợ tâm lý ban đầu, học nghề, vay vốn và trợ giúp khó khăn ban đầu. Bên cạnh đó, điều kiện, tiêu chuẩn dịch vụ hỗ trợ cũng còn hạn chế, chưa thực hiện đầy đủ do điều kiện bảo đảm về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực…

Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng chia sẻ, thảo luận các kinh nghiệm thực tế trong công tác hỗ trợ nạn nhân mua bán người cũng như những thách thức, khó khăn về hành lang pháp lý, quy trình và định mức hỗ trợ nạn nhân; các nguồn lực đảm bảo cho dịch vụ hỗ trợ hòa nhập cho nạn nhân bị mua bán một cách hiệu quả nhất; công tác tập huấn, đào tạo kỹ năng hỗ trợ, cung cấp dịch vụ của đội ngũ cán bộ tuyến đầu chưa thực sự đáp ứng yêu cầu...  

Bà Mihyung Park, Trưởng phái đoàn IOM tại Việt Nam ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong công tác chỉ đạo các cơ quan chức năng trong việc phối hợp và chuyển tuyến, hỗ trợ nạn nhân thông qua việc chuẩn hóa các dịch vụ hỗ trợ. Bộ LĐTBXH có sáng kiến phối hợp với các ngành như Công an, Bộ đội Biên phòng,… để hoàn thiện thủ tục xác định, bảo vệ và chuyển tuyến nạn nhân. Cục PCTNXH đã chuẩn hóa hệ thống biểu mẫu nhằm hướng dẫn cho đội ngũ làm việc trực tiếp ở các cấp, tham gia điều phối và tăng cường năng lực ở cả cấp trung ương và địa phương. Theo bà Mihyung Park, đây là những nỗ lực tuyệt vời.

Các đại biểu dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Tuy nhiên, bà cũng đề cập đến một số thách thức trong việc hỗ trợ tái hòa nhập cho các nạn nhân bị mua bán, chẳng hạn như thiếu nguồn lực cần thiết cho những hỗ trợ kịp thời ở cấp địa phương nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của nạn nhân. Những người di cư lao động ra nước ngoài với mục đích tăng thu nhập cho gia đình của họ. Trong số nạn nhân bị mua bán được xác định, giải cứu cho thấy các hình thức mua bán ngày càng phức tạp. Bên cạnh đó, tình trạng di cư trong nội địa tại các khu công nghiệp cũng tiềm ẩn nhiều thách thức, khó khăn. “Mục tiêu của chúng ta là nhận thức được những thách thức để cùng trách nhiệm, hiểu rõ hơn và làm tốt hơn trong quá trình thực thi nhằm hỗ trợ toàn diện cho nạn nhân tại cộng đồng”, Trưởng phái đoàn IOM tại Việt Nam nhấn mạnh.

Hội thảo kết thúc trong không khí cởi mở, các đại biểu nhất trí rằng, trong khi vẫn còn nhiều thách thức, điều quan trọng là cần có sự phối hợp, nỗ lực và hợp tác tốt giữa các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương và các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức quốc tế để hỗ trợ tốt hơn cho các nạn nhân bị mua bán và người di cư trong các tình huống dễ bị tổn thương./.

Như Ngọc