Có cần xây dựng dự án Luật về phòng, chống mại dâm để làm cơ sở cho việc thực hiện các biện pháp, giải pháp về công tác này? Ngày đăng: 22/01/2024
Tệ nạn mại dâm là vấn đề xã hội khó giải quyết không chỉ ở Việt Nam mà của nhiều nước trên thế giới. Trong những năm gần đây, việc bùng nổ của công nghệ thông tin, sự phát triển du lịch, di cư lao động, sự phân hóa giầu nghèo, sự cởi mở hơn trong các quan niệm về tình dục,… dẫn đến khó khăn, hạn chế trong công tác phát hiện, đấu tranh, xử lý đối với hoạt động mại dâm, đặc biệt là việc lợi dụng không gian mạng, công nghệ thông tin để hoạt động; mại dâm biến tướng dưới hình thức hợp đồng, du lịch tình dục,… và vấn đề tội phạm buôn bán người vì mục đích mại dâm, người Việt Nam ra nước ngoài hoạt động mại dâm.

 Pháp lệnh phòng, chống mại dâm (PCMD) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 17/3/2003 và có hiệu lực từ tháng 7/2003, cùng với các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý cơ bản đầy đủ về công tác phòng, chống mại dâm, góp phần đảm bảo an ninh trật tự xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về phòng, chống tệ nạn xã hội ở nước ta trong thời gian qua. Tuy nhiên, hành lang pháp lý này đã ban hành 20 năm, đến nay, một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn, chưa đáp ứng yêu cầu đấu tranh, phòng chống tội phạm liên quan đến mại dâm trong tình hình mới, ví dụ như:

(1) Pháp lệnh PCMD được xây dựng dưới dạng văn bản pháp luật quy định khung, việc tổ chức thực hiện phải áp dụng nhiều đạo luật khác, trong khi đó, từ năm 2003 đến nay, Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung, ban hành nhiều văn bản luật có liên quan, như: Hiến pháp năm 2013, Luật phòng, chống HIV/AIDS, Luật phòng, chống mua bán người, Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017, Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 được sửa đổi, bổ sung năm 2021, Luật doanh nghiệp sửa đổi năm 2022…

(2) Một số khái niệm, giải thích từ ngữ trong Pháp lệnh PCMD chưa đồng nhất với các văn bản pháp luật khác có liên quan và không còn phù hợp với thực tiễn, đặc biệt là quy định về các hành vi vi phạm hành chính liên quan đến phòng, chống mại dâm; một số khái niệm chưa được giải thích, một số phạm vi chưa xác định cụ thể, gây lúng túng cho cơ quan chức năng khi áp dụng pháp luật.

Vì vậy, Bộ LĐTBXH đã chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, tổng kết đánh giá, nghiên cứu tiến tới đề xuất xây dựng dự án Luật Phòng, chống mại dâm, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước trong tình hình mới.

Một số giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm để phòng, chống mại dâm trong bối cảnh hiện nay

(1) Đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống mại dâm; chú trọng đổi mới cách thức, nội dung công tác truyền thông theo hướng sinh động để thu hút giới trẻ, thông qua ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, qua mạng internet và mạng xã hội; các hình thức truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, có tính tương tác cao tại các khu công nghiệp, trường học,…; vận động quần chúng nhân dân nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác phòng ngừa, tố giác tội phạm về tệ nạn mại dâm.

(2) Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các hoạt động phòng ngừa mại dâm thông qua lồng ghép các chương trình có liên quan tại địa bàn cơ sở; thiết lập cơ chế phối hợp giữa các bên liên quan trong các chương trình về dạy nghề, tìm việc làm, hỗ trợ vay vốn, giảm nghèo, người dân tộc thiểu số… để giảm đối tượng có nguy cơ cao; hỗ trợ người bán dâm tiếp cận các dịch vụ từ các chương trình trên nhằm cung cấp cho họ các cơ hội lựa chọn công việc phù hợp.

(3) Tăng cường thanh tra, kiểm tra; kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm; điều tra, truy tố các tội phạm liên quan đến mại dâm; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về trật tự xã hội đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện; phòng, chống mại dâm trên không gian mạng; giải quyết hiệu quả tình trạng người Việt Nam ra nước ngoài hoạt động mại dâm, mua bán phụ nữ, trẻ em vì mục đích mại dâm; …

(4) Xây dựng, triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại, phòng ngừa lây nhiễm các bệnh xã hội và HIV/AIDS, phòng ngừa, giảm tình trạng bạo lực trên cơ sở giới trong phòng, chống mại dâm; xây dựng cơ chế, chính sách nhằm tưng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ xã hội đối với người bán dâm để hòa nhập cộng đồng; Hình thành mạng lưới cơ sở cung cấp dịch vụ hỗ trợ giảm hại; phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm có sự tham gia của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, chuyên gia, cá nhân trong và ngoài nước và một số nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực, câu lạc bộ của người bán dâm.

Bà Đàm Thị Minh Thu - Cục trưởng, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội.

(5) Tăng cường đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống mại dâm.

(6) Tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống mại dâm, mua bán người vì mục đích mại dâm, mại dâm trẻ em và giải quyết vấn đề người Việt Nam ra nước ngoài hoạt động mại dâm để tạo sự đồng thuận, ủng hộ và hỗ trợ kỹ thuật, tài chính của các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ./.

Đàm Thị Minh Thu

 Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội