Quan điểm quốc tế về rối loạn do sử dụng ma túy và các nguyên tắc trong điều trị Ngày đăng: 16/04/2018
Hiện nay, ma túy đã trở thành hiểm họa chung của toàn cầu. Số người sử dụng ma túy nói chung, người nghiện ma túy nói riêng, nhất là ma tuý tổng hợp và các chất hướng thần mới ngày càng tăng. Hệ quả tệ nạn ma túy gây ra trực tiếp và gián tiếp cho xã hội là rất lớn.

Theo báo cáo của Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC), từ năm 2010 đến năm 2017, số người sử dụng ma túy trên thế giới trong độ tuổi từ 15 - 64 đã tăng từ 226 triệu người lên 255 triệu người, chiếm 5% số người trong độ tuổi này trên toàn cầu, trong đó 32,5 triệu người sử dụng các loại ma túy gốc thuốc phiện đã qua điều chế, 16,5 triệu người sử dụng thuốc phiện tự nhiên, 37 triệu người sử dụng ATS, 22 triệu người sử dụng Ecstasy và 183 triệu người sử dụng cần sa.

Khoảng một trên 10 người sử dụng ma túy bất hợp pháp đang bị một dạng của  rối loạn sử dụng ma túy, gồm cả lệ thuộc vào ma túy. Hơn một nửa số người lệ thuộc vào ma túy dùng cách tiêm chích và hơn 10% trong số họ đã nhiễm HIV, phần lớn đều đã nhiễm viêm gan C.

Rối loạn sử dụng ma túy là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, đè nặng lên vai mỗi cá nhân người bệnh và gia đình của họ. Ngoài ra, còn có những chi phí đáng kể mà xã hội phải chịu như mất năng suất lao động, thách thức về an ninh, tội phạm, tăng chi phí chăm sóc sức khỏe và vô số những hậu quả xã hội tiêu cực khác. Chi phí xã hội của sử dụng ma túy bất hợp pháp ước tính chiếm tới 1,7% tổng GDP của một số nước. Việc chăm sóc những cá nhân bị rối loạn do sử dụng ma túy đã tạo nên gánh nặng lên hệ thống y tế của các quốc gia.

Qua nhiều năm, nghiên cứu y học đã chứng minh lệ thuộc vào ma túy là một rối loạn sinh học và hành vi đa yếu tố phức tạp. Theo tiêu chuẩn phân loại bệnh tật quốc tế ICD 10, khoảng 10% người bắt đầu sử dụng ma túy sẽ thay đổi hành vi và các triệu chứng khác theo thời gian và tạo thành chứng rối loạn do sử dụng ma túy. Nhưng trên thực tế, nhiều quốc gia trên thế giới vẫn còn quan điểm lạc hậu về rối loạn do sử dụng ma túy.

Sự kỳ thị và phân biệt đối xử đối với những người nghiện ma túy và cả những người làm công tác cai nghiện ma túy đã ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình can thiệp, điều trị những người bị rối loạn do sử dụng ma túy. Mặc dù, các bằng chứng đã chỉ ra rằng rối loạn sử dụng ma túy được điều trị hiệu quả nhất bằng biện pháp y tế tương tự như đối với các bệnh về HIV hay cao huyết áp, nhưng việc đưa điều trị nghiện vào hệ thống chăm sóc sức khỏe này vẫn còn rất khó khăn ở nhiều quốc gia nơi vẫn còn những khoảng cách lớn giữa khoa học, chính sách, và thực hành lâm sàng. Tại một số nước, rối loạn do sử dụng ma túy vẫn được coi là vấn đề tư pháp hình sự, các lực lượng hành pháp đóng vai trò chính trong công tác quản lý và cai nghiện ma túy mà không có sự giám sát hay tham gia của ngành y tế.

Theo hướng dẫn chuẩn quốc tế trong điều trị rối loạn do sử dụng ma túy do UNODC xây dựng năm 2017 thì rối loạn do sử dụng ma túy có thể được điều trị hiệu quả bằng các can thiệp về mặt y học và tâm lý xã hội nhằm làm giảm sử dụng ma túy và thèm nhớ ma túy; cải thiện sức khỏe, cuộc sống gia đình và các mối quan hệ xã hội của người bệnh; giảm thiểu rủi ro biến chứng và tái nghiện. Theo đó, để xây dựng mô hình điều trị rối loạn do sử dụng ma túy phải dựa trên 7 nguyên tắc sau:

1. Cơ sở điều trị phải sẵn có, dễ tiếp cận và phù hợp

Dịch vụ điều trị phải đáp ứng được các nhu cầu cụ thể của từng bệnh nhân ở mỗi giai đoạn riêng biệt của chứng rối loạn. Các dịch vụ này bao gồm: Tiếp cận cộng đồng, sàng lọc và can thiệp nhanh, điều trị nội trú và điều trị ngoại trú, điều trị y tế và điều trị tâm lý xã hội, phục hồi chức năng và các dịch vụ hỗ trợ phục hồi.

Những dịch vụ này phải vừa túi tiền, sẵn có ở hệ thống chăm sóc y tế. Dịch vụ không chỉ cung cấp điều trị cai nghiện, mà còn cung cấp các hỗ trợ và bảo trợ về mặt xã hội cũng như chăm sóc y tế nói chung. Khung pháp lý của nhà nước không được ngăn cản bệnh nhân bị rối loạn sử dụng ma túy tham gia vào các chương trình điều trị. Môi trường các cơ sở điều trị phải thân thiện, đáp ứng những nhu cầu lâm sàng cụ thể của từng bệnh nhân.

2. Bảo đảm tiêu chuẩn đạo đức trong chăm sóc bệnh nhân tại các dịch vụ điều trị

Điều trị rối loạn do sử dụng ma túy phải dựa trên các tiêu chuẩn đạo đức về chăm sóc y tế phổ quát, bao gồm việc tôn trọng nhân quyền và phẩm giá của bệnh nhân, bảo đảm không phân biệt đối xử và xóa bỏ sự kỳ thị. Việc điều trị không được ép buộc hay ngược lại ý chí của bệnh nhân, phải có được sự chấp thuận của bệnh nhân trước khi thực hiện can thiệp điều trị.

Hồ sơ y tế và hồ sơ điều trị phải được bảo mật, không được cho phép bệnh nhân không có trong hồ sơ y tế đăng ký tham gia điều trị. Người bị rối loạn do sử dụng ma túy phải được đối xử như những người bệnh khác, không bao giờ được trừng phạt, nhục mạ hay giảm bớt các can thiệp đối với bệnh nhân.

3. Đẩy mạnh việc điều trị rối loạn sử dụng ma túy bằng sự phối hợp hiệu quả giữa hệ thống tư pháp hình sự và các dịch vụ y tế xã hội

Rối loạn do sử dụng ma túy trước hết phải được xem là vấn đề về y tế hơn là hành vi phạm tội, người sử dụng ma túy phải được điều trị tại hệ thống chăm sóc y tế thay vì hệ thống tư pháp hình sự. Những người bị rối loạn do sử dụng ma túy có thể phạm tội, thông thường là để kiếm tiền mua ma túy và hành vi phạm tội này sẽ dừng lại sau khi được điều trị hiệu quả. Do vậy, hệ thống tư pháp hình sự phải kết hợp chặt chẽ với hệ thống y tế, xã hội để khuyến khích người bị rối loạn do sử dụng ma túy điều trị tại các cơ sở y tế hơn là truy tố và giam giữ họ.

Để làm được điều này, cán bộ hành pháp, cán bộ tòa án, cán bộ trong hệ thống trại giam phải được tập huấn và cung cấp các kiến thứ cần thiết để hỗ trợ và điều trị có hiệu quả cho những người bị rối loạn do sử dụng ma túy. Nếu trong trại giam, phạm nhân cũng phải được điều trị rối loạn do sử dụng ma túy trong thời gian này và hướng dẫn, chuyển gửi tiếp tục điều trị sau khi được tự do.                                                                           

4. Điều trị phải dựa trên bằng chứng khoa học và đáp ứng các nhu cầu cụ thể của cá nhân bị rối loạn do sử dụng ma túy

Theo nguyên tắc chung, chỉ nên áp dụng các phương pháp y tế và tâm lý xã hội đã được khoa học chứng minh vào điều trị cho người bị rối loạn do sử dụng ma túy. Để chứng mình rằng một cách tiếp cận điều trị là hiệu quả thì phải qua thử nghiệm lâm sàng. Thời gian và cường độ (liều) của một can thiệp phải phù hợp với các hướng dẫn dựa trên bằng chứng. Các biện pháp can thiệp khác nhau phải được điều chỉnh sao cho phù hợp với từng bệnh nhân.

Việc tổ chức điều trị rối loạn sử dụng ma túy phải dựa trên quan điểm chăm sóc mãn tính, chứ không phải là chăm sóc cấp tính. Quá trình và chẩn đoán bệnh đối với rối loạn do sử dụng ma túy tương tự như đối với các bệnh mãn tính khác như tiểu đường, HIV, ung thư, hay cao huyết áp. Mô hình điều trị và chăm sóc dài hạn có xu hướng thúc đẩy một đời sống lâu dài và lành mạnh. Những biện pháp can thiệp phải thích nghi được với bối cảnh văn hóa và kinh tế của từng nước nhưng không làm thay đổi những yếu tố cốt lõi của những biện pháp này nhằm mang lại kết quả điều trị hiệu quả nhất.

Hệ thống điều trị truyền thống, hạn chế về tính hiệu quả thì cần phải học hỏi và áp dụng tối đa những biện pháp can thiệp dựa trên bằng chứng hiện có vào chương trình của mình và cần phải đánh giá tính hiệu quả của những biện pháp này.

5. Đáp ứng nhu cầu của các nhóm đặc thù

Các nhóm với nhu cầu đặc trưng bao gồm: Vị thành niên, người già, phụ nữ, phụ nữ mang thai, trẻ em, người bán dâm, các nhóm thiểu số về tình dục và giới, các nhóm dân tộc thiểu số và tôn giáo, các cá nhân liên quan tới hệ thống tư pháp hình sự và các cá nhân bị gạt ra ngoài lề xã hội.

Làm việc với những nhóm đặc thù này đòi hỏi phải có kế hoạch điều trị khác biệt và cá nhân hóa trong đó xem xét nhu cầu và tính dễ tổn thương của họ. Cụ thể là, trẻ em và vị thành niên không nên được điều trị trong cùng một hệ thống với bệnh nhân người lớn, mà phải được điều trị tại một cơ sở có khả năng xử lý các vấn đề khác mà những bệnh nhân trẻ tuổi này phải đối mặt và phải mang tính tổng thể bao gồm y tế, học tập và trong việc phối hợp với gia đình, nhà trường và các dịch vụ xã hội.

Tương tự như vậy, phụ nữ khi tham gia điều trị phải được cung cấp dịch vụ và sự quan tâm, bảo vệ đặc biệt. Phụ nữ bị rối loạn do sử dụng ma túy dễ bị bạo lực gia đình và lạm dụng tình dục hơn, con cái của họ có nguy cơ bị lạm dụng, do đó trong quá trình điều trị phải có mối liên hệ với các tổ chức bảo vệ phụ nữ và trẻ em.

Bệnh nhân nữ có thể yêu cầu phương pháp điều trị tập trung vào phụ nữ trong một môi trường an toàn đơn giới tính để đạt được lợi ích tối đa. Các chương trình điều trị phải có khả năng đáp ứng được nhu cầu của trẻ em và cho phép bệnh nhân là cha mẹ đang chăm sóc trẻ nhỏ cũng được điều trị, và hỗ trợ họ thực hành nuôi dạy và chăm sóc con cái. Phụ nữ có thể cần tập huấn và hỗ trợ về các vấn đề như sức khỏe tình dục và biện pháp tránh thai.

6. Bảo đảm quản trị lâm sàng tốt đối với các dịch vụ và chương trình điều trị rối loạn do sử dụng ma túy

Để điều trị hiệu quả đối với rối loạn do sử dụng ma túy đòi hỏi một phương pháp quản trị lâm sàng tốt. Chính sách, chương trình, thủ tục điều trị và cơ chế phối hợp phải được xác định từ trước và làm rõ đối với các thành viên trong nhóm điều trị, người quản lý, và nhóm đối tượng đích.

Việc tổ chức điều trị phải áp dụng những kết quả nghiên cứu mới nhất dựa trên bằng chứng và phải đáp ứng được nhu cầu của người bệnh. Đối xử với những người bị rối loạn do sử dụng ma túy - những người thường suy yếu nhiều chức năng về tâm lý xã hội và đôi khi là thể chất - là một thách thức đối với cán bộ điều trị và cả tổ chức. Phải giám sát thường xuyên các hình thức sử dụng ma túy và hậu quả do sử dụng ma túy và các bệnh đồng diễn, các kết quả giám sát sẽ giúp cho việc lên kế hoạch và quản trị dịch vụ điều trị.

7. Chính sách, dịch vụ, và thủ tục điều trị phải hỗ trợ phương pháp điều trị lồng ghép; sự kết hợp với các dịch vụ bổ sung phải được giám sát và đánh giá liên tục

Rối loạn do sử dụng ma túy là một vấn đề sức khỏe phức tạp và đa diện, do vậy cần phải xây dựng hệ thống điều trị toàn diện nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều trị hiệu quả chứng rối loạn do sử dụng ma túy và các vấn đề chăm sóc y tế liên quan.

Khi có thể, hệ thống điều trị cần tính đến và các nhóm điều phối phải tham gia chăm sóc sức khỏe tâm thần, tâm lý và tinh thần, dịch vụ xã hội (về nhà ở và kỹ năng nghề nghiệp/việc làm và, nếu cần, trợ giúp pháp lý), chăm sóc y tế chuyên khoa khác (như dịch vụ HIV, HCV, lao, và các bệnh lây nhiễm khác). Hệ thống điều trị phải thường xuyên được giám sát, đánh giá và điều chỉnh. Điều này đòi hỏi việc lên kế hoạch và thực hiện dịch vụ phải logic, trình tự từng bước nhằm bảo đảm sức mạnh giữa các khâu: Chính sách, đánh giá nhu cầu, lập kế hoạch điều trị, thực hiện dịch vụ, giám sát dịch vụ, đánh giá kết quả và cải thiện chất lượng.

Nguyễn Cửu Đức

Vụ Khoa Giáo – Văn xã (Văn phòng Chính phủ)