Lào Cai: Tuyên truyền phòng, chống mua bán người trong trường học Ngày đăng: 22/04/2024
Nhằm giáo dục học sinh nêu cao tinh thần cảnh giác, các trường học trên địa bàn tỉnh đã chủ động phối hợp với các sở, ngành đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống mua bán người.

 

 

 

 

Vừa qua, tiểu phẩm ngắn mang tên “Chuyện nhà Páo” được học sinh Trường THCS số 1 Phố Ràng (huyện Bảo Yên) mang đến Diễn đàn “Tuyên truyền phòng, chống tệ nạn mua bán người, tệ nạn ma túy, mại dâm trong đoàn viên, thanh thiếu nhi” đã thu hút sự chú ý của hàng trăm học sinh, thầy cô giáo của trường bởi lối diễn xuất tự nhiên và những câu thoại ấn tượng.

Cô Đỗ Ngọc Kim Khuyên, giáo viên Tổng phụ trách Đội, Trường THCS số 1 Phố Ràng cho biết: Sau khi lên ý tưởng viết kịch bản cho tiểu phẩm, tôi và học sinh trong nhóm đã trao đổi về nội dung tiểu phẩm. Sau đó, tôi để học sinh tự viết lời thoại nhân vật. Cách làm này đã phát huy hiệu quả, giúp học sinh hiểu rõ nội dung, mục đích, ý nghĩa của tiểu phẩm, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm, năng lực nhận biết âm mưu, phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán.

Tại diễn đàn, học sinh Trường THCS số 1 Phố Ràng còn được cung cấp kiến thức phòng, chống mua bán người, các kỹ năng, dấu hiệu nhận biết một số hành vi của kẻ mua bán người và các hình thức bóc lột, thủ đoạn dụ dỗ của kẻ buôn người, đặc biệt là kỹ năng tự bảo vệ bản thân và người thân.

Cùng với tổ chức các diễn đàn phòng, chống tội phạm mua bán người, hoạt động tuyên truyền bằng hình thức phiên tòa giả định đang được triển khai tại nhiều trường trên địa bàn tỉnh. Đây là một trong những hình thức truyền thông mới, giáo dục cho đoàn viên, thanh niên về hậu quả của các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật trong giới trẻ, giáo dục và cảm hóa những thanh thiếu niên có nguy cơ vi phạm pháp luật...

Phiên tòa giả định có kịch bản dựa trên thực tế, được dựng lại đúng quy trình tố tụng một vụ án hình sự, bằng hình thức sân khấu hóa tái hiện các tình huống có thật để phản ánh thực trạng mua bán người trái phép qua biên giới. Nhờ cách thể hiện dễ hiểu, sinh động về vụ án mà học sinh có thể hiểu rõ về một số hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tội phạm mua bán người qua biên giới.

Anh Nguyễn Xuân Hùng, Bí thư Huyện đoàn Bát Xát cho biết: Thông qua hình thức trả lời câu hỏi, học sinh nắm được hành vi, diễn biến phiên tòa để hiểu được tình huống và quy định của pháp luật hiện hành. Đồng thời, học sinh được cung cấp kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ bản thân trước những chiêu trò của tội phạm mua bán người.

Năm 2023, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với cơ quan công an, biên phòng, UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua các buổi giao ban, họp thôn, bản và tại các trường học, phiên chợ... nhằm nâng cao trách nhiệm, ý thức của các tổ chức và cá nhân trong chung tay đẩy lùi nạn mua bán người… Thông qua các buổi truyền thông đã giới thiệu cho người dân biết số điện thoại tư vấn miễn phí, địa chỉ khi cần tố giác tội phạm mua bán người như Tổng đài quốc gia 111 và số điện thoại đường dây nóng của Công an tỉnh, Nhà nhân ái, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh khi cần hỗ trợ.

Lào Cai là địa bàn trung chuyển, có đường biên giới dài, có không ít đối tượng mua bán người hoạt động. Thời gian tới, với mục tiêu đẩy mạnh phòng ngừa tội phạm mua bán người từ sớm, từ xa và từ cơ sở, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cùng Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng tuyên truyền phòng, chống mua bán người cho học sinh, nhất là khu vực vùng sâu, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng khuyến khích các gia đình phối hợp chặt chẽ với nhà trường để quản lý, giáo dục và nâng cao tinh thần cảnh giác cho học sinh khi sử dụng điện thoại, internet…

K.D (Theo báo Lào Cai)