Hà Nội ứng dụng khoa học công nghệ trong đấu tranh phòng, chống ma túy Ngày đăng: 22/04/2024
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 45/KH-UBND ngày 02/02 về phòng, chống ma túy trên địa bàn thành phố năm 2024. Theo Kế hoạch, Hà Nội sẽ đẩy mạnh chuyển đổi trạng thái các mặt công tác phòng, chống ma túy từ “truyền thống” sang “hiện đại”, ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ.

 

 

 

Theo Kế hoạch, năm 2024, tất cả các trường học (THCS, THPT, trường dạy nghề...) trên địa bàn thành phố sẽ được tuyên truyền về phòng, chống ma túy; các tổ dân phố/thôn được tiếp cận thông tin truyền thông phòng, chống ma túy ít nhất 1 lần/quý. Thành phố tăng cường vận động người nghiện, người sử dụng trái phép ma túy đi cai nghiện tự nguyện tại các Cơ sở cai nghiện ma túy. Toàn bộ người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy được phát hiện, ra thông báo được lập hồ sơ quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định. Thành phố đặt mục tiêu, lập 1.700 hồ sơ đề nghị Tòa án nhân dân các quận, huyện, thị xã ra quyết định xử lý vi phạm hành chính đưa người nghiện ma túy vào Cơ sở cai nghiện bắt buộc; 80% số người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy sẽ được lập hồ sơ quản lý, để giúp các trường hợp này tiếp cận dịch vụ tư vấn, điều trị, cai nghiện ma túy, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng; tất cả người hoàn thành chương trình cai nghiện ma túy được lập hồ sơ đưa vào quản lý người sau cai nghiện ma túy ở địa phương, trong đó lập hồ sơ quản lý tối thiểu 1.000 người sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú.

Bên cạnh đó, thành phố cũng hướng tới xây dựng 10% “Tổ dân phố, khu dân cư không ma túy” trên địa bàn phường, 20% “Thôn không ma túy” trên địa bàn xã/thị trấn; phấn đấu ít nhất 01 “Xã, phường, thị trấn không ma túy”; xây dựng mô hình quản lý, hỗ trợ người sử dụng trái phép chất ma túy và người có nguy cơ sử dụng trái phép chất ma túy (người có nguy cơ cao) ở cộng đồng và lựa chọn 01 mô hình quản lý, chăm sóc, hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy hiệu quả tại nơi cư trú trên địa bàn để đánh giá, đề xuất nhân rộng mô hình. Triệt xóa 100% điểm phức tạp về ma túy và điểm nguy cơ phức tạp về ma túy còn tồn tại đến cuối năm 2023; giữ ổn định các địa bàn, điểm phức tạp về ma túy đã giải quyết điểm; rà soát, kịp thời phát hiện những điểm, tụ điểm có nguy cơ phát sinh để tập trung đấu tranh triệt xóa; không để hình thành các điểm, tụ điểm tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy liên quan đến dịch vụ kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, không để xảy ra tình trạng mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy công khai ở các địa bàn công cộng, khu dân cư, trường học... gây bức xúc dư luận.

Đặc biệt, UBND TP. Hà Nội cũng xác định đẩy mạnh chuyển đổi trạng thái các mặt công tác phòng, chống ma túy từ “truyền thống” sang “hiện đại”, ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ trong công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy như ứng dụng mạng xã hội, công nghệ 4.0 trong tuyên truyền phòng, chống ma túy, thiết lập trang Facebook hoặc các nhóm Zalo tuyên truyền phòng, chống ma túy, phổ cập thông tin phòng ngừa tội phạm về ma túy; công tác cai nghiện ma túy, các biện pháp và thủ tục đăng ký cai nghiện theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021; đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy nổi lên tại các địa phương như: phòng, chống ma túy liên quan đến không gian mạng; trong thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên; phòng, chống ma túy "núp bóng" các loại thực phẩm, thuốc lá điện tử, sử dụng bóng cười (khí N2O)...

Phát huy công tác chủ động, quản lý, bám sát địa bàn trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dữ liệu căn cước công dân, khai thác tối đa hiệu quả của các hệ thống dữ liệu phục vụ công tác nghiệp vụ Công an và các yêu cầu quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, quản lý ngành nghề kinh doanh dịch vụ có điều kiện, quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; phát huy vai trò, nòng cốt của lực lượng Công an xã chính quy trong công tác phòng, chống ma túy ngay từ cơ sở.

Rà soát, phát hiện, đưa vào quản lý đối tượng có biểu hiện "ngáo đá” để chủ động phòng ngừa, quản lý chặt chẽ không để các đối tượng hoạt động phạm tội, vi phạm pháp luật, ngăn chặn nguồn phát sinh các loại tội phạm...

Trên cơ sở đó xây dựng, hệ thống hóa thành bản đồ số và cơ sở dữ liệu về tình hình, công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn. Kịp thời nhận diện những thay đổi, diễn biến mới trong phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy để điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các phương án, kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh cho phù hợp với từng tuyến, địa bàn trong từng giai đoạn, tình hình cụ thể.

K.D