Lạng Sơn: Tăng cường lồng ghép công tác phòng, chống ma túy với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội Ngày đăng: 16/04/2024
Ngày 14/4, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Kế hoạch số 90/KH-UBND về Tổ chức cai nghiện ma tuý và quản lý sau cai nghiện ma tuý năm 2024. Theo đó, Kế hoạch đã xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các cấp uỷ, chính quyền, các Sở, ban, ngành (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh, Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông…) và các tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt là cấp cơ sở trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện công tác cai nghiện, quản lý sau cai nghiện ma tuý tại gia đình, cộng đồng và cơ sở cai nghiện ma túy (cơ sở) góp phần giữ gìn an ninh, trật tự và an toàn xã hội trên địa bàn.

Kế hoạch được xây dựng, triển khai trên cơ sở quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy, như: Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021 của Chính phủ; Quyết định số 1452/QĐ-TTg ngày 31/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Phòng, chống ma túy giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch số 80/KH-UBND ngày 09/4/2022 về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy giai đoạn 2022 - 2025… Với mục tiêu đặt ra trong năm 2024 là tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện tại cộng đồng, thông qua việc thực hiện các biện pháp, mô hình đa dạng, toàn diện, liên tục, chất lượng công tác điều trị, tư vấn, xã hội, việc làm, kết hợp với các biện pháp giảm hại của sử dụng ma tuý và dự phòng hạn chế lây nhiễm HIV do tiêm chích ma tuý; đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về phòng, chống ma túy, cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy bằng nhiều hình thức phong phú.

Một số chỉ tiêu cụ thể

(1) Phấn đấu 100% xã, phường, thị trấn, cơ sở giáo dục nghề nghiệp được truyền thông, giáo dục về phòng, chống ma tuý.

(2) Tổ chức tư vấn, cai nghiện, điều trị nghiện đối với 80 - 85% người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý với các hình thức phù hợp.

(3) Phấn đấu 100% người đã hoàn thành cai nghiện được hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng với các hình thức giáo dục, tư vấn, giám sát phù hợp.

(4) Trên 90% cán bộ làm công tác quản lý, cán bộ làm công tác cai nghiện ở cơ sở cai nghiện ma tuý và ở cấp huyện, cấp xã được tập huấn, đào tạo nhằm nâng cao năng lực và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

(5) Bảo đảm 100% học viên cai nghiện tại cơ sở cai nghiện ma tuý đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định đều được học nghề; 100% số người cai nghiện có nhu cầu được tư vấn việc làm.

Một số nhiệm vụ trọng tâm

(1)  Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục với nhiều nội dung và hình thức đa dạng phù hợp với đối tượng, đội tuổi khác nhau. Biệt biệt, cần phải ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông qua không gian mạng Internet, Cổng/Trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị, địa phương; trên kênh Youtube, Zalo nhằm đạt được hiệu quả cao và được lan rộng.

(2) Đẩy mạnh công tác rà soát xác định tình trạng nghiện, vận động người nghiện ma túy cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng; tổ chức thực hiện có hiệu quả mô hình cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh; tổ chức thành lập các điểm tư vấn, chăm sóc và hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng để tăng cường các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ người nghiện ma túy.

(3) Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy bắt buộc trong việc tổ chức thực hiện quản lý, lao động trị liệu, tư vấn dạy nghề… cho học viên vào cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma tuý tỉnh; tập trung đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ viên chức, người lao động, đặc biệt là đội ngũ y bác sỹ, lực lượng bảo vệ làm công tác quản lý cai nghiện ma túy; tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các chế độ, chính sách, các quy định pháp luật về công tác cai nghiện phục hồi tại cơ sở.

(4) Quan tâm đến công tác hỗ trợ người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng là một trong những nhiệm vụ quan trong được nêu trong Kế hoạch: Đảm bảo 100% số người đã cai nghiện bắt buộc, cai nghiện tự nguyện tại cơ sở trở về cộng đồng được hỗ trợ, giúp đỡ quản lý sau cai tại nơi cư trú.Tiếp tục phối hợp giữa cơ sở, chính quyền địa phương với cơ sở dạy nghề, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tạo điều kiện cho người sau cai nghiện ma túy thuận lợi trong học nghề và lao động sản xuất, giải quyết việc làm./.

Nhật NL