Tọa đàm trao đổi kinh nghiệm công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai Ngày đăng: 16/04/2024
Sáng ngày 09/4/2024, tại Cơ sở Cai nghiện ma túy số 5 Hà Nội đã diễn ra buổi tọa đàm trao đổi kinh nghiệm công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai giữa các Cơ sở cai nghiện ma túy trên địa bàn Hà Nội. Tham dự buổi tọa đàm có Ban Giám đốc các Cơ sở cùng toàn thể cán bộ chủ chốt, cán bộ viên chức, người lao động của 03 đơn vị gồm: CSCNMT số 1, CSCNMT số 4 và CSCNMT số 5.

 

 

 

Tại buổi tọa đàm, đồng chí Nguyễn Trọng Dũng – Bí thư Chi bộ, Giám đốc CSCNMT số 5 cho biết: Hiện nay, cơ sở đang điều trị cai nghiện ma túy tự nguyện cho 218 học viên, điều trị ngoại trú Methadone cho 120 bệnh nhân, trong đó dò liều 07 bệnh nhân, liều duy trì 113 bệnh nhân. Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 được ban hành cùng với các thông tư, Nghị định là bước chuyển mình mạnh mẽ trong công tác cai nghiện của các CSCNMT trên toàn quốc nói chung và của CSCNMT số 5 Hà Nội Nói riêng.

Việc xây dựng Luật này nhằm tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật về phòng, chống ma túy và khắc phục những hạn chế, bất cập trong các quy định của Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy năm 2008. Trong đó quản lý tốt người nghiện, điều trị nghiện cho học viên chính là góp phần ngăn chặn đấu tranh từng bước loại trừ tệ nạn ma túy ra khỏi đời sống xã hội chính là nhiệm vụ then chốt của CSCNMT số 5 Hà Nội. Vì vậy nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị của người nghiện ma túy, đội ngũ cán bộ viên chức, người lao động của đơn vị đều tận tâm, có trách nhiệm với công việc được giao, không ngừng nâng cao năng lực, tích cực học tập, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ do vậy chất lượng công tác cai nghiện, chữa bệnh ngày càng được nâng lên, học viên ổn định tư tưởng, yên tâm điều trị, cai nghiện ma túy.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Trung ương và Thành phố, Cơ sở đã tập trung, nỗ lực chuẩn bị về điều kiện cơ sở vật chất, bộ máy cán bộ để tổ chức tiếp nhận, điều trị cho người nghiện tự nguyện đến cai nghiện.

Bắt đầu từ ngày 01/01/2015, Cơ sở chính thức triển khai mô hình thí điểm theo Đề án cai nghiện tự nguyện với mục tiêu chủ trương đa dạng hóa các mô hình cai nghiện ma túy và xã hội hóa hoạt động cai nghiện phục hồi giúp người nghiện khi vào điều trị tại Cơ sở được điều trị toàn diện. Sau gần 10 năm triển khai công tác cai nghiện tự nguyện, Cơ sở đã đạt được kết quả đáng ghi nhận, nâng cao được hiệu quả công tác cai nghiện, việc triển khai mô hình cai nghiện tự nguyện đã làm thay đổi nhận thức của nhân dân, cán bộ làm công tác cai nghiện và người nghiện ma túy về công tác cai nghiện theo xu hướng thân thiện, cởi mở, tạo điều kiện thuận lợi cho người nghiện đi cai nghiện. Đây cũng là bước đột phá vừa phù hợp cho xu hướng chung, vừa tháo gỡ được những khó khăn trước mắt trong công tác cai nghiện ma túy hiện nay, việc tổ chức cai nghiện tự nguyện tại Cơ sở đã đáp ứng được nguyện vọng, nhu cầu điều trị nghiện ma túy của người nghiện và thân nhân người nghiện, được quần chúng nhân dân và dư luận xã hội đồng tình ủng hộ.

Bên cạnh những thuận lợi trên, trong những năm qua, CSCNMT số 5 còn không ít khó khăn trong công tác vận động người nghiện vào cai nghiện ma túy tự nguyện vì không có chỉ tiêu của Thành phố Hà Nội giao cho các quận, huyện. Cơ sở thường xuyên phải tự kết nối với phòng Lao động - Thương binh và Xã hội và Công an các xã, phường, thị trấn trên địa bàn Thành phố Hà Nội để vận động đưa người vào cai nghiện, đồng thời người vào cai nghiện phần lớn dùng ma túy tổng hợp nên việc điều trị gặp không ít khó khăn về vấn đề nhận thức và rối loạn hành vi của học viên, vì vậy mỗi cán bộ, nhân viên đều cố gắng, phấn đấu nỗ lực trong công tác điều trị, quản lý cũng như trong công tác giáo dục phục hồi hành vi nhân cách cho học viên giúp học viên nhận thức được tác hại khi sử dụng ma túy để từ bỏ ma túy sớm trở về hòa nhập cộng đồng và xã hội.

Đối với công quản lý sau cai nghiện ma túy, Cơ sở cũng gặp khó khăn trong việc tiếp cận với người nghiện và gia đình họ. Sau khi trở về cộng đồng người nghiện thường không có việc làm ổn định, nguy cơ tái nghiện cao nên tâm lý ngại giao tiếp, mặc cảm tự ti vì thế gây khó khăn cho cán bộ khi nắm bắt các thông tin của người nghiện…

Phát biểu tại buổi tọa đàm, đồng chí Phạm Đình Giang – Bí thư Chi bộ, Giám đốc Cơ sở Cai nghiện ma túy số 4 Hà Nội chia sẻ về thuận lợi và khó khăn của Cơ sở Cai nghiện ma túy số 5 Hà Nội trong công tác cai nghiện ma túy tự nguyện hiện nay. Buổi tọa đàm hôm nay giữa 03 đơn vị có ý nghĩa quan trọng, qua đó cung cấp đầy đủ thông tin hữu ích đối với công tác cai nghiện ma túy tự nguyện hiện nay. Tạo tiền đề cho các đơn vị học hỏi kinh nghiệm áp dụng biện pháp cai nghiện ma túy tự nguyện trong thời gian tới, xây dựng đơn vị ngày một vững mạnh phát triển xứng đáng là một trong những điểm sáng về công tác cai nghiện trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Hoàng Thị Khánh – CSCNMT số 5 Hà Nội