Hội thảo tăng cường tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ các nạn nhân của nạn mua bán người Ngày đăng: 29/10/2019
Ngày 29⁄10⁄2019, tại Hà Nội, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) phối hợp với Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam tổ chức Hội thảo về tăng cường tiếp nhận, xác minh, chuyển tuyến, bảo vệ và hỗ trợ các nạn nhân của nạn mua bán người. Ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục PCTNXH và bà Axelle Nicaise, Phó trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, đồng chủ trì hội thảo.

Tham dự có gần 50 đại biểu đến từ các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương; đại diện các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, Đại sứ quán Bỉ, Ý, Cộng hòa Séc, Phần Lan tại Việt Nam.

Phát biểu khai mạc, Cục trưởng Nguyễn Xuân Lập khái quát tình hình phòng, chống mua bán người tại Việt Nam. Theo đó, Luật phòng, chống mua bán người được Quốc hội khóa XII thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/01/2012, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề mua bán người, tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân đã được xây dựng, làm cơ sở pháp lý cho việc triển khai công tác này ở các địa phương và được kiểm soát chặt chẽ từ trung ương đến địa phương. Các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được Chính phủ phân công ban hành nhiều văn bản, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân, hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, địa phương thực hiện có hiệu quả các hoạt động của Đề án phòng, chống mua bán người nhằm nâng cao hiệu quả tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, tạo điều kiện cho nạn nhân được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ xã hội cơ bản, hòa nhập cộng đồng; phối hợp với các tổ chức quốc tế trong hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về; triển khai thực hiện có hiệu quả các điều ước quốc tế về phòng, chống mua bán người, di cư trái phép mà Việt Nam ký kết.

Cục trưởng Nguyễn Xuân Lập trao đổi tại Hội thảo

Cục trưởng đề nghị các đại biểu đóng góp ý kiến đối với kết quả khảo sát tại 02 tỉnh Lào Cai, Hà Giang để giúp cơ quan chức năng rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách cho nạn nhân bị mua bán trong thời gian tới.

Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi về kết quả khảo sát, đánh giá tài liệu hướng dẫn quy trình tiếp nhận- hỗ trợ- chuyển tuyến nạn nhân bị mua bán trở về và đường dây nóng tại tỉnh Hà Giang và Lào Cai; các mô hình các định, hỗ trợ và chuyển tuyến nạn nhân trong khu vực và trên thế giới. Theo đó, các mô hình được giới thiệu gồm cơ chế chuyển tuyến quốc gia, nhóm liên ngành, nhóm cơ quan điều phối quốc gia, nhóm các tổ chức xã hội- cảnh sát...

Các đề xuất được đưa ra bao gồm: mở rộng mô hình phối hợp liên ngành cấp tỉnh, mở rộng hỗ trợ nhu cầu thiết yếu và đi lại dựa trên nhu cầu của nạn nhân cho nhóm nạn nhân tự trở về chưa khai báo, xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành, khuyến khích và hỗ trợ sự tham gia của các tổ chức ngoài nhà nước, tăng cường công tác nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác xã hội và cán bộ tuyến đầu về các kỹ năng chăm sóc dựa trên hiểu biết về sang chấn, cũng như kỹ năng thu thập thông tin từ nạn nhân…

Bên cạnh đó, các đại biểu cho rằng, kết quả khảo sát, đánh giá còn nhiều hạn chế. Cụ thể, số lượng địa bàn được khảo sát, đánh giá; số lượng người hưởng thụ được tham gia vào quá trình nghiên cứu, những đánh giá về quản lý ca, quản lý trường hợp, quản lý dữ liệu tại địa phương, đồng thời, đề nghị nhóm nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện các khuyến nghị về tài liệu chuyển tuyến và đường dây nóng tại Việt Nam.

Kết luận hội thảo Cục trưởng Nguyễn Xuân Lập, cảm ơn những đóng góp, tiếp thu những ý kiến góp ý của các đại biểu tham dự hội thảo và định hướng thời gian tới các mô hình hỗ trợ nạn nhân bị mua bán tại các quốc gia trên thế giới được chia sẻ có nhiều điểm tương đồng và sẽ tích hợp để khai thác phù hợp điều kiện thực tế tại Việt Nam. Việc đầu tư kinh phí, nguồn lực cho công tác này đã được Đảng, Chính phủ quan tâm. Tuy nhiên, để công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về đạt nhiều kết quả, sẽ đề xuất các cơ quan chủ quản sửa đổi một số văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp./.

Kim Dung