Tổng kết Dự án và chuyển giao kỹ thuật thực hiện mô hình tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội dành cho người bán dâm Ngày đăng: 15/06/2017
Ngày 15-6, tại Hà Nội, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội phối hợp với Văn phòng Tổ chức Care Quốc tế tại Việt Nam tổ chức hội thảo “Tổng kết Dự án và chuyển giao kỹ thuật thực hiện mô hình tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội dành cho người bán dâm”.

Dự và chỉ đạo có ông Nguyễn Xuân Lập - Cục trưởng Cục PCTNXH, tham dự có bà Lê Kim Dung- Giám đốc quốc gia Care quốc tế tại Việt Nam; đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Cục PCTNXH; đại diện lãnh đạo Chi cục PCTNXH các tỉnh, thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Quảng Ninh, Lào Cai, Bắc Giang, Nam Định, Thanh Hóa, Hải Phòng, Phú Thọ, Tuyên Quang, Thái Bình, Hưng Yên, Khánh Hòa, Thừa Thiên Huế, đại diện tổ chức quốc tế tại Việt Nam (ILO, PLAN, UNFPA), đại diện các Câu lạc bộ Chúng tôi là phụ nữ.

Dự án “Xây dựng thí điểm Mô hình tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội dành cho người bán dâm” do Tổ chức Care Quốc tế tại Việt Nam tài trợ, thực hiện trong giai đoạn từ tháng 7/2014 đến tháng 6/2017 và được triển khai tại 3 tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Dự án nhằm cung cấp thông tin, bằng chứng thực tiễn cho việc lựa chọn, hoạch định chính sách pháp luật, các chương trình can thiệp đối với người bán dâm thông qua cách tiếp cận đảm bảo quyền cơ bản, nâng cao năng lực và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cho người bán dâm. Các hoạt động của dự án gồm:

1. Xây dựng và củng cố các Câu lạc bộ, nhóm tự lực của phụ nữ bán dâm trong việc vận động sự hỗ trợ và kết nối dịch vụ hỗ trợ phụ nữ bán dâm.

2. Nâng cao năng lực của các cơ quan làm việc về phòng, chống mại dâm trong việc duy trì và phát triển mô hình tăng quyền của phụ nữ bán dâm.

3. Cải thiện thái độ và hành vi của công an, chính quyền và các nhà cung cấp dịch vụ ở cấp Trung ương và địa phương.

Sau 3 năm thực hiện Dự án, tại mỗi tỉnh, thành phố Quảng Ninh, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ đã thành lập được 01 Câu lạc bộ Chúng tôi là phụ nữ, đây là nơi các chị em chia sẻ kiến thức về phòng ngừa bạo lực giới, cách tránh thai, bạo lực giới và các quyền hợp pháp. Các cán bộ thuộc vùng triển khai dự án được tập huấn về nguyên nhân, tác động của bạo lực và phân biệt đối xử với phụ nữ bán dâm. Bên cạnh đó, công an và các đơn vị cung cấp dịch vụ tăng cường hiểu biết về cách thức ứng xử trước các vụ việc bạo lực đối với phụ nữ bán dâm.

Đánh giá về những đóng góp của dự án, bà Lê Kim Dung, Giám đốc Quốc gia, Tổ chức Care Quốc tế tại Việt Nam cho biết: lần đầu tiên, phụ nữ bán dâm ở một số địa phương có thể tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ pháp lý và được trao đổi trực tiếp với chính quyền về các vấn đề của họ.

Quang cảnh hội thảo

Trong quá trình nghiên cứu, xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến mại dâm, những đóng góp của dự án đã làm rõ hơn sự thay đổi về quan điểm tiếp cận đối với vấn đề mại dâm ở Việt Nam, cụ thể, mại dâm cần nhìn nhận là vấn đề xã hội, do vậy để giải quyết vấn đề mại dâm nên sử dụng các biện pháp, giải pháp mang tính xã hội. Người bán dâm trong quá trình hoạt động gặp rất nhiều vấn đề liên quan như bạo lực trên cơ sở giới, khó tiếp cận với các dịch vụ xã hội, kỳ thị là một trong các rào cản khiến các quyền cơ bản của người bán dâm chưa được đảm bảo. Sự đảm bảo về thể chế (bao gồm hệ thống pháp luật, các cơ quan thực thi luật); sự đồng thuận, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ và nhóm người bán dâm là các yếu tố quan trọng trong việc đảm bảo quyền tiếp cận các dịch vụ xã hội.

Phát biểu tại hội thảo, Cục trưởng Nguyễn Xuân Lập cho biết, Quyết định số 361/QĐ- TTg ngày 07/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016- 2020, trong đó, xây dựng thử nghiệm 03 mô hình gồm: mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người bán dâm tại cộng đồng, Trung tâm công tác xã hội; mô hình hỗ trợ nhằm bảo đảm quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm; mô hình hỗ trợ tăng cường năng lực của các nhóm đồng đẳng/nhóm tự lực/câu lạc bộ của người bán dâm trong việc tiếp cận, truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng, chống bạo lực giới. Những kết quả từ mô hình là một trong những bằng chứng thực tiễn để nghiên cứu, xây dựng các chính sách, pháp luật hỗ trợ người bán dâm hòa nhập cộng đồng.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tích cực tham gia chia sẻ, thảo luận và trao đổi làm rõ những tồn tại, nguyên nhân, cách thức thực hiện các công cụ và khả năng áp dụng nhân rộng mô hình tại các địa phương. Đồng thời, quan tâm thảo luận đến những vấn đề: vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc đảm bảo cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cho người bán dâm; việc xây dựng các cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho các tổ chức phi Chính phủ, các tổ chức xã hội phát triển để thực hiện các hoạt động hỗ trợ, tạo điều kiện cho người bán dâm được dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ xã hội; vấn đề giúp đỡ phụ nữ bán dâm giảm các tổn thương do bị lừa gạt, bạo lực, bóc lột tình dục, hỗ trợ họ tái hòa nhập cộng đồng ổn định, bền vững.

Kim Dung