Ninh Thuận nâng cao nhận thức và hành động phòng, chống mua bán người Ngày đăng: 22/06/2020
Thực hiện Kế hoạch số 162⁄KH-BCĐ ngày 08⁄4⁄2020 của Ban Chỉ đạo 138⁄CP của Chính phủ, ngày 15⁄5⁄2020, Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh Ninh Thuận ban hành Kế hoạch 1742⁄KH-BCĐ về việc triển khai thực hiện các hoạt động hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - 30⁄7” năm 2020.

 

 

 

Theo kế hoạch, các cấp, các ngành trong tỉnh sẽ tổ chức triển khai các hoạt động sâu rộng hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người 30/7” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7”; tạo sự chuyển biến cơ bản về nhận thức và hành động trong toàn xã hội về phòng, chống mua bán người, góp phần làm giảm nguy cơ, tội phạm liên quan đến mua, bán người và hỗ trợ có hiệu quả nạn nhân bị mua bán trở về hòa nhập cộng đồng.

Huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, chủ động phòng ngừa và tích cực tham gia đấu tranh chống tội phạm mua bán người; phát huy những thành tích, kết quả đạt được, đồng thời, khắc phục những tồn tại, hạn chế; chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tội phạm mua, bán người.

Trên tinh thần tổ chức các hoạt động một cách thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, BCĐ cũng nêu rõ các nhiệm vụ đối với các cơ quan hữu quan, chỉ đạo các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố. Cụ thể:

Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống mua, bán người phù hợp với đặc điểm, tình hình, phong tục tập quán của từng địa phương, vùng miền, chú trọng tuyên truyền các địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự hoặc có nguy cơ cao của tội phạm hoạt động mua bán người.

Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan tổ chức các hoạt động tuyên truyền tại cộng đồng, hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người”, tạo sự lan tỏa trong toàn xã hội. Các nhiệm vụ trọng tâm bao gồm: tổ chức lễ mít tinh tại huyện Ninh Hải vào cuối tháng 7; xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình phòng ngừa hiệu quả; duy trì, kết nối với các cơ sở hỗ trợ nạn nhân và trung tâm bảo trợ xã hội trong cả nước để tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân là người địa phương bị mua bán trở về.

Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan tổ chức các hoạt động tuyên truyền trên phương tiện thông tin truyền thông đại chúng. Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đưa nội dung tuyên truyền phòng, chống mua bán người vào định hướng tuyên truyền hàng tháng vào hội nghị giao ban báo chí; phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn thực hiện tốt công tác tuyên truyền phòng, chống mua bán người đến từng địa bàn dân cư, trường học, các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp; chú trọng tuyên truyền về dấu hiệu vi phạm, hình thức, thủ đoạn tội phạm mua, bán người, nhằm nâng cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa và tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người; chỉ đạo các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh tăng thời lượng, tần suất thông tin tuyên truyền phòng, chống mua bán người; tuyên truyền về đường dây nóng phòng, chống mua bán người (qua tổng đài tư vấn Quốc gia 111, của tỉnh 1800.8079) để được tư vấn và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; tuyên truyền và phối hợp tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người - 30/7” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7”; chỉ đạo các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin internet trên địa bàn tỉnh tăng cường thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người sử dụng internet, viễn thông và mạng xã hội về tự bảo mật thông tin cá nhân trên môi trường mạng để không bị cá nhân, tổ chức lợi dụng khai thác, mua bán thông tin cá nhân.

Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan nắm chắc tình hình, tổ chức điều tra, xác định đường dây, ổ nhóm tội phạm mua bán người, tập trung vào các tuyến, địa bàn trọng điểm; kịp thời phát hiện, xử lý tin báo, tố giác tội phạm; triệt xóa, bóc gỡ các đường dây tội phạm mua bán người. Phối hợp chặt chẽ với Viện Kiểm sát Nhân dân và Tòa án Nhân dân các cấp khẩn trương kết thúc điều tra, đưa vụ án mua bán người ra xét xử điểm để tuyên truyền, giáo dục, răn đe, phòng ngừa tội phạm mua bán người. Tổ chức đối thoại, tọa đàm, tập huấn, hội thảo chuyên đề, chuyên sâu nhằm nâng cao công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tội phạm mua, bán người; trong đó tập trung vào các tuyến, địa bàn trọng điểm và các lĩnh vực dễ phát sinh tội phạm mua, bán người như: môi giới hôn nhân, cho nhận con nuôi, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, du lịch, đẻ thuê có tính chất thương mại…

Ngoài ra, BCĐ cũng kịp thời động viên, khen thưởng đối với các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về./.

Ng.Trực