Một số thuật ngữ chuyên môn cần nghiên cứu bổ sung nhằm hoàn thiện pháp luật phòng, chống mại dâm Ngày đăng: 23/07/2024
Pháp Lệnh phòng, phòng, chống mại dâm năm 2003 đã được triển khai và thực hiện hơn 20 năm, trong thực tế thi hành chính sách, pháp luật đã xuất hiện nhiều khái niệm, thuật ngữ mới liên quan chưa được giải thích, quy định tại Pháp lệnh phòng, chống mại dâm 2003 nhưng được quy định trong các văn bản các ngành luật khác hoặc được giải thích tại Pháp lệnh phòng, chống mại dâm 2003 nhưng chưa thống nhất cách hiểu với pháp luật chuyên ngành khác.

Trong báo cáo tổng kết thi hành pháp luật về phòng, chống mại dâm, nhiều địa phương, Bộ, ngành đề nghị hoàn thiện cơ sở pháp lý đồng bộ để đấu tranh, ngăn chặn, phòng ngừa về tệ nạn mại dâm. Báo cáo của Ủy ban Xã hội của Quốc hội về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống ma túy và phòng, chống mại dâm ngày 23/10/2023 nhận định: "Một số khái niệm, giải thích thuật ngữ trong Pháp lệnh chưa đồng nhất với các văn bản pháp luật khác, đặc biệt đối với các hành vi, vi phạm hành chính liên quan đến phòng, chống mại dâm chưa phù hợp thực tiễn".

Trong phạm vi trao đổi này, chúng tôi sử dụng cụm từ "thuật ngữ chuyên môn”" để nói về những khái niệm, thuật ngữ, từ ngữ, cụm từ, hành vi... phát sinh trong lĩnh vực mại dâm; bước đầu thống kê chú giải cơ sở pháp lý của các thuật ngữ chuyên môn, liên hệ thực tế để tham khảo nghiên cứu, xây dựng hoàn thiện chính sách, pháp luật lĩnh vực phòng chống mại dâm.

Pháp lệnh phòng, chống mại dâm 2003, Nghị định 178/2004/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh phòng, chống mại dâm giải thích một số thuật ngữ chuyên môn 13 nhóm hành vi, khái niệm trong phạm vi điều chỉnh của pháp luật phòng, chống mại dâm như sau:

1. Bán dâm là hành vi giao cấu của một người với người khác để được trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác.

2. Mua dâm là hành vi của người dùng tiền hoặc lợi ích vật chất khác trả cho người bán dâm để được giao cấu.

3. Mại dâm là hành vi mua dâm, bán dâm.

4. Chứa mại dâm là hành vi sử dụng, thuê, cho thuê hoặc mượn, cho mượn địa điểm, phương tiện để thực hiện việc mua dâm, bán dâm.

5. Tổ chức hoạt động mại dâm là hành vi bố trí, sắp xếp để thực hiện việc mua dâm, bán dâm.

6. Cưỡng bức bán dâm là hành vi dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn buộc người khác phải thực hiện việc bán dâm.

7. Môi giới mại dâm là hành vi dụ dỗ hoặc dẫn dắt của người làm trung gian để các bên thực hiện việc mua dâm, bán dâm.

8. Bảo kê mại dâm là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín hoặc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực để bảo vệ, duy trì hoạt động mại dâm.

9. Cho thuê, cho mượn địa điểm, phương tiện để hoạt động mại dâm là hành vi của tổ chức, cá nhân có quyền quản lý, chiếm hữu, sử dụng hoặc định đoạt tài sản mà cho thuê, cho mượn để hoạt động mại dâm.

10. Các hành vi khác liên quan đến hoạt động mại dâm là những hành vi tiếp tay, che giấu, dung túng để tạo điều kiện, khuyến khích các hoạt động mại dâm.

11. Cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm là những cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, dịch vụ văn hoá hoặc các dịch vụ khác có sử dụng lao động là vũ nữ, tiếp viên, nhân viên phục vụ (sau đây gọi chung là người lao động) nhằm đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng, ăn uống, giải trí, thư giãn, chăm sóc sức khỏe, như: khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ, nhà hàng, nhà trọ, biệt thự kinh doanh du lịch, căn hộ kinh doanh du lịch, căn hộ cho thuê, vũ trường, karaokê, xoa bóp, tắm hơi, tắm nóng lạnh, cắt tóc - gội đầu máy lạnh, cà phê đèn mờ...

12. "Đồi trụy" là sự thể hiện bằng hành động, bằng hình ảnh, bằng âm thanh lối sống ăn chơi, tiêu khiển thấp hèn, xấu xa, hư hỏng đến mức tồi tệ về đạo đức, trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc.

13. "Khiêu dâm" quy định là hành vi dùng cử chỉ, hành động, hình ảnh, âm thanh gây kích thích ham muốn tình dục.

Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm 2003 không có giải thích hoặc giải thích không đồng nhất một số thuật ngữ chuyên môn khác về sự vật, hiện tượng, công cụ... liên quan đến tình dục sau đây:

1. Thuật ngữ chuyên môn: “giao cấu” là tiêu chí nội dung quan trọng chỉ báo để xác định toàn bộ 9 nhóm hành vi liên quan đến mại dâm bị cấm khác theo pháp luật về phòng, chống mại dâm. Tuy nhiên cụm từ này không rõ nội hàm theo Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm 2003, nội hàm thuật ngữ chuyên môn “giao cấu” theo chúng tôi thấy có thể tham khảo trong giải thích về một số tình tiết định tội tại Điều 3 Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao”, theo đó: "Giao cấu" là hành vi xâm nhập của bộ phận sinh dục nam vào bộ phận sinh dục nữ, với bất kỳ mức độ xâm nhập nào”. Quy định pháp luật hình sự tuy có thể tham khảo nhưng vẫn loại trừ hành vi giao cấu xảy ra giữa những người đồng giới (nam với nam, nữ với nữ) do đó, việc xác định có hay không có hành vi mại dâm bị cấm trong trường hợp này vẫn chưa đủ căn cứ pháp lý để kết luận.

 2. Thuật ngữ chuyên môn "dụng cụ tình dục" được giải thích tại Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao định nghĩa: “dụng cụ tình dục là những dụng cụ được sản xuất chuyên dùng cho hoạt động tình dục (ví dụ dương vật giả, âm hộ giả, âm đạo giả..) hoặc những đồ vật khác nhưng được dùng cho hoạt động tình dục”.

3. Thuật ngữ chuyên môn "dược phẩm kích thích tình dục"

Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm 2003 quy định về quản lý sản xuất, lưu hành, sử dụng dược phẩm kích dục, theo đó "cơ quan, tổ chức, cá nhân sản xuất, lưu hành, vận chuyển, tàng trữ, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu và sử dụng dược phẩm kích thích tình dục phải tuân theo quy định của pháp luật”.

Thuật ngữ chuyên môn dược phẩm kích thích tình dục không đồng nhất cách hiểu với Luật Dược 2016. Trong các giải thích từ ngữ của Luật Dược chỉ có quy định về dược, thuốc, dược chất, dược chất, nguyên liệu làm thuốc... mà không quy định thuật ngữ chuyên môn gọi là dược phẩm kích thích tình dục. Bộ Y tế trong Báo cáo số 787 ngày 25/6/2024 về công tác phòng, chống mại dâm 6 tháng đầu năm 2024 đã nhận định "Bộ Y tế không thực hiện các hoạt động quản lý nhà nước liên quan đến các hoạt động phòng, chống mại dâm mà chỉ còn các hoạt động phòng chống HIV/AIDS có liên quan đến phòng chống mại dâm".

Có thể thấy đã có khoảng trống trong quản lý nhà nước xuất hiện ở nội dung này, khi Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm 2003 có quy định về sản xuất, lưu hành, vận chuyển, tàng trữ, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu và sử dụng dược phẩm kích thích tình dục nhưng không có cơ quan quản lý nhà nước chịu trách nhiệm.

4. Thuật ngữ chuyên môn "kích động tình dục” quy định Điều 16. Quản lý hoạt động báo chí, xuất bản, dịch vụ văn hoá, thông tin trong phòng, chống mại dâm "cơ quan, tổ chức, cá nhân không được sản xuất, lưu hành, vận chuyển, tàng trữ, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, phổ biến những hình ảnh, vật phẩm, sản phẩm, thông tin có nội dung và hình thức đồi trụy, khiêu dâm, kích động tình dục". Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm 2003 giải thích các thuật ngữ chuyên môn “khiêu dâm, “đồi trụy” nhưng không giải thích thuật ngữ chuyên môn “kích động tình dục”.

Thuật ngữ chuyên môn có liên quan đến thuật ngữ chuyên môn “kích động tình dục” được giải thích về một số tình tiết định tội tại Điều 3 Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao về hành vi “dâm ô”, theo đó: Dâm ô là hành vi của những người cùng giới tính hoặc khác giới tính tiếp xúc trực tiếp về thể chất trực tiếp hoặc gián tiếp quần áo vào bộ phân sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phân khác trên cơ thể của người dưới 16 tuổi có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục, gồm một trong các hành vi sau đây:

a) Dùng bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm tiếp xúc (ví dụ: đụng chạm, cọ xát, chà xát...) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác của người dưới 16 tuổi;

b) Dùng bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: tay, chân, miệng, lưỡi...) tiếp xúc (ví dụ: vuốt ve, sờ, bóp, cấu véo, hôn, liếm...) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của người dưới 16 tuổi;

c) Dùng dụng cụ tình dục tiếp xúc (ví dụ: đụng chạm, cọ xát, chà xát...) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của người dưới 16 tuổi;

d) Dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi dùng bộ phận khác trên cơ thể của họ tiếp xúc (ví dụ: vuốt ve, sờ, bóp, cấu véo, hôn, liếm...) với bộ phận nhạy cảm của người phạm tội hoặc của người khác;

đ) Các hành vi khác có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục (ví dụ: hôn vào miệng, cổ, tai, gáy... của người dưới 16 tuổi).

Theo góc độ này, về mặt hình thức ngữ nghĩa có thể nhận thấy thuật ngữ chuyên môn “kích động tình dục” tuy không có nội hàm theo pháp luật phòng chống mại dâm, nhưng có thể tìm thấy nội hàm tương đương trong thuật ngữ chuyên môn “Dâm ô” đã quy định tại pháp luật hình sự.

5. Thuật ngữ chuyên môn : “trình diễn khiêu dâm” không quy định trong Pháp lệnh phòng, chống mại dâm 2003, nhưng được quy định giải thích nội hàm tại pháp luật hình sự, theo đó: “Trình diễn khiêu dâm là hành vi dùng cử chỉ, hành động, lời nói, chữ viết, ký hiệu, hình ảnh, âm thanh nhằm kích thích tình dục người dưới 16 tuổi; phô bày bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, khỏa thân, thoát y hoặc thực hiện các động tác mô phỏng hoạt động tình dục (bao gồm giao cấu, thủ dâm và các hành vi tình dục khác) dưới mọi hình thức ”.

                         (Còn tiếp) Thành Đức