Địa phương phát huy xây dựng mô hình đẩy lùi tệ nạn ma túy Ngày đăng: 29/06/2024
Để hạn chế tình trạng tệ nạn ma túy len lỏi vào từng ngõ ngách mỗi thôn, bản, nhiều địa phương đã xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình không có tội phạmvề ma tuý và tệ nạn xã hội để ngăn chặn, không để phát sinh tình hình phức tạp, không phát sinh tụ điểm, đường dây, điểm bán lẻ, điểm nóng liên quan đến tội phạm và tệ nạn ma túy.

Mô hình dòng họ đẩy lùi tệ nạn ma túy ở huyện vùng cao Mèo Vạc

Là huyện vùng cao, biên giới của tỉnh Hà Giang, huyện Mèo Vạc có hơn 96% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Đến nay, trên địa bàn huyện Mèo Vạc đã thành lập và ra mắt 55 mô hình dòng họ, với hơn 300 thành viên về tự quản an ninh trật tự, bài trừ tệ nạn ma tuý, xoá bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh. Hiệu quả từ mô hình góp phần thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 09-CT/TU, ngày 10/5/2021 của Ban thường vụ Tỉnh uỷ Hà Giang về tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng bào trừ các hủ tục lạc hậu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Hà Giang; Nghị quyết số 27-NQ/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang về việc thực hiện xoá bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang giai đoạn 2022-2025 định hướng đến năm 2030 gắn với triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, Trung tá Giàng Xuân Thắng, Trưởng Công an huyện Mèo Vạc cho biết.

Xã Niêm Sơn nằm ở phía Nam của huyện Mèo Vạc có 12 thôn, bản với hơn 1.000 hộ và trên 5.000 nhân khẩu, địa bàn rộng, người dân phân bố rải rác. Để góp phần đẩy lùi tệ nạn ma túy ra khỏi cộng đồng khu dân cư, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, Công an xã phối hợp với các thôn tăng cường tuyên truyền đến nhân dân các thôn trong xã về tác hại của ma túy. Bà con nhân dân trong xã lắng nghe và tiếp thu chấp hành pháp luật tốt, cơ bản trên địa bàn không có tình trạng mua bán, tàng trữ, sử dụng ma túy. Người dân có sức khỏe yên tâm sản xuất phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Anh Hoàng Văn Phúc, thôn Nà Tiềng, xã Niêm Sơn chia sẻ: Nhờ lực lượng Công an xã thường xuyên tuyên truyền; cũng như đẩy mạnh công tác tuần tra, trấn áp các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm về ma túy, mấy năm trở lại đây tình hình trộm cắp trong thôn đã giảm hẳn, an ninh trật tự được ổn định, bà con chúng tôi yên tâm lao động sản xuất.

Đại úy, Lê Thành Luân, Trưởng Công an xã Niêm Sơn cho biết: Với việc duy trì và nhân rộng các mô hình dòng họ về tự quản an ninh trật tự, bài trừ tệ nạn ma túy bài trừ tệ nạn ma tuý, xoá bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh gắn với phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” trên địa bàn xã, đã từng bước đẩy lùi các tệ nạn xã hội, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Đến nay, xã đã thành lập 3 mô hình dòng họ tại các thôn Khuổi Luông, Chỏm Siêu, Bản Tại. Trong đó, thôn Bản Tại, xã Niêm Sơn là thôn có 100% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, với tổng số 83 hộ, 425 nhân khẩu, gồm có 02 dân tộc chung sống là dân tộc Tày và Mông. Đời sống nhân dân chủ yếu là làm nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trong thôn, có dòng họ Ma với 27 hộ, 145 nhân khẩu. Trong những năm qua, trên cơ sở quy ước của dòng họ, các thành viên trong dòng họ Ma đã luôn đoàn kết, sống đúng đạo nghĩa trên dưới một lòng chung tay xây dựng dòng họ ngày thêm gắn bó.

Ông Ma Đức Ninh, là Trưởng dòng họ, thôn Bản Tại chia sẻ: Bản thân tôi cũng như các thành viên trong dòng họ, rất vui mừng khi được chính quyền xã, Công an xã lựa chọn thành lập mô hình “Dòng họ Ma kiên quyết bài trừ tệ nạn ma tuý gắn với xoá bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh”. Vào các buổi họp thôn, họp dòng Họ chúng tôi luôn nhắc nhở nhau không nghiện ngập, tập trung lao động sản xuất để phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo.

Với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở, sự đồng thuận từ nhân dân, tiêu biểu là lực lượng Công an xã, năm 2021 xã Niêm Sơn được công nhận là địa phương đã chuyển hóa thành công địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự an toàn xã hội.

Mô hình 'Làng thanh niên không có tội phạm và tệ nạn xã hội'

Làng Kon Sơ Lăl, xã Hà Tây (huyện Chư Păh), tỉnh Gia Lai có 157 hộ, với 676 nhân khẩu, trong đó 97% là người dân tộc thiểu số. Nằm xa trung tâm hành chính, đường đi lại khó khăn, làng Kon Sơ Lăl đã từng là địa bàn phức tạp về an ninh, trật tự. Mô hình “Làng thanh niên không tội phạm và tệ nạn xã hội” của làng Kon Sơ Lăl được thành lập ngày 12/11/2020 và chính thức ra mắt, đi vào hoạt động từ ngày 10/12/2020. Mô hình hoạt động dựa trên tinh thần tự nguyện với nòng cốt là thanh niên. Mỗi tháng 01 lần, các thành viên tham gia mô hình tập trung về nhà Rông của làng để trao đổi, thống nhất phương pháp giải quyết đối với những vấn đề nổi cộm được dân làng phản ánh. Mô hình hoạt động thông qua 4 tổ để tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, tự quản về an ninh trật tự, hòa giải, đoàn kết, tập hợp thanh niên và phối hợp chặt chẽ với Công an xã Hà Tây trong giải quyết từng vụ việc. Từ khi triển khai mô hình “Làng thanh niên không tội phạm và tệ nạn xã hội”, làng Kon Sơ Lăl đã thay đổi từng ngày. Thanh, thiếu niên trong làng trở thành lực lượng chủ lực trong nhiều phong trào xây dựng thôn, làng vững mạnh.

Kết quả triển khai thực hiện mô hình trong năm 2023, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm xã Hà Tây (huyện Chư Păh) phối hợp với làng tổ chức 34 buổi phát động người dân, đặc biệt là tầng lớp thanh, thiếu niên cảnh giác với các thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, tác hại của ma túy và các tệ nạn xã hội; tổ chức 60 lượt tuần tra ban đêm phòng ngừa tội phạm, 9 đợt tuần tra, bảo vệ rừng. Ngoài ra, còn tổ chức các buổi lao động tập thể, gây quỹ cho mô hình để phục vụ các hoạt động thăm hỏi, giúp đỡ các thành viên hoạn nạn, khó khăn; huy động hàng chục ngày công hỗ trợ các gia đình khó khăn trong làng xây dựng nhà ở.... Năm 2023, làng Kon Sơ Lăl không xảy ra tội phạm và vi phạm pháp luật; không xảy ra các vụ trộm cắp vặt, gây gổ đánh nhau trong thanh, thiếu niên; không có thanh thiếu niên tham gia các tệ nạn xã hội; không xảy ra các vụ tai nạn, va chạm giao thông; không có thanh thiếu niên trong mô hình vi phạm, bị xử phạt hành chính về trật tự an toàn giao thông.

Tiếp tục triển khai thực hiện mô hình, năm 2024, các thành viên tham gia mô hình thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh thiếu niên và người dân nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, đề cao cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch và các loại tội phạm, có ý thức phòng ngừa và tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội; phát huy vai trò nòng cốt của đoàn viên, thanh niên trong Tổ tự quản về an ninh trật tự. Thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát, nắm tình hình có liên quan đến an ninh trật tự, bảo vệ tài sản của dân làng; kịp thời phát hiện, ngăn chặn tội phạm, tệ nạn xã hội phát sinh.

Cùng với đó, mô hình tăng cường công tác quản lý, giáo dục thanh thiếu niên; tập hợp, vận động thanh, thiếu niên tham gia các sân chơi lành mạnh, tránh xa tội phạm, tệ nạn xã hội, đặc biệt là ma túy. Từ đó, vận động thanh niên tham gia, hỗ trợ Tổ hòa giải ở làng; qua đó, kịp thời phát hiện và hòa giải các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp trong nhân dân; thực hiện các biện pháp phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội trong cộng đồng, khu dân cư.

Nhân rộng mô hình “Xã không có tội phạm về ma túy”

Công an huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh và chính quyền xã Sơn Kim 1 vừa tổ chức ra mắt mô hình "Xã không có tội phạm về ma túy". Đây cũng là đơn vị được chọn làm điểm chỉ đạo trên địa bàn huyện Hương Sơn trước khi nhân rộng mô hình này đến các xã giáp biên và tất cả các xã trên địa bàn toàn huyện trong thời gian tới.

Thời gian qua, tình hình ANTT trên địa bàn xã Sơn Kim 1 cơ bản ổn định. Tuy nhiên, với đặc thù là xã miền núi, biên giới nên luôn tiềm ẩn nguy cơ xâm nhập của các loại tội phạm, trong đó có các hành vi vi phạm về buôn bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy. Do vậy, việc xây dựng mô hình "Xã không có tội phạm ma túy" nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia công tác phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm ma túy. Mô hình được xây dựng và hoạt động trên cơ sở thành lập Ban chỉ đạo gồm 10 thành viên, do Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban.

Tại lễ ra mắt, Ban chỉ đạo đã tổ chức ký cam kết giữa UBND, Công an với các ban, ngành, tổ chức đoàn thể xã và thôn trên địa bàn xã Sơn Kim 1 không tham gia buôn bán, vận chuyển, sử dụng ma túy, nêu cao tinh thần đoàn kết thực hiện tốt phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, tăng cường phát hiện tố giác tội phạm, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Thông qua mô hình này sẽ kiềm chế, đẩy lùi tệ nạn ma tuý, góp phần bảo đảm ANTT trên địa bàn.

Trước đó, tại nhiều xã trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh cũng đã tổ chức ra mắt mô hình “Xã không có tội phạm về ma túy”. Điển hình là tại huyện Hương Khê, tính đến thời điểm này, các xã dọc biên giới giáp ranh với nước bạn Lào gồm Hòa Hải, Hương Lâm, Hương Vĩnh và Phú Gia cũng đã ra mắt mô hình và đi vào hoạt động ổn định, bước đầu có hiệu quả nhất định.

Đại úy Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng Công an xã Phú Gia cho biết thêm, xã biên giới Phú Gia là địa phương còn nhiều khó khăn, đời sống vật chất và tinh thần của người dân còn thấp. Chính từ những yếu tố này, nhiều đối tượng xấu từ nơi khác đến ẩn náu trên địa bàn để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, trong đó có tội phạm và tệ nạn về ma túy. Vì vậy, việc xây dựng mô hình "Xã không có tội phạm ma túy" hướng đến mục tiêu nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm ma túy, giữ vững an ninh, trật tự trên địa bàn, thúc đẩy nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Sau hơn 1 tháng ra mắt, mô hình "Xã không có tội phạm ma túy" trên địa bàn Phú Gia đã đi vào hoạt động ổn định, triển khai các phần việc như tổ chức cho người dân tham gia ký cam kết không phạm tội tệ nạn ma túy; tổ chức tuyên truyền, vận động toàn dân tích cực tham gia tố giác tội phạm về ma túy; xây dựng kế hoạch phối hợp liên tịch giữa các ngành liên quan để triển khai thực hiện hiệu quả mô hình. Ngoài ra, Công an xã đã phối hợp với Công an huyện Hương Khê và các lực lượng chức năng, tập trung rà soát các đối tượng, nhóm đối tượng nghiện, sử dụng chất ma túy, đối tượng sau cai nghiện trên địa bàn hoặc diện đối tượng đơn vị quản lý, để kịp thời cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ các đối tượng hòa nhập cộng đồng.

Cũng trong thời gian này, tại nhiều địa phương khác trên địa bàn Hà Tĩnh như tại xã Thọ Điền, huyện Vũ Quang; xã Cẩm Minh, huyện Cẩm Xuyên... cũng đã tổ chức ra mắt mô hình "Xã không có tội phạm ma túy". Đây là những mô hình điểm đầu tiên được tổ chức triển khai trên địa bàn. Sau khi kiện toàn và đưa vào hoạt động ổn định, phát huy hiệu quả sẽ tiếp tục chỉ đạo, nhân rộng ra các địa phương trên toàn tỉnh, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Theo Công an tỉnh Hà Tĩnh, hiện nay trên địa bàn tỉnh đang triển khai nhân rộng 37 loại mô hình trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc với trên 700 điểm mô hình, trong đó xây dựng mới, nhân rộng 7 loại mô hình với 67 điểm mô hình góp phần phát huy hiệu quả, bảo đảm an ninh trật tự ngay tại cơ sở.

K.Dung (t/hợp)