Đồng Nai: Kết quả công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm 06 tháng đầu năm 2024 và một số kiến nghị Ngày đăng: 26/06/2024
Trong 06 tháng đầu năm 2024, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã tích cực phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan tổ chức kiểm tra, hướng dẫn, tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Những kết quả nổi bật trong 06 tháng đầu năm 2024

Với vai trò là cơ quan thường trực về phòng, chống mại dâm, Sở LĐTBXH đã ban hành Kế hoạch số 03/KH-SLĐTBXH ngày 04/01/2024 về phòng chống mại dâm trên địa bàn tỉnh năm 2024; Tổ công tác liên ngành (TCTLN) phòng, chống tệ nạn mại dâm (do Lãnh đạo Sở LĐTBXH là Tổ trưởng) xây dựng Chương trình số 15/CTr-TCTLNPCTNMD ngày 15/01/2024 về nhiệm vụ công tác năm 2024. Theo đó, các đơn vị tập trung phối hợp, tổ chức triển khai các biện pháp phòng ngừa, kiểm tra, xử lý vi phạm về mại dâm, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên toàn tỉnh.

Hoạt động tuyên truyền, truyền thông được đẩy mạnh, thông qua nhiều hình thức, gắn với phát động phong trào toàn dân tích cực tham gia công tác phòng chống tệ nạn mại dâm, ma túy, HIV/AIDS và tội phạm; xây dựng gia đình văn hóa, ấp, khu phố văn hóa gắn với xây dựng xã, phường, thị trấn làm tốt công tác phòng, chống tệ nạn mại ma túy, mại dâm nhất là trong các ngày lễ, Tết.

Sở LĐTBXH đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức 5.560 cuộc tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội với 175.545 người tham gia; phát trên loa truyền thanh xã, phường, thị trấn 3.864 lần; đã dựng 530 pa nô; phát hành 1.458 áp phích, băng rôn… Qua đó, đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của quần chúng nhân dân trong việc tố giác, đấu tranh ngăn chặn tội phạm, tệ nạn xã hội.

Về công tác đấu tranh, xử lý vi phạm pháp luật, lực lượng Công an, Đội kiểm tra liên ngành các cấp đã quyết liệt triển khai các đợt kiểm tra, truy quét trên toàn tỉnh. Ngoài ra, các huyện, thành phố thường xuyên kiểm tra, truy quét những điểm nóng về hoạt động mại dâm để làm trong sạch địa bàn nhất là dịp lễ, Tết.

Đội Kiểm tra liên ngành về phòng, chống mại dâm (Đội KTLN) 178 tỉnh đã tổ chức kiểm tra 22 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính 02 cơ sở massage, trong đó xử lý 01 cơ sở vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm, xử phạt với số tiền là 50.000.000 đồng, tước giấy phép về an ninh trật tự trong 09 tháng.

Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng đã tiến hành truy quét và triệt phá 15 vụ mua, bán dâm, kích dục đạt 50% kế hoạch năm 2024 (tăng 08 vụ so với cùng kỳ năm 2023). Lập hồ sơ khởi tố 05 vụ, 13 bị can có hành vi vi phạm pháp luật về mại dâm, xử phạt vi phạm hành chính 14 vụ, 37 đối tượng về các hành vi mua, bán dâm, kích dục, sử dụng các hoạt động kích dục khác làm phương thức kinh doanh với tổng số tiền gần 400 triệu đồng.

Hiện, tỉnh Đồng Nai duy trì hoạt động của 11 mô hình “Hỗ trợ nhằm đảm bảo quyền của người lao động tại cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện dễ phát sinh tệ nạn mại dâm” tại tại 11 xã, phường, đã mang lại những hiệu quả tích cực, hỗ trợ, giúp đỡ người sử dụng lao động, người lao động tại các cơ sở kinh doanh trên địa bàn. Sở LĐTBXH đã ban hành Hướng dẫn số 926/SLĐTBXH-PCTNXH ngày 04/3/2024 về thực hiện kinh phí duy trì hoạt động mô hình năm 2024 để các huyện, thành phố căn cứ triển khai thực hiện.

Các thành viên mô hình đã tổ chức tiếp cận, tư vấn tại hơn 148 cơ cở kinh doanh dịch về tác hại của tệ nạn mại dâm, các bệnh truyền nhiễm lây qua đường tình dục, từ đó nâng cao hiểu biết về cách phòng tránh cho hơn 384 lượt người lao động tại các cơ sở. Đồng thời, cung cấp chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ về các kiến thức cơ bản, các quy định pháp luật liên quan đến hợp đồng lao động, tiền lương, bảo hiểm y tế.

Nội dung đề xuất, kiến nghị

Tuy nhiên, công tác phòng, chống mại dâm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Tình hình tệ nạn mại dâm, kích dục vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp, các đối tượng có xu hướng chuyển sang hình thức “gái gọi” trên không gian mạng. Các ứng dụng trên mạng xã hội (Zalo, Facebook, Telegram…) có độ bảo mật cao nên rất khó kiểm soát, cần nhiểu thời gian để theo dõi đấu tranh triệt phá.

Một số địa phương chưa thực hiện tốt công tác kiểm tra, quản lý địa bàn, còn để xảy ra hoạt động kích dục trong các Cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện, nhất là trong cơ sở hớt tóc, cạo gió giác hơi.

Hoạt động của các mô hình chủ yếu là phối hợp với các đơn vị tuyên truyền cho người lao động làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ, mà chưa cung cấp được dịch vụ hỗ trợ sinh kế, hòa nhập cộng đồng cho những người có nhu cầu. Việc phối hợp hướng dẫn nghiệp vụ của Đội công tác xã hội tình nguyện còn hạn chế; một số thành viên Đội công tác xã hội và cộng tác viên chưa tích cực trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Để triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 15234/KH-UBND ngày 08/12/2021 của UBND tỉnh về kế hoạch phòng, chống mại dâm giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Đồng Nai tiếp tục tăng cường phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai các giải pháp đồng bộ, nâng cao công tác quản lý địa bàn để phòng ngừa, tiến tới đẩy lùi tệ nạn mại dâm dưới mọi hình thức.

Tỉnh cũng đề nghị Bộ LĐTBXH nghiên cứu, sửa đổi Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm hoặc ban hành Luật về Phòng, chống tệ nạn mại dâm để phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính và tình hình thực tế hiện nay. Đồng thời, bổ sung Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2011 theo hướng giao thẩm quyền cho Đội trưởng Đội Kiểm tra liên ngành về phòng, chống tệ nạn mại dâm được xử lý vi phạm hành chính liên quan đến công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm, tăng mức xử phạt đối với hành vi mua dâm, bán dâm, các cơ sở kinh doanh dịch vụ để xảy ra mua, bán dâm, kích dục, khiêu dâm./.

Ngọc Hoàn