Đẩy mạnh phòng, chống và kiểm soát ma túy ở Đồng Tháp Ngày đăng: 26/06/2024
Thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Tháp phối hợp với các ngành, tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội tham mưu Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 172-KH/TU ngày 10/10/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW của Bộ Chính trị, đồng thời xây dựng kế hoạch cụ thể, tổ chức triển khai thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, phối hợp với các ngành, tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội các cấp tìm ra các giải pháp tăng cường công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện phù hợp, hiệu quả; phối hợp các sở, ngành tham mưu Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành Kế hoạch về việc điều trị, cai nghiện và quản lý người nghiện ma túy và Kế hoạch triển khai nhân rộng Mô hình “Quản lý, giáo dục, giúp đỡ người nghiện ma túy tại cộng đồng” trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp;

Tăng cường công tác tuyên truyền

Sở Lao động- Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các ngành, đoàn thể cấp tỉnh, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân về công tác phòng, chống ma túy và cai nghiện ma túy; phát động phong trào “Toàn dân phòng chống ma túy” gắn với phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc”; kết hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống ma túy, tác hại của ma túy bằng các hình thức như: xây dựng chuyên trang trên báo Đồng Tháp, câu chuyện truyền thanh, chuyên mục truyền hình “Vượt qua bóng đêm” phát trên Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp; phối hợp Sở Tư pháp thực hiện Chương trình “Tư vấn pháp luật về phòng, chống ma túy” trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp; lồng ghép vào các Hội thi, Hội diễn văn nghệ, tiểu phẩm, các buổi tuyên truyền trực tiếp với người dân, phát tài liệu, thành lập các Câu lạc bộ hoàn lương, tổ chức đối thoại trên sóng truyền thanh với nội dung “Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội trong thanh thiếu niên”; xây dựng các mô hình quản lý, giáo dục cho người nghiện tại cộng đồng. Xây dựng 52 chuyên trang phòng, chống tệ nạn xã hội trên Báo Đồng Tháp, 44 chuyên mục truyền hình và xây dựng 20 câu chuyện truyền thanh, phát hành 8.344 tờ báo và 2.636 cuốn Bản tin PCTNXH do Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội phát hành và 2.396 cuốn tài liệu tư vấn điều trị nghiện ma túy cho các Sở, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở; truyền thông nâng cao nhận thức về phòng, chống ma túy cho lực lượng báo cáo viên cấp xã với trên 400 lượt người tham dự; tuyên truyền trong quần chúng nhân dân được 2.942 buổi, trên 110.582 lượt người tham dự; tập huấn công tác chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội 370 người từ tỉnh đến cơ sở; phối hợp với các ngành liên quan tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng tư vấn điều trị nghiện ma túy tại 12 huyện, thành phố có 1.123 đại biểu cấp huyện, cấp xã tham gia (trong đó có 159 cán bộ y tế cấp huyện, cấp xã sẽ được Sở Y tế cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy), phát hành 40.853 tờ rơi cung cấp số điện thoại tư vấn miễn phí hỗ trợ cai nghiện ma túy trong cộng đồng.

Sở Lao động- Thương binh và Xã hội phối hợp với Công an tỉnh tổ chức 24 lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức, hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn cho 2.539 cán bộ các cấp trực tiếp làm công tác quản lý đối tượng nghiện ma túy, công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh.

Phối hợp với Ủy ban mặt trận Tổ Quốc Việt Nam tỉnh và Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh tổ chức sinh hoạt được 52 chuyên đề cho học viên tại Cơ sở điều trị nghiện, mời chuyên gia thuyết giảng về tâm lý, xã hội cùng với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, Game show, trò chơi dân gian cho cho tất cả học viên Cơ sở tham gia. Qua đó, đã giúp cho học viên nhận thấy rõ những tác hại nguy hiểm của việc sử dụng ma túy, cách phòng ngừa, từng bước thay đổi nhận thức, suy nghĩ, điều chỉnh hành vi và có thái độ nghiêm túc chấp hành đúng nội quy, quy chế Cơ sở trong thời gian điều trị nghiện, hạn chế tình trạng tái nghiện và vi phạm pháp luật, trở thành người có ích trong xã hội và gia đình.

Tại Cơ sở điều trị nghiện thường xuyên tuyên truyền nội quy, quy chế và tư vấn giáo dục chuyển đổi hành vi nhân cách. Tổ chức cho học viên nghe tin đài phát thanh, xem truyền hình, chơi bóng đá và các hoạt động thể dục thể thao ngoài trời...

Chú trọng công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện

Sở Lao động- Thương binh và Xã hội thường xuyên chỉ đạo Cơ sở điều trị nghiện tăng cường các biện pháp quản lý, giáo dục, điều trị, cắt cơn giải độc, dạy nghề phù hợp với đặc điểm của từng học viên; công tác tiếp nhận và tổ chức các phiên họp của Tòa án cấp huyện đến họp xem xét được thực hiện đúng quy định; công tác phòng, chống thẩm lậu ma túy vào Cơ sở điều trị nghiện thường xuyên được chỉ đạo thực hiện kịp thời báo cáo ngành chức năng điều tra, xử lý theo quy định pháp luật khi phát hiện.

Từ 15/12/2019 đến 10/6/2024, Cơ sở điều trị nghiện tiếp nhận điều trị cai nghiện tổng số 2.351 học viên, trong đó năm 2019 chuyển sang 338 học viên, tiếp nhận mới 2013 học viên; số chấp hành xong Quyết định về tái hòa nhập cộng đồng là 1730; chuyển khác 99 học viên; hiện Cơ sở đang quản lý 522 học viên. Cơ sở tiến hành khám sức khỏe ban đầu cho tất cả học viên được tiếp nhận, đồng thời, đã tổ chức cắt cơn cai nghiện cho 2010 học viên đạt kết quả tốt. Phối hợp Trung tâm y tế huyện Cao Lãnh khám sức khoẻ định kỳ cho 371 học viên. Phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Tháp lấy mẫu kiểm tra HIV 2076 học viên; Bệnh viện Da Liễu khám da liễu cho 2103 học viên tại Cơ sở. Ngoài ra, Cơ sở thường xuyên duy trì các hoạt động lao động trị liệu như: gia công sản phẩm đan lát, giây mây, trồng rau xanh các loại, nuôi cá đảm bảo cung ứng một phần phục vụ cho bếp ăn của học viên, chăm sóc cây kiểng, trồng cây tạo cảnh quan cho đơn vị.

Về công tác hỗ trợ, giúp đỡ người nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng sau cai nghiện, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội phối hợp Trung tâm giáo dục nghề nghiệp huyện Cao Lãnh tổ chức mở 12 lớp dạy các nghề lao động nông thôn như: sửa kiểng Bon sai, kỹ thuật tạo móng tóc, công nhân xây dựng, hàn điện, hớt tóc nam cho 234 học viên đang điều trị tại Cơ sở. Trước khi tái hòa nhập cộng đồng, mỗi học viên sẽ được cán bộ tư vấn và hướng dẫn xây dựng kế hoạch tái hòa nhập. Trên cơ sở kế hoạch tái hòa nhập của học viên, Cơ sở điều trị gửi văn bản gửi đến Uỷ ban nhân dân xã nơi học viên cư trú biết để có kế hoạch tiếp nhận, quản lý, phân công giúp đỡ theo nguyện vọng của học viên.

Bên cạnh đó, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội phối hợp với các ngành chức năng triển khai mô hình điểm về “Hỗ trợ, giúp đỡ người nghiện ma túy tại cộng đồng” tại xã Mỹ Tân (thành phố Cao Lãnh), xã Tân Khánh Đông (thành phố Sa Đéc) và xã An Bình A (thị xã Hồng Ngự). Qua công tác tiếp cận, giáo dục, cảm hóa đã có 88/243 người nghiện ma túy trong diện quản lý có chuyển biến tích cực, kiểm tra nhiều lần không còn sử dụng ma túy. Đầu năm 2020, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 104/KH-UBND ngày 11/5/2020 về triển khai nhân rộng “Mô hình quản lý, giáo dục, giúp đỡ người nghiện ma túy tại cộng đồng” có 127/143 xã, phường, thị trấn có mô hình. Qua triển khai thực hiện có 253 người được dạy nghề, giới thiệu cho 196 người có việc làm và xét cho 67 người được vay vốn từ “Quỹ phát triển tái hòa nhận cộng đồng” để ổn định kinh tế, hạn chế tái nghiện; đồng thời hàng năm triển khai duy trì xã không có ma túy được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận, hướng dẫn và hỗ trợ kinh phí cho 12 xã, phường phấn đấu không có tệ nạn ma túy và 12 xã, phường không có cả tệ nạn ma túy, mại dâm. Duy trì hoạt động Điểm tư vấn chính sách, pháp luật trong điều trị cai nghiện ma túy cho người sử dụng trái phép, người nghiện ma túy ngoài cộng đồng xã hội để họ đăng ký hình thức cai nghiện phù hợp.

Trong thời gian tới, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tiếp tục thực hiện có hiệu quả nội dung Kế hoạch số 172-KH/TU ngày 10/10/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống ma túy và thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; tổ chức, triển khai thực hiện các Chương trình, Kế hoạch năm của Ban Chỉ đạo 138/ĐP và Ủy ban nhân dân tỉnh.

Tiếp tục phối hợp các ngành liên quan triển khai thực hiện tốt mô hình "Quản lý, giáo dục, giúp đỡ người nghiện ma túy tại cộng đồng" trên địa bàn tỉnh kết hợp với tổ chức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng và quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú theo Luật phòng chống ma túy năm 2021, Nghị định số 116/2021/NĐ-CP của Chính phủ, Nghị định số 105/NĐ-CP của Chính phủ quy định tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phòng, chống ma túy; triển khai, hướng dẫn và hỗ trợ kinh phí cho các xã, phường, thị trấn đăng ký chuyển hóa xã có ma túy thành xã không có ma túy và duy trì các xã, phường được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận không có ma túy.

Đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cai nghiện phục hồi, từng bước xây dựng Cơ sở điều trị nghiện có đủ năng lực đáp ứng nhu cầu đa dạng về dịch vụ điều trị nghiện cho người nghiện ma túy. Đầu tư, nâng cấp mở rộng Cơ sở điều trị nghiện để đảm bảo nhu cầu cai nghiện ma túy theo tình hình thực tế hiện nay.

Tăng cường quản lý, tư vấn, trợ giúp người sau cai nghiện hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, phòng chống tái nghiện. Khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển các mô hình các hình thức cai nghiện phục hồi gắn với dạy nghề, tạo việc làm, giảm tái nghiện và hòa nhập cộng đồng.

Phối hợp các Sở, ngành thực hiện các chính sách tái hòa nhập cộng đồng, nhất là chính sách hỗ trợ, giúp đỡ, tư vấn giáo dục, định hướng nghề, xét cho vay vốn và tạo việc làm cho các đối tượng nghiện ma túy, người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương có điều kiện làm ăn ổn định cuộc sống.

Phối hợp các ngành liên quan tổ chức sinh hoạt Chuyên đề, giao lưu Văn hóa- Văn nghệ, Thể dục- Thể thao cho học viên tại Cơ sở điều trị nghiện; phối hợp với Công an Tỉnh tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho lực lượng bảo vệ tại Cơ sở điều trị nghiện; tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ về công tác phòng, chống tệ nạn xã hội cho cán bộ trực tiếp làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội các cấp.

Triệu Mạo