Khai mạc phiên họp, đồng chí Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an và Bộ LĐTBXH đã phối hợp chặt chẽ trong quá trình xây dựng Chương trình. Đồng thời nhấn mạnh về sự cần thiết của việc xây dựng và ban hành Chương trình này và đề nghị các thành viên Hội đồng phát huy tinh thần, trách nhiệm cho ý kiến thẳng vào từng nội dung, đặc biệt là các chỉ tiêu cụ thể, nguồn lực thực hiện; các giải pháp thực hiện; đánh giá hiệu quả tác động của Chương trình.
Tại phiên họp, đại diện Bộ Công an - Cơ quan chủ trì xây dựng Chương trình cho biết, chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma tuý đến năm 2030 dựa trên tình hình ma tuý thế giới, khu vực diễn biến phức tạp; tình hình ma tuý trong nước có xu hướng tăng về số vụ, đối tượng và tang vật ma tuý bắt giữ; số người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma tuý ở mức rất cao. Chương trình cũng nhằm tập trung giải quyết, khắc phục những tồn tại, hạn chế và những vấn đề mang tính cấp bách trong công tác phòng, chống ma túy cần đầu tư công quốc gia; nhằm tiếp nối và phát huy các thành tựu, kết quả đã đạt được; phù hợp với cam kết quốc tế của Việt Nam về phòng, chống và kiểm soát ma tuý…
Mục tiêu của Chương trình nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân nhằm kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm và tệ nạn ma tuý; hướng tới giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại của ma tuý. Tổ chức phòng ngừa, đấu tranh tội phạm về ma tuý từ sớm, từ xa, không để Việt Nam trở thành địa bàn sản xuất, trung chuyển và tiêu thụ ma tuý; ứng dụng khoa học công nghệ, trang thiết bị tiên tiến vào công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm ma tuý, nhất là tội phạm về ma tuý sử dụng công nghệ cao và trên không gian mạng. Bảo đảm cơ sở vật chất, nhân lực, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cai nghiện, điều trị nghiện ma tuý; hỗ trợ can thiệp về y tế, tâm lý, pháp lý, trợ giúp pháp lý cho người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma tuý, người tham gia điều trị nghiện, người sau cai nghiện ma tuý, người vi phạm pháp luật về ma tuý; từng bước làm giảm bền vững số người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma tuý; góp phần chăm sóc, bảo vệ tốt hơn quyền con người; xây dựng môi trường xã hội an toàn, lành mạnh, phục vụ đắc lực sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Mục tiêu cụ thể của Chương trình được xây dựng theo 3 nhóm: Giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại; đồng thời, có các chỉ tiêu chủ yếu cần đạt được đến năm 2030. Chương trình gồm 9 Dự án thành phần do 8 Bộ, ngành chủ trì.
Các thành viên Hội đồng cơ bản thống nhất với báo cáo của Bộ Công an về sự cần thiết thực hiện Chương trình. Bộ Công an chịu trách nhiệm về các nội dung, thông tin, số liệu tại Báo cáo Đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình, đảm bảo đầy đủ, chuẩn xác và phù hợp theo quy định của pháp luật. Hồ sơ Báo cáo Đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình đã được xây dựng tương đối công phu, bao gồm nhiều số liệu khảo sát, đánh giá, thống kê chi tiết; về cơ bản đáp ứng thành phần, nội dung theo quy định.
Tuy nhiên, Chương trình còn tồn tại một số vấn đề chính cần giải trình, làm rõ hoàn thiện thêm, đại diện Bộ Công an khẳng định sẽ nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện, đảm bảo thực hiện đồng bộ, thống nhất, xuyên suốt trên cả 3 lĩnh vực giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại của ma tuý; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị - xã hội, đem lại sức mạnh tổng thể nhằm làm chuyển biến căn bản công tác phòng, chống ma túy một cách tổng thể, thống nhất, toàn diện và đồng bộ các nội dung, hướng đến mục tiêu cao nhất của Chương trình là hiệu quả bền vững.
Đánh giá sự trùng lặp của Chương trình này với các chương trình, dự án khác, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long cho biết, Chương trình này đã được rà soát kỹ lưỡng, bảo đảm không trùng lặp với các hoạt động của Chiến lược quốc gia phòng, chống và kiểm soát ma tuý ở Việt Nam, Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025 và Chương trình phòng, chống ma túy trong thanh thiếu niên đến năm 2030. Ngoài ra, Chương trình này đã đề xuất các mục tiêu, nội dung nhiệm vụ nhằm cụ thể hoá các nội dung hoạt động của Chiến lược quốc gia phòng, chống và kiểm soát ma tuý ở Việt Nam, đồng thời tiếp tục thực hiện và nâng cao hiệu quả các nhiệm vụ, mục tiêu mà Chiến lược, Chương trình hiện nay chưa hoàn thành hoặc được triển khai nhưng hiệu quả còn hạn chế do không được đầu tư, hỗ trợ về nguồn lực để thực hiện. Và quan trọng nhất là để đáp ứng với tình hình ma tuý đang diễn biến phức tạp ở trong và ngoài nước; phù hợp với thực tế trong công tác phòng, chống ma túy trong giai đoạn hiện nay.
Kết luận phiên họp, đồng chí Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá cao tinh thần làm việc của Hội đồng với các ý kiến góp ý trách nhiệm, mang tính xây dụng. Đồng thời đề nghị, trên cơ sở các ý kiến góp ý, cơ quan chủ trì khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu hoàn thiện hồ sơ, đặc biệt cần giải trình làm rõ hơn các vấn đề được nêu. Trong đó, về mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình, cần rà soát, phân tích rõ hơn về cơ sở xác định, tính khả thi của các mục tiêu, chỉ tiêu đề xuất (nhất là đối với các chỉ tiêu mang tính tuyệt đối 100%); xác định rõ hơn các mục tiêu, chỉ tiêu trọng tâm cần tập trung ưu tiên nguồn lực (trong trường hợp nhu cầu nguồn lực đề xuất trong Chương trình không được đáp ứng đầy đủ); sự gắn kết logic giữa mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình với mục tiêu, chỉ tiêu của các dự án thành phần; giữa mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ, giải pháp, hoạt động trong dự án thành phần.
Đồng thời, đồng chí Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh đến các nội dung về tổng mức vốn và cơ cấu nguồn lực thực hiện chương trình; dự kiến kế hoạch bố trí vốn và tiến độ thực hiện Chương trình; phân chia các dự án thành phần của chương trình theo quy định của pháp luật, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm không dàn trải nhằm thực hiện được các mục tiêu của Chương trình đề ra. Và đề nghị Bộ Công an khẩn trương tiếp thu, giải trình, làm rõ các tồn tại đã nêu và ý kiến của Hội đồng tại phiên họp này; tập trung làm rõ các chỉ tiêu, phù hợp logic; hoàn thiện hồ sơ Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình theo quy định, gửi Hội đồng thẩm định Nhà nước. Sau khi Bộ Công an hoàn thiện hồ sơ Chương trình, giao cơ quan Thường trực Hội đồng hoàn thiện Dự thảo báo cáo kết quả thẩm định./.
Minh Thu