Công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy thời gian qua đã đạt những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, khi triển khai đồng bộ Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 cần tiếp tục có sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa của các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương
Tình hình người nghiện ma túy
Theo Cơ quan Phòng, chống tội phạm và ma túy của Liên hợp quốc (UNODC), vấn đề lạm dụng ma túy diễn biến ngày càng phức tạp, số người sử dụng chất kích thích dạng Amphetamine (ATS), chất hướng thần, gây ảo giác đang gia tăng mạnh, đặc biệt tại khu vực Châu Á. Thế giới có khoảng 275 triệu người ở độ tuổi từ 15 tuổi đến 64 tuổi từng sử dụng chất ma túy, trong đó khoảng 10% đã nghiện, chiếm hơn 0,3% dân số thế giới.
Tại Việt Nam, thời gian qua, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo, ban hành chính sách, pháp luật về phòng, chống ma túy và đạt kết quả trên các mặt: Tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành; phát huy được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và đông đảo nhân dân tham gia phòng, chống ma tuý; đấu tranh xử lý tội phạm về ma tuý; tổ chức tư vấn, điều trị, cai nghiện, hỗ trợ người nghiện hòa nhập cộng đồng, góp phần ngăn chặn, kiềm chế sự gia tăng tội phạm và tệ nạn ma tuý, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Tuy nhiên, tệ nạn ma túy diễn biến phức tạp, gia tăng cả về số lượng, tính chất mức độ ngày càng nguy hiểm, khó kiểm soát. Người sử dụng ma túy tăng nhanh, độ tuổi ngày càng trẻ hóa, diễn ra đối với mọi thành phần xã hội, nhất là học sinh, sinh viên, nhân viên nhà hàng, khách sạn, lái xe. Theo số liệu của Bộ Công an, tính đến tháng 12/2022, cả nước có 50.962 người sử dụng trái phép chất ma túy; 196.110 người nghiện ma túy (khoảng 96% nam giới, 4% nữ giới), trong đó trên 67,5% người sinh sống tại cộng đồng; 13,5% người tại cơ sở cai nghiện; 19% người trong trại tạm giam, tạm giữ, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng của ngành Công an; số người sử dụng trái phép chất ma túy là 50.962 người. Tình hình người nghiện sử dụng đồng thời nhiều loại ma túy ngày càng phổ biến, tỷ lệ sử dụng ma túy tổng hợp chiếm khoảng 70-80%/số người nghiện, đặc biệt tại các tỉnh miền Trung và miền Nam tỷ lệ này lên đến 80-95%. Việc sử dụng trái phép ma túy tổng hợp đã ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm sinh lý, thậm trí dẫn đến rối loạn tâm thần, mất kiểm soát hành vi (ngáo đá) gây ra các vụ án mạng, cố ý gây thương tích, tai nạn giao thông, gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, bất bình trong dư luận.
Học viên CSCNMT tỉnh Hải Dương tham gia lao động trị liệu
Chủ trương, chính sách pháp luật về phòng, chống ma túy
Năm 2021, Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống ma túy số 73/2021/QH14 ngày 30/3/2021 (Luật Phòng, chống ma túy năm 2021), theo đó, các Bộ, ngành đã trình Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng góp phần xử lý nghiêm và kéo giảm số người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy và triệt phá được nhiều vụ án ma túy lớn.
Thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm về việc hoàn thiện văn bản hướng dẫn công tác cai nghiện ma túy theo Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã kịp thời chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và cơ quan có liên quan, xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền: Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021 quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy (Nghị định số 116/2021/NĐ-CP); Quyết định số 1452/QĐ-TTg ngày 31/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ban hành Chương trình phòng chống ma túy giai đoạn 2021-2025; Pháp lệnh số 01/2022/UBTVQH15 ngày 24/3/2022 quy định trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; Pháp lệnh số 03/2022/UBTVQH15 ngày 13/12/2022 quy định trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân; Thông tư số 62/2022/TT-BTC ngày 05/10/2022 quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp từ ngân sách nhà nước thực hiện chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc; công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, cơ sở cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy; Thông tư số 29/2022/TT-BLĐTBXH ngày 28/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn việc thành lập, giải thể; tổ chức hoạt động, khung danh mục vị trí việc làm và định mức số người làm việc; nội quy, quy chế; mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với viên chức chuyên ngành quản học viên; trang phục của viên chức, người lao động tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập; Quyết định số 1393/QĐ-LĐTBXH ngày 30/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt Dự án “Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy và phòng ngừa nghiện ma túy đối với nhóm người có nguy cơ cao và người sử dụng trái phép chất ma túy” thuộc Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025.
Đồng thời, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã triển khai các hoạt động: Hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và Nghị định số 116/2021/NĐ-CP; phối hợp với Bộ Công an, Bộ Y tế tổ chức các khóa tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy tại hầu hết các địa phương, đặc biệt trọng tâm hướng đến đội ngũ công chức Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện, cấp xã; tổ chức các đoàn kiểm tra, hướng dẫn công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy, công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng.
Tháng 3 năm 2023, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức Hội nghị sơ kết 02 năm thực hiện công tác phòng, chống tệ nạn xã hội giai đoạn 2021-2022, trong đó có nội dung sơ kết 01 năm thực hiện Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 tại 2 miền Bắc-Nam (thành phố Cần Thơ và tỉnh Thái Nguyên) để nhìn nhận, đánh giá kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc và kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy trong thời gian tới.
Kết quả đạt được về công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy
(1) Cai nghiện tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập: Cả nước có 110 cơ sở cai nghiện ma túy (97 cơ sở công lập, 13 cơ sở ngoài công lập), công suất thực tế mới chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu cai nghiện. Từ 01/01/2022 đến 31/12/2022, các cơ sở cai nghiện ma túy công lập đã tổ chức cai nghiện cho 63.253 người, trong đó: tiếp nhận mới 31.010 người; chuyển từ năm 2021 sang 31.812 người; số tái hòa nhập cộng đồng 33.886 người; tổ chức dạy nghề, truyền nghề cho 7.023 người; tổ chức dạy văn hóa cho 1.221 người.
Đến hết tháng 02/2023, các cơ sở cai nghiện ma túy công lập quản lý 29.367 người, trong đó: 23.185 người thuộc diện cai nghiện ma túy bắt buộc (45 người dưới 18 tuổi); 3.603 người cai nghiện ma túy tự nguyện (93 người dưới 18 tuổi); 2.579 người lưu trú tạm thời trong thời gian xác định tình trạng nghiện ma túy.
(2) Cai nghiện ma túy tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện ma túy do tổ chức, cá nhân thành lập: Cả nước có 13 cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện do tổ chức, cá nhân thành lập; công suất tiếp nhận khoảng 3.000 - 4.000 người. Năm 2022, các cơ sở này đã tổ chức cai nghiện cho 2.896 người, trong đó tiếp nhận mới 2.465 người, chuyển từ năm 2021 sang 431 người, tái hòa nhập cộng đồng 2.418 người; các cơ sở này hiện đang quản lý 478 người.
(3) Cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình và cộng đồng: Năm 2022, có 20 địa phương tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng cho 3.656 người.
(4) Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế: Theo thống kê, 22 cơ sở điều trị thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý tại 18 địa phương đang tổ chức điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế cho 4.218 người.
(5) Quản lý sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú: Thực hiện quy định của Luật phòng, chống ma túy năm 2021 và các văn bản hướng dẫn thi hành, 100% các địa phương tổ chức quản lý sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú với 20.478 người đã hoàn thành chương trình cai nghiện và được hỗ trợ, quản lý sau cai tại cộng đồng.
Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Khánh Hòa
Đánh giá chung
Công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy, tuy đã thực hiện quyết liệt và đạt được một số kết quả nhưng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế:
- Thứ nhất, về cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình và cộng đồng
Người nghiện, gia đình người nghiện ma túy không tự nguyện khai báo, đăng ký cai nghiện, không có khả năng đóng góp chi phí cai nghiện. Việc theo dõi, quản lý và tiếp cận cảm hóa giáo dục người nghiện gặp khó khăn vì người nghiện thường không có mặt tại nơi cư trú.
Phần lớn các cơ sở thuộc ngành y tế ở cấp xã, cấp huyện đủ điều kiện cung cấp dịch vụ cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng (tiếp nhận, phân loại; cắt cơn giải độc, điều trị các rối loạn tâm thần...) nhưng không tham gia cung cấp dịch vụ cai nghiện vì các cơ sở này thuộc ngành dọc quản lý và không được giao chức năng cung cấp dịch vụ cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng.
Tổ chức triển khai công tác này tại các địa phương còn lúng túng do pháp luật hiện hành có nhiều nội dung quy định mới về “đơn vị cung cấp dịch vụ” theo quy trình cai nghiện; đội ngũ cán bộ bắt đầu hình thành theo Nghị định số 116/2021/NĐ-CP còn thiếu về số lượng, chưa được đào tạo, tập huấn chuyên sâu về tư vấn, cai nghiện ma túy.
- Thứ hai, về cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập
Tại điểm b khoản 4 Điều 35 Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 quy định cơ sở cai nghiện ma túy công lập có trách nhiệm “thực hiện việc xác định tình trạng nghiện ma túy”. Tuy nhiên, tại một số cơ sở cai nghiện ma túy không tuyển được bác sĩ và phải cử y sĩ đi đào tạo trở thành bác sĩ. Trong khi muốn cấp chứng chỉ hành nghề thì phải có giấy xác nhận quá trình “thực hành tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh” theo quy định tại Nghị định số 109/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, mặc dù họ đã làm tại cơ sở cai nghiện nhiều năm.
Ngoài ra, điều kiện để được cấp giấy phép hoạt động đối với Phòng khám (Phòng y tế) tại cơ sở cai nghiện ma túy phải có nhân sự: “Là bác sỹ chuyên khoa tâm thần, bác sỹ đa khoa có chứng chỉ đào tạo về chuyên khoa tâm thần hoặc bác sỹ chuyên khoa y học cổ truyền có chứng chỉ đào tạo về hỗ trợ cai nghiện ma túy bằng phương pháp y học cổ truyền…” (điểm a khoản 3 Điều 26 Nghị định số 109/2016/NĐ-CP).
Vì vậy, đa số cơ sở cai nghiện ma túy hiện nay không có nhân sự đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện.
Về công suất tiếp nhận: theo Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, trong số 196.110 người nghiện ma túy, trừ số người nghiện tham gia điều trị bằng thuốc thay thế Methadone, người đang trong trại giam, trại tạm giam … thì số cần phải cai nghiện ở ngoài cộng đồng còn khoảng 60.000 người. Như vậy, công suất tiếp nhận của các cơ sở cai nghiện ma túy hiện có mới chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu thực tế.
Về chất lượng, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị: các cơ sở cai nghiện ma túy hầu hết được xây dựng từ lâu hoặc tiếp nhận từ hệ thống khác nên thiết kế không phù hợp với việc tổ chức cai nghiện. Mặt khác, do không được đầu tư, nâng cấp, sửa chữa thường xuyên nên nhiều hạng mục đã xuống cấp rất nghiêm trọng; hơn 50% cơ sở không đảm bảo các yêu cầu, điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị tối thiểu để thực hiện quy trình chuyên môn về cai nghiện ma túy cũng như các điều kiện sinh hoạt cho người cai nghiện.
Đội ngũ viên chức, người lao động tại các cơ sở cai nghiện ma túy thiếu về số lượng, chất lượng chưa được chuẩn hóa theo quy định; chưa được đào tạo, tập huấn chuyên môn sâu về quy trình cai nghiện và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Chính sách thu hút, chế độ đãi ngộ đối với viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở cai nghiện ma túy chưa tương xứng với áp lực, yêu cầu, nhiệm vụ, công việc nên không thu hút được nhân sự làm việc lâu dài, đặc biệt là nhân sự y-bác sĩ.
Đến nay, có rất ít các tỉnh (8/63 tỉnh) quan tâm đầu tư, bố trí kinh phí cho việc nâng cấp, sửa chữa, đầu tư trang thiết bị cho cơ sở cai nghiện theo quy định tại Nghị định số 116/2021/NĐ-CP; số kinh phí được bố trí ở mức thấp/rất thấp.
- Thứ ba, về cai nghiện ma túy tự nguyện và tại cơ sở cai nghiện tư nhân
Lĩnh vực này khó khăn, phức tạp, đòi hỏi đầu tư lớn về cơ sở vật chất, nhân sự; chính sách miễn, giảm thuế, tín dụng, tiếp cận đất đai còn nhiều khó khan; chế độ, chính sách đối với người cai nghiện ma túy tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy ngoài công lập chưa được ngân sách Nhà nước hỗ trợ.
Hoạt động không có lợi nhuận; người nghiện đa phần thuộc hộ nghèo, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không tự chi trả được các chi phí dịch vụ cai nghiện, do vậy các tổ chức, cá nhân không quan tâm đầu tư vào lĩnh vực này.
Dự báo về công tác cai nghiện ma túy trong thời gian tới
Cả nước hiện có 196.410 người nghiện ma túy (có hồ sơ quản lý), trong đó hơn 50.000 người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; đang quản lý trong cơ sở cai nghiện ma túy gần 30.000 người; trong trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng gần 59.000 người. Như vậy, số người nghiện chưa tham gia cai nghiện/điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện ở ngoài cộng đồng còn khoảng 60.000 người, với công suất tiếp nhận, cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân sự như hiện nay chưa đáp ứng các điều kiện tối thiểu theo quy định tại Nghị định số 116/2021/NĐ-CP.
Dự báo tình hình người nghiện ma túy vẫn diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng, đặc biệt là đối tượng ngày càng trẻ hóa, sử dụng ma túy tổng hợp, tiềm ẩn nguy cơ gây mất trật tự, an toàn xã hội nếu không có biện pháp quản lý, cai nghiện tốt. Theo Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, tất cả người nghiện có hồ sơ quản lý đều phải tham gia cai nghiện tự nguyện/điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, nếu không sẽ bị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc. Như vậy, số người nghiện ở ngoài cộng đồng (khoảng 60.000 người) dự báo sẽ tham gia cai nghiện tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy và số cai nghiện bắt buộc tại cơ sở cai nghiện ma túy trong thời gian tới khoảng 80.000 người - Nguy cơ gây áp lực lớn đối với công suất của hệ thống cơ sở cai nghiện ma túy hiện có. Vì vậy, cần phải ưu tiên bố trí kinh phí xây dựng, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất trang thiết bị của hệ thống cơ sở cai nghiện ma túy đảm bảo thực hiện nhiệm vụ, đáp ứng nhu cầu thực tế.
Đề xuất, kiến nghị
Để thực hiện tốt công tác phòng, chống ma túy, đặc biệt là công tác cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy thời gian tới cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương. Với phạm vi, trách nhiệm được giao, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có một số đề xuất:
Đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ:
(1) Chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương: Tăng cường đội ngũ làm công tác cai nghiện, quản lý sau cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện ma túy công lập, đơn vị sự nghiệp cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng; nghiên cứu, đề xuất chế độ, chính sách ưu đãi phù hợp đối với đội ngũ làm việc trong lĩnh vực này.
(2) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: bố trí nguồn lực để nâng cấp, sửa chữa, bổ sung trang thiết bị, phương tiện tại các cơ sở cai nghiện ma túy công lập, đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng; có cơ chế hỗ trợ từ ngân sách trung ương bảo đảm thực hiện tốt công tác phòng, chống ma túy, cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy, đặc biệt là đối với 03 địa phương chưa có cơ sở cai nghiện ma túy (Hậu Giang, Đắc Nông, Kon Tum).
Đối với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:
Chỉ đạo các cơ quan chức năng tại địa phương thực hiện tốt một số nội dung:
(1) Đánh giá, thống kê số lượng người nghiện ma túy trên địa bàn; dự báo nhu cầu cai nghiện ma túy để xây dựng kế hoạch bố trí nguồn lực, ngân sách theo quy định của pháp luật để tổ chức, triển khai công tác cai nghiện ma túy và thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người cai nghiện ma túy.
(2) Tổ chức triển khai đồng bộ các quy định tại Luật phòng, chống ma túy năm 2021 và các văn bản hướng dẫn thi hành; tổ chức tập huấn, hướng dẫn chuyên sâu đến cấp cơ sở về công tác xác định tình trạng nghiện ma túy, tổ chức cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy.
(3) Hướng dẫn, chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng; giao nhiệm vụ cho các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng; bố trí kinh phí hỗ trợ công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng.
(4) Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện hiệu quả công tác cai nghiện ma túy và phòng ngừa nghiện ma túy đối với nhóm người có nguy cơ cao và người sử dụng trái phép chất ma túy tại địa phương.
(5) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể và Nhân dân trên địa bàn nhận thức đúng, đủ về tầm quan trọng, ý nghĩa, tác dụng của biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra các cơ quan, đơn vị có liên quan trong triển khai công tác áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ, ngành liên quan giải quyết triệt để các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện.
(6) Nâng cao năng lực cán bộ, đảm bảo trình độ chuyên môn phù hợp để thực hiện nhiệm vụ cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập và tại gia đình, cộng đồng.
(7) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy./.
Đàm Thị Minh Thu
Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội