Cai nghiện ma túy tự nguyện và quản lý sau cai nghiện tại gia đình, cộng đồng
Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang, triển khai Đề án thí điểm điều trị cắt cơn, cai nghiện ma túy bằng thuốc Cedemex tại gia đình và cộng đồng trên địa bàn tỉnh: Năm 2022, vận động 27 người tham gia điều trị; Năm 2023, vận động 08 người tham gia điều trị; Từ ngày 01/01/2024 đến ngày 10/9/2024, vận động 05 người tham gia điều trị.
Mô hình “Tư vấn, hỗ trợ người nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng, kết hợp phòng ngừa lây nhiễm HIV/AIDS”. Mỗi mô hình được hỗ trợ 15.000.000 đồng/năm (năm 2022: duy trì 15 mô hình, năm 2023: duy trì 15 mô hình và xây dựng mới 02 mô hình; năm 2024: duy trì 17 mô hình và xây dựng mới 01 mô hình).
Số người có quyết định cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng: 443 người, trong đó từ đủ 18 tuổi: 421 người; từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi: 22 người.
Số người hoàn thành cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng: 116 người.
Địa phương chưa thực hiện công bố danh sách tổ chức, cá nhân đủ điều kiện cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng. Lý do: chưa có tổ chức, cá nhân trong tỉnh đủ điều kiện cung cấp dịch vụ.
Tổng số người quản lý sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú: 736 người, trong đó: từ đủ 18 tuổi: 703 người; từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi: 33 người. Tổng số người được hỗ trợ: tạo việc làm: 15 người; vay vốn: 20 người (430 triệu đồng).
Cai nghiện ma túy bắt buộc tại Cơ sở cai nghiện ma túy
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, thời gian qua công tác cai nghiện ma túy bắt buộc tại Cơ sở đã có nhiểu chuyển biến tích cực, cụ thể: Tính đến ngày 05/9/2024, tại Cơ sở cai nghiện ma túy đa chức năng tỉnh Kiên Giang có 67 biên chế đang quản lý 908 học viên, trong đó: 780 học viên cai nghiện bắt buộc, 46 học viên cai nghiện tự nguyện, 82 học viên đang trong thời gian lập hồ sơ.
Cơ sở đã tư vấn, giáo dục cá nhân cho 1410 lượt người cai nghiện; giáo dục chuyên đề cho 8.352 lượt người cai nghiện và quản lý, giáo dục người cai nghiện đạt loại Tốt 99,5%; Khá 0,2%; Yếu 0,3%. Khen thưởng cho 258 lượt người cai nghiện có thành tích xuất sắc.
Khám cấp thuốc điều trị bệnh thông thường hàng ngày cho 47.908 lượt người cai nghiện, cắt cơn giải độc cho người cai nghiện nhập mới. Khám sức khỏe định kỳ cho 456 người. Tổ chức lấy mẫu xét nghiệm Lao và mẫu xét nghiệm HIV cho học viên theo quy định để phân loại đối tượng. Thực hiện lưu 1.080 mẫu thực phẩm ăn hằng ngày (không có trường hợp ngộ độc thực phẩm). Tổ chức tuyên truyền, giáo dục cho người cai nghiện về vệ sinh phòng chống dịch mùa nắng nóng, thường xuyên phun thuốc diệt ruồi, muỗi, khử trùng, thực hiện tốt công tác phòng ngừa dịch bệnh tại Cơ sở.
Tổ chức cho 80.158 lượt người cai nghiện tham gia lao động trị liệu; thường xuyên chăm sóc cây trồng, vật nuôi; thu hoạch 152.757 kg rau xanh cung cấp cho bếp ăn của Cơ sở.
Liên kết với Hợp tác xã Thịnh Phát tổ chức truyền nghề đan lục bình cho 631 lượt người cai nghiện, tạo ra 52.810 sản phẩm, tạo điều kiện cho người cai nghiện có tay nghề trước khi tái hòa nhập cộng đồng, đồng thời có thêm thu nhập.
Phối hợp với Trường Trung cấp nghề Tứ giác Long Xuyên khai giảng 03 lớp dạy nghề (điện dân dụng, gò hàn nông thôn, trang điểm) cho 73 người cai nghiện đạt 75% kế hoạch năm.
Tuy nhiên, tại Cơ sở còn nhiều khó khăn, vướng mắc
Thời gian qua, số lượng người cai nghiện tiếp nhận vào cơ sở có xu hướng gia tăng (hiện tại vượt 57% so với công suất theo quy định), số lượng phòng ở cho người cai nghiện không đủ sức chứa nên tình hình sắp xếp phòng ở cho người cai nghiện gặp nhiều khó khăn. Số lượng biên chế được giao làm việc tại Cơ sở chưa đảm bảo định biên theo Thông tư 29/2022/TT-BLĐTBXH. Thực tế hiện nay, tất cả viên chức, người lao động kể cả Ban Giám đốc, phòng tổ chức-hành chính-kế toán của Cơ sở đều phải tham gia công tác trực quản lý người cai nghiện.
Cơ sở vất chất chưa được đầu tư đồng bộ theo quy định tại Nghị định số 116/2021/NĐ-CP. Hệ thống điện nội bộ sử dụng đã lâu, thường xuyên gặp sự cố ngắt điện vào mùa mưa, gây ảnh hưởng đến công tác giám sát, quản lý người cai nghiện. Hệ thống camera không đồng bộ gây khó khăn trong quản lý, trích xuất camera. Hệ thống mạng internet không ổn định, thường xuyên gặp sự cố, không đồng bộ với hệ thống camera an ninh gây ảnh hưởng đến công tác giám sát, quản lý người cai nghiện.
Bên cạnh đó, đơn vị chưa có điều kiện để bố trí Khu dạy nghề, Hội trường lớn thực hiện nhiệm vụ tư vấn, giáo dục; Nhà thăm gặp; Khu điều trị cho học viên từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi…; Khu điều trị cho học viên nữ xuống cấp, tận dụng, cải tạo từ Khu nhà kho của Cơ sở nên rất ẩm thấp, vì vậy công tác quản lý và điều trị cho người cai nghiện gặp nhiều khó khăn. Hệ thống xử lý nước sinh hoạt, nước thải chưa có.
Kết thúc kiểm tra
Bà Đàm Thị Minh Thu Cục trưởng, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội - Trưởng đoàn công tác đã ghi nhận một số kết quả đạt được của địa phương trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội nói chung và công tác cai nghiện, quản lý sau cai nghiện ma túy nói riêng. Thành quả trong công tác này đã góp phần quan trọng vào sự chuyển biến tích cực trong công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy trên phạm vi cả nước.
Để khắc phục những tồn tại nêu trên, trong thời gian tới Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:
(1) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức thực hiện công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng theo trách nhiệm được giao; công bố hoặc giao nhiệm vụ cho các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thẩm quyền đủ điều kiện cung cấp dịch vụ cai nghiện theo quy định tại Nghị định số 116/2021/NĐ-CP và Văn bản hướng dẫn chuyên môn số 584/PCTNXH-CNMT ngày 08/11/2023 của Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội.
(2) Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch tổ chức dạy và học tại Cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc, đặc biệt là dạy văn hóa cho học viên từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi.
(3) Rà soát điều kiện cơ sở vật chất, cơ cấu khối công trình, trang thiết bị, nhân sự tại Cơ sở cai nghiện ma túy, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh phương án, lộ trình bố trí kinh phí để nâng cấp, sửa chữa, xây mới các khối công trình của Cơ sở cai nghiện ma túy; bố trí trang thiết bị, nhân sự…đảm bảo điều kiện hoạt động tối thiểu của Cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc theo quy định tại Luật Phòng, chống ma túy và Nghị định số 116/2021/NĐ-CP.
(4) Chỉ đạo Cơ sở cai nghiện ma túy đa chức năng tỉnh Kiên Giang tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về tổ chức hoạt động của cơ sở cai nghiện ma túy công lập; xây dựng Đề án vị trí việc làm và nội quy, quy chế của Cơ sở đảm bảo quy định tại Thông tư số 29/2022/TT-BLĐTBXH; chủ động rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự để đề xuất Sở, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Dự án đầu tư, nâng cấp, sửa chữa, bổ sung trang thiết bị để tổ chức cai nghiện ma túy đảm bảo quy định của Luật Phòng, chống ma túy và Nghị định số 116/2021/NĐ-CP./.
Thanh Huyền – Cục PCTNXH