Kiểm tra liên ngành về thực hiện công tác phòng, chống tệ nạn xã hội tại tỉnh Thừa Thiên Huế Ngày đăng: 23/12/2024
Ngày 29/11/2024, thực hiện Chương trình công tác năm 2024 của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tổ chức Đoàn kiểm tra liên ngành về việc triển khai công tác phòng, chống mại dâm (PCMD) và cai nghiện ma túy (CNMT) tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

 

 

 

 

 

Đoàn kiểm tra liên ngành do ông Lê Đức Quang, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội làm Trưởng đoàn, tham gia Đoàn có đại diện: Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an, Thanh tra Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch. Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Đoàn đã làm việc với đại diện các Sở, ngành, đoàn thể gồm: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (Sở LĐTBXH), Công an tỉnh (lãnh đạo Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma tuý, Phòng Cảnh sát Hình sự),  Lãnh đạo Sở Văn hoá và Thể thao, Sở Du lịch, Sở Y tế, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn TNCSHCM tỉnh, Thành viên Đội kiểm tra liên ngành về PCMD 178 tỉnh, lãnh đạo Trung tâm Bảo trợ xã hội (Trung tâm BTXH).

Sau khi nghe báo cáo của các đơn vị được kiểm tra tại địa phương, thay mặt đoàn công tác, ông Lê Đức Quang, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Trưởng đoàn đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống mại dâm và cai nghiện ma túy tại địa phương trong thời gian qua và đưa ra một số kiến nghị sau:

* Đối với Sở LĐTBXH:

Tham mưu UBND tỉnh: (i) Tổ chức triển khai công tác CNMT tự nguyện tại gia đình, cộng đồng; rà soát, đánh giá, tiến hành đặt hàng, giao nhiệm vụ cho đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ CNMT tự nguyện tại gia đình, cộng đồng; bổ sung nhân lực, cơ sở vật chất, đảm bảo phương tiện cho công tác CNMT bắt buộc. (ii) Chỉ đạo Công an tỉnh đẩy mạnh công tác rà soát, quản lý địa bàn; tích cực đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn, triệt phá ổ nhóm, đường dây, tội phạm về mại dâm, đặc biệt là hoạt động mại dâm qua không gian mạng. (iii) Chỉ đạo Sở Y tế rà soát, công bố các Cơ sở y tế đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy; tăng cường hỗ trợ nhân lực y tế cho các Cơ sở CNMT. (iv) Kịp thời báo cáo về tình trạng quá tải tại các Cơ sở CNMT. Thực hiện đồng bộ các giải pháp, huy động nguồn lực để tổ chức thực hiện công tác CNMT tự nguyện tại gia đình, cộng đồng theo Luật Phòng, chống ma tuý và Nghị định số 116/2021/NĐ-CP. (v) Tiếp tục thực hiện xã hội hóa công tác cai nghiện phục hồi và quản lý sau cai nghiện dựa vào cộng đồng; phát động toàn dân phòng ngừa tệ nạn xã hội và vận động người nghiện ma túy tham gia các chương trình cai nghiện phù hợp; xây dựng chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện; thực hiện đa dạng hình thức huy động sự tham gia, đóng góp của người dân, gia đình, cộng đồng cho công tác cai nghiện, lồng ghép với các chương trình kinh tế - xã hội tại địa phương.

Trực tiếp thực hiện: (i) Tăng cường vai trò của Cơ quan Thường trực (ngành LĐTBXH) trong công tác PCMD; phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành, đoàn thể, UBND cấp huyện triển khai các nhiệm vụ PCMD theo mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2024, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ của Chương trình PCMD giai đoạn 2021-2025; tăng cường công tác phối hợp liên ngành thông qua xây dựng, thực hiện có hiệu quả các quy chế phối hợp; duy trì cơ chế trao đổi thông tin, báo cáo giữa các cơ quan, ban ngành liên quan ở địa phương. (ii) Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về phòng, chống TNXH,  thủ đoạn tội phạm mua bán người vì mục đích mại dâm, giảm kỳ thị xã hội, chú trọng vùng sâu, vùng xa và người lao động trong cơ sở kinh doanh dịch vụ, người dân tộc, thanh niên; thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các cơ quan, đơn vị có liên quan trong triển khai công tác CNMT và quản lý sau CNMT. (iii) Chú trọng đẩy mạnh hiệu quả hoạt động của Đội kiểm tra liên ngành 178 các cấp; phối hợp với Sở Du lịch, Sở Văn hoá – Thể thao tăng cường thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm dễ phát sinh tệ nạn xã hội nhằm ngăn chặn và xử lý kịp thời các đối tượng, cơ sở có hành vi vi phạm. (iv) Chủ trì phối hợp với các ngành, tổ chức đoàn thể, Đội công tác xã hội tình nguyện cấp xã triển khai hiệu quả hoạt động phòng ngừa, ngăn chặn tệ nạn mại dâm, tệ nạn ma tuý, hỗ trợ xã hội đối với người bán dâm; rà soát, lồng ghép triển khai công tác PCMD với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội và nhiệm vụ khác tại địa phương, đảm bảo thống nhất, phù hợp, hiệu quả. (v) Xây dựng, duy trì và phát huy hiệu quả mô hình phòng ngừa, tăng cường cung cấp các dịch vụ hỗ trợ xã hội đối với người bán dâm tại cộng đồng; phối hợp với Sở Y tế triển khai các biện pháp hỗ trợ, chăm sóc y tế, can thiệp giảm hại, phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS đối với người bán dâm tại cộng đồng. (vi) Rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí, nhân lực phù hợp thực hiện nhiệm vụ công tác PCMD; tổ chức tập huấn, nâng cao nhận thức và trang bị các kiến thức, kỹ năng cần thiết cho đội ngũ nhân sự các cấp thực hiện nhiệm vụ PCMD. (vii) Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương quản lý, hỗ trợ người cai nghiện trong thời gian lập hồ sơ đề nghị Tòa án quyết định áp dụng biện pháp CNMT bắt buộc; hỗ trợ, giúp đỡ người cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, chú trọng công tác hỗ trợ học nghề, giới thiệu việc làm cho người sau cai nghiện. (viii) Triển khai Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND của Hội đồng Nhân dân tỉnh quy định mức hỗ trợ đối với người cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập, người được giao nhiệm vụ hỗ trợ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và quản lý sau cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế thực tiễn và hiệu quả.

* Đối với Cơ sở CNMT:

(i) Chủ động xây dựng kế hoạch rà soát, sửa chữa, chống xuống cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị tại Cơ sở, báo cáo cấp có thẩm quyền; quan tâm công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, đảm bảo chế độ đối với người cai nghiện ma túy theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy và Nghị định số 116/2021/NĐ-CP.

(ii) Rà soát sửa đổi, bổ sung các nội quy, quy chế về quản lý học viên tại Cơ sở đảm bảo đúng quy định tại Thông tư số 29/2022/TT-BLĐTBXH.

(iii) Đôn đốc các đơn vị thi công hoàn thành các khối nhà (vị trí, bố trí các học viên cai nghiện), các hạng mục phụ trợ, đảm bảo cho hoạt động của Cơ sở cai nghiện hoàn thành sớm đi vào hoạt động.

 (Vân Vũ)