Hà Giang thực hiện tốt công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán hòa nhập cộng đồng Ngày đăng: 13/12/2024
Hà Giang là một tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới cực Bắc của tổ quốc, địa hình hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều. Địa hình hiểm trở, phức tạp và khắc nhiệt; đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số còn thấp; nhu cầu tìm kiếm việc làm ở Trung Quốc vẫn còn cao, dẫn đến tình trạng công dân đi lao động tự do diễn biến phức tạp, nhận thức về pháp luật, ý thức cảnh giác đấu tranh với tội phạm chưa cao, đây là điều kiện cho các đối tượng câu kết, hình thành các ổ nhóm đường dây hoạt động tội phạm mua bán người, mua bán trẻ em có diễn biến phức tạp.

 

 

 

 

Trước thực trạng trên, được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời sâu sát của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự vào cuộc của các ngành, đoàn thể, các cấp, công tác phòng, chống mua bán người nói chung và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán hòa nhập cộng đồng nói riêng được triển khai có hiệu quả, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động trong thực hiện chính sách pháp luật đối với người bị mua bán trở về. Các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể đã phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng. Tham mưu kịp thời cho cấp ủy chính quyền địa phương về việc phân công tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm quản lý, giúp đỡ nạn nhân bị mua bán, xóa bỏ định kiến, phân biệt đối xử, tạo môi trường xã hội lành mạnh để họ sớm ổn định cuộc sống tái hòa nhập cộng đồng.

Năm 2024, các cấp các ngành, các tổ chức đoàn thể từ tỉnh đến huyện đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống mua bán người trên địa bàn tỉnh với nhiều nội dung phong phú, thiết thực, nhất là các huyện biên giới. Toàn tỉnh đã tổ chức được 952 buổi với 7.532 người tham dự, đăng tải 342 tin, bài; xây dựng 54 băng rôn, phát trên 2.000 tờ rơi tuyên truyền về phòng, chống mua bán người.

Ngoài ra tỉnh Hà Giang tiếp tục duy trì và vận hành Tổng đài đường dây nóng phòng, chống mua bán người 18001282 kết nối với Tổng đài 111 của Trung ương, đặt tại Trung tâm công tác xã hội tỉnh để tiếp nhận các thông tin và xử lý, hướng dẫn hỗ trợ nạn nhân có nguy cơ bị mua bán được tiếp cận với các cơ quan chức năng, dịch vụ pháp lý về phòng, chống mua bán người, năm 2024, Tổng đài đã tiếp nhận 192 cuộc gọi đến đường dây nóng thông tin về phòng, chống mua bán người. 

Bên cạnh đó, công tác tiếp nhận hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trên địa bàn tỉnh luôn có sự  phối hợp chặt chẽ giữa Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Công an, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh. Sau khi tiếp nhận nạn nhân do nước ngoài trao trả hoặc giải cứu, các lực lượng Biên phòng, Công an và các ngành chức năng kịp thời hỗ trợ nhu cầu thiết yếu ban đầu và chăm sóc nạn nhân như: Bố trí nơi ở tạm thời, ăn uống hàng ngày, quần áo, đồ dùng cá nhân, chăm sóc sức khỏe, tư vấn tâm lý, hỗ trợ tiền ăn, đi đường cho nạn nhân trở về nơi cư trú.

Nạn nhân bị mua bán trở về địa phương, được chính quyền và các tổ chức đoàn thể của huyện, xã quan tâm giúp đỡ hỗ trợ như: Hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế, chăn nuôi bò, dê, lợn sinh sản, thủ công mỹ nghệ dệt thổ cẩm... Điển hình như, hỗ trợ mô hình sinh kế phát triển chăn nuôi với tổng kinh phí 100.000.000đ giúp cho các nạn nhân bị mua bán, nghi bị mua bán sớm duy trì ổn định sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, tái hòa nhập cộng đồng; duy trì 3 hợp tác xã thêu dệt lanh thổ cẩm để giúp chị em phụ nữ nghèo có nguy cơ cao về mua bán có việc làm tại chỗ. Hỗ trợ 01 nạn nhân về sinh kế khởi nghiệp bằng nghề dệt vải lanh, đã bán sản phẩm ra thị trường, có thu nhập 12.000.000 đ.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh tiếp tục duy trì và hỗ trợ lương thực và sinh hoạt phí cho 09 nạn nhân bị mua bán trở về với tổng số tiền 23.800.0000đ, ngoài ra còn hỗ trợ cho 02 trường hợp phụ nữ có nguy cơ cao bị mua bán ở xã Sủng Trái, Hố Quáng Phìn huyện Đồng Văn; hỗ trợ 14.000.000đ cho 13 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại 03 xã của huyện Mèo Vạc.

Ngoài ra, các tổ chức đoàn thể còn đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho người là nạn nhân bị mua bán và đối tượng phụ nữ đi Trung quốc làm thuê trái phép qua biên giới trở về được vay vốn phát triển kinh tế gia đình, nhằm từng bước ổn định cuộc sống.

Công tác tổ chức dạy nghề gắn với giải quyết việc làm được thực hiện theo kế hoạch giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm chung trên địa bàn tỉnh, trong đó, ưu tiên tạo điều kiện cho nhóm đối tượng là nạn nhân bị mua bán trở về. Phối hợp với Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh trao 10 suất học bổng trị giá 200.000.000đ cho 10 học sinh diện hộ nghèo khó khăn học trung cấp nghề tại Trường trung cấp dân tộc nội trú- giáo dục thường xuyên Bắc Quang. 

Triệu Mạo