Theo báo cáo của Bộ Công an, tại các địa phương còn tình trạng người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy chưa được rà soát, phát hiện đủ để đưa vào quản lý. Nhiều người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy được phát hiện qua các vụ án, vụ việc, kế hoạch kiểm tra chuyên đề của các cơ quan, tổ chức; tin báo, tố giác của quần chúng nhân dân; qua lời khai của người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy khi đăng ký cai nghiện… nhưng không nằm trong danh sách của địa phương. Qua thống kê, năm 2023, toàn quốc phát hiện 35.293 đối tượng nghiện (chiếm 18% có trong danh sách quản lý), hơn 29.000 đối tượng (chiếm 82%) không nằm trong danh sách quản lý. Từ các con số trên cho thấy, số người sử dụng ma túy trong danh sách quản lý của cơ quan chức năng địa phương hiện nay mới chỉ có 25% so với thực tế.
Theo Công an tỉnh Khánh Hòa, tính đến ngày 6-11-2024, trên địa bàn tỉnh có 777 người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy đang ở ngoài xã hội có hồ sơ quản lý, trong đó có 269 người nghiện, 508 người sử dụng trái phép chất ma túy.
Qua công tác theo dõi, kiểm tra nhận thấy công tác quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy tại địa bàn cơ sở chưa chặt chẽ; việc phân công, phân cấp, giao trách nhiệm còn chưa cụ thể, rõ ràng. Cụ thể, việc rà soát, thống kê người sử dụng trái phép chất ma túy được phát hiện qua công tác đấu tranh, giải quyết các vụ án, vụ việc chưa kịp thời; việc phát hiện đối tượng có điều kiện, khả năng hoặc biểu hiện nghi vấn hoạt động phạm tội về ma túy trong số người sử dụng trái phép chất ma túy chưa được chú trọng để phát triển điều tra, bắt giữ, xử lý hình sự. Công tác rà soát, xác định, lập hồ sơ người có biểu hiện loạn thần, ngáo đá do sử dụng trái phép chất ma túy còn hạn chế, rất ít người được đưa vào diện quản lý, trong khi đó số người sử dụng ma túy tổng hợp rất nhiều. Công tác trao đổi thông tin về người sử dụng trái phép chất ma túy giữa công an các đơn vị, địa phương rất hạn chế. Hiện nay, phần lớn các đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp có đặc điểm là cùng nhiều người sử dụng và chủ yếu ở các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, dịch vụ nhạy cảm hoặc ở các địa điểm riêng biệt cho trang bị loa, đèn... Tuy nhiên, khi phát hiện, các đơn vị chủ yếu tập trung vào đối tượng có mặt tại thời điểm phát hiện, chưa chú trọng đến việc làm rõ và trao đổi thông tin các đối tượng có liên quan vắng mặt để đưa vào diện nghi vấn sử dụng, phục vụ việc rà soát, phát hiện người sử dụng trái phép chất ma túy. Công tác quản lý đối tượng tại địa bàn cơ sở còn mang tính hành chính, chưa có chiều sâu nghiệp vụ, chưa nắm được đầy đủ hoạt động của đối tượng, nhất là đối tượng có hoạt động lưu động, liên địa bàn; công tác cảm hóa, giáo dục chưa tốt dẫn đến tỷ lệ tái phạm cao.
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, Công an tỉnh đã chỉ đạo công an các địa phương đẩy mạnh các biện pháp nắm tình hình người sử dụng trái phép chất ma túy, người bị quản lý sau cai nghiện và người tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; thường xuyên rà soát, xác định, lập hồ sơ quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy có biểu hiện loạn thần, ngáo đá theo Hướng dẫn số 02, ngày 10-6-2023 của Cục Cảnh sát hình sự và Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy; tăng cường lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Công an các địa phương tăng cường phối hợp với lực lượng liên quan, thường xuyên rà soát, đánh giá và kịp thời phát hiện các điểm nguy cơ, điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự; tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, dịch vụ nhạy cảm như: Quán bar, vũ trường, karaoke, khách sạn, nhà nghỉ, chung cư cao cấp... nhằm hạn chế tới mức thấp nhất việc tội phạm ma túy móc nối, lợi dụng các địa điểm này để hoạt động phạm tội và vi phạm pháp luật về ma túy.
HH(baokhanhhoa.vn)