Đồng Nai: Kiểm tra, hướng dẫn hoạt động của mô hình phòng, chống mại dâm Ngày đăng: 06/09/2024
Kế hoạch phòng, chống mại dâm giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh công tác xây dựng, triển khai duy trì Mô hình “Hỗ trợ đảm bảo quyền của người lao động tại cơ sở kinh doanh dịch vụ” là một nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng, chống mại dâm.

Chính vì vậy, năm 2024 Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã kiểm tra đánh giá tình hình, tiếp tục hướng dẫn duy trì các Mô hình phòng, chống mại dâm, cụ thể kiểm tra 11 Mô hình “Hỗ trợ nhằm đảm bảo quyền của người lao động tại cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện dễ phát sinh tệ nạn mại dâm” duy trì hoạt động tại 11 xã, phường thuộc 11 huyện, thành phố cụ thể: Xã Nhân Nghĩa (huyện Cẩm Mỹ; phường Xuân Hòa (Thành phố Long Khánh); xã An Phước (huyện Long Thành); thị trấn Dầu Giây (huyện Thống Nhất); thị trấn Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu); xã Phú Lập (huyện Tân Phú); xã Phú Hòa (huyện Định Quán); phường Trảng Dài (Tp. Biên Hòa); thị trấn Hiệp Phước (huyện Nhơn Trạch); xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom); xã Xuân Tâm (huyện Xuân Lộc).

Qua kiểm tra cho thấy, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đã chỉ đạo, giao trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị có liên quan để tổ chức triển khai thực hiện; đồng thời các đơn vị đã tổ chức bổ sung, kiện toàn Ban chủ nhiệm Mô hình theo Hướng dẫn số 926/SLĐTBXH-PCTNXH ngày 04/3/2024 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Cho đến hiện tại, việc thực hiện mô hình đã đạt được một số kết quả cơ bản đáng chú ý.

Ban Chủ nhiệm, tiếp cận viên đã tiếp cận, tư vấn cho 762 người là chủ cơ sở và người lao động ở 249 Cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện về an ninh trật tự, cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm. Nội dung tư vấn hướng đến hỗ trợ can thiệp giảm hại, phòng chống bạo lực giới, đảm bảo quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm theo quy định của pháp luật về lao động, việc làm và tiếp cận các dịch vụ xã hội. Qua đó, những người có nhu cầu được cung cấp, tiếp cận, sử dụng các dịch vụ hỗ trợ hòa nhập cộng đồng như dịch vụ trợ giúp pháp lý, tư vấn tâm lý, chăm sóc y tế, học nghề, vay vốn, tạo việc làm, tạo thu nhập, chuyển đổi nghề nghiệp, góp phần giảm thiểu những tác hại của hoạt động mại dâm tác động đến đời sống xã hội.

64 thành viên Ban Chủ nhiệm Mô hình tại các huyện, thành phố được tham gia tập huấn về kỹ năng tư vấn, tiếp cận cộng đồng trong phòng, chống mại dâm; kỹ năng truyền thông, hỗ trợ giảm hại về mại dâm; kỹ năng tổ chức hoạt động của mô hình; hướng dẫn thực hành sắm vai về kỹ năng truyền thông, tiếp cận, hỗ trợ giảm hại về mại dâm; kỹ năng tiếp cận và kết nối chuyển gửi hỗ trợ người bán dâm; những thuận lợi, khó khăn, kinh nghiệm khi tư vấn, tiếp cận cộng đồng... Ban chủ nhiệm của mỗi Mô hình đã thiết lập số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận, tư vấn, giải đáp và hỗ trợ người lao động làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện, người bán dâm khi có nhu cầu.

Qua việc thực hiện mô hình, 787 chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ và người lao động làm việc tại các cơ sở kinh doanh được hướng dẫn các tiêu chuẩn, điều kiện kinh doanh đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện về an ninh trật tự dễ bị lợi dụng để hoạt động tệ nạn mại dâm, thực hiện đúng quy định của pháp luật về công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm; phòng ngừa lây nhiễm các bệnh xã hội và HIV/AIDS, phòng ngừa, giảm tình trạng bạo lực trên cơ sở giới; nâng cao ý thức chủ động phòng ngừa, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật, tội phạm, tệ nạn mại dâm. Đồng thời 100% chủ cơ sở và người lao động đã ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước về kinh doanh ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự.

Hoạt động của các mô hình đã mang lại hiệu quả đối với công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm, tác dụng tuyên truyền đến người dân về tác hại của tệ nạn mại dâm, tệ nạn xã hội để phòng, tránh; tích cực tố giác các hành vi liên quan đến tệ nạn mại dâm, ma tuý, tệ nạn xã hội tới các cơ quan chức năng để đấu tranh, xử lý kịp thời góp phần đảm bảo an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Tuy nhiên trong quá trình thực hiện mô hình, bên cạnh những kết quả đạt được kể trên cũng gặp phải những khó khăn nhất định, cụ thể là:

Đa số người lao động làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm còn e dè, mặc cảm khi tiếp xúc với các thành viên của Mô hình nên việc tiếp cận gặp rất nhiều khó khăn. Người lao động làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ là người ngoài tỉnh, không có nơi cư trú nhất định, thường xuyên di chuyển chỗ ở, do đó công tác kiểm tra, giám sát, hỗ trợ giảm hại rất khó thực hiện.

Ngoài ra, đến nay do chưa có quy định cụ thể về nội dung chi, mức chi cho hoạt động của Mô hình nên các đơn vị, địa phương lúng túng trong công tác triển khai thực hiện. 

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, các đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch kinh phí thực hiện duy trì Mô hình hằng năm, chú ý huy động các nguồn lực cho công tác phòng, chống mại dâm để thực hiện; Tăng cường phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phòng, chống mại dâm cho các tầng lớp nhân dân trong xã hội, tập trung vào các đối tượng có nguy cơ cao như học sinh, sinh viên, người lao động chưa có việc làm, người lao động nhập cư, nhóm lao động di cư và nhân viên tại các cơ sở kinh doanh, dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm; Đổi mới cách thức, nội dung công tác truyền thông theo hướng sinh động để thu hút giới trẻ, thông qua ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, qua mạng internet và mạng xã hội; Tổ chức biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có đóng góp cho công tác phòng, chống mại dâm; Tiếp tục lồng ghép các hoạt động phòng, chống mại dâm với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, dạy nghề, giới thiệu việc làm, tạo sinh kế, hỗ trợ cho người bán dâm hòa nhập cộng đồng./.

Lan Anh