Trong những năm 2018-2019, Thừa Thiên Huế đã thí điểm 02 mô hình “Mô hình hỗ trợ nhằm bảo đảm quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm; Mô hình hỗ trợ tăng cường năng lực của các nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực, câu lạc bộ của người bán dâm trong việc tiếp cận, truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng, chống bạo lực giới” tại 03 địa bàn thành phố Huế, thị xã Hương Thủy và thị xã Hương Trà. Đồng thời 03 nhóm đồng đẳng của người bán dâm cũng được thành lập ở 03 địa bàn này.
Thông qua việc thí điểm mô hình hỗ trợ tăng cường năng lực của các nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực, câu lạc bộ của người bán dâm, các thành viên trong nhóm đồng đẳng được tập huấn về các kỹ năng lập kế hoạch, điều hành nhóm; tư vấn sinh kế, định hướng việc làm,… Ngoài ra, họ còn được cung cấp các dịch vụ khác như tư vấn tâm lý, pháp lý, thăm khám y tế, chăm sóc sức khỏe đã được các cơ quan liên quan phối hợp thực hiện tốt, giúp cho người bán dâm dần tiếp cận dịch vụ để hỗ trợ hòa nhập cộng đồng.
Giai đoạn 2016-2020, tỉnh Thừa Thiên Huế đã hỗ trợ trên 200 người bán dâm, với 5 lượt người bán dâm được hỗ trợ giáo dục, học nghề; 105 lượt người bán dâm được tư vấn, trợ giúp pháp lý; 02 lượt người bán dâm được vay vốn, hỗ trợ việc làm; 105 lượt người bán dâm được hỗ trợ về y tế, chăm sóc sức khỏe, cung cấp các dịch vụ về phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS.
Cho đến 8 tháng đầu năm 2024, tỉnh Thừa Thiên Huế đã hỗ trợ 124 người bán dâm có nhu cầu hỗ trợ về giáo dục, tư vấn trợ giúp pháp lý, hỗ trợ y tế, chăm sóc sức khỏe, trong đó 86 lượt người bán dâm được hỗ trợ giáo dục, học nghề; 94 lượt người bán dâm được tư vấn, trợ giúp pháp lý; 94 lượt người bán dâm được hỗ trợ về y tế, chăm sóc sức khỏe, cung cấp các dịch vụ về phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS.
Việc thực hiện mô hình hỗ trợ nhằm bảo đảm quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm tạo được sự đồng thuận của chính quyền địa phương cũng như chủ các cơ sở kinh doanh dịch vụ trong việc thực hiện các quy định về phòng, chống tệ nạn xã hội, đảm bảo thực hiện các quy định của pháp luật lao động cho người lao động làm việc tại các cơ sở. Thông qua các hoạt động của mô hình, người lao động làm việc trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dần nắm được những kiến thức cơ bản về pháp lý có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của mình trong quá trình làm việc, kiến thức cơ bản trong việc nhận biết và phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục; kết nối đường dây nóng tư vấn, giải đáp và hỗ trợ khi có nhu cầu được giúp đỡ tư vấn 24/24 giờ.
Các mô hình hỗ trợ người bán dâm hòa nhập cộng đồng đã mang lại hiệu quả đối với công tác hỗ trợ người bán dâm trong tỉnh, góp phần phòng ngừa và giảm hại tệ nạn mại dâm. Trong những năm tới, Thừa Thiên Huế tiếp tục hoàn thiện căn cứ pháp lý, quy định tài chính liên quan để có thể nhân rộng các điểm mô hình này ở các cấp cơ sở của tỉnh./.
Lan Anh