Quảng Ninh chỉ đạo nâng cao hiệu quả hoạt động của các mô hình phòng, chống tệ nạn xã hội trên địa bàn Ngày đăng: 29/08/2024
Trong năm 2024, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Quảng Ninh đã chủ động xây dựng kế hoạch, hướng dẫn các thành phố, huyện thị và đơn vị cơ sở thực hiện các hoạt động phòng chống mại dâm, cai nghiện ma túy và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán và đạt được hầu hết các mục tiêu quản lý nhà nước đề ra đối với lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội.

Xuất phát từ đặc thù của công tác phòng chống tệ nạn xã hội, việc thực hiện chính sách pháp luật trong các lĩnh vực phòng chống mại dâm, cai nghiện ma túy và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán đã và đang triển khai thông qua việc duy trì hoạt động của nhiều mô hình thí điểm theo các văn bản hướng dẫn khác nhau, giúp việc quản lý đối tượng chính sách, hỗ trợ và cung cấp một số trợ giúp, dịch vụ công ban đầu, qua đó góp phần đảm bảo tiến độ thực hiện chính sách theo các mục tiêu của từng lĩnh vực.  

Sở Lao động -Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh chủ động rà soát quy định, hướng dẫn của cấp trên về các mô hình phòng, chống tệ nạn xã hội ở cả ba lĩnh vực phòng, chống mại dâm, cai nghiện ma túy và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; căn cứ thực tế và quy định của tỉnh Quảng Ninh điều chỉnh phù hợp và ban hành Công văn số 985/LĐTBXH-PCTNXH hướng dẫn cấp huyện và cơ sở triển khai thực hiện hoạt động của các mô hình về phòng chống tệ nạn xã hội trên địa bàn toàn tỉnh.

Cụ thể, đối với mô hình phòng, chống mại dâm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện 03 mô hình trong đó Mô hình phát huy sức mạnh cộng đồng trong phòng, chống mại dâm được thực hiện tại Thành phố Hạ Long (phường Yết Kiêu, Hà Khẩu, Đại Yên); thành phố Cẩm Phả (phường Cẩm Thủy, Quang Hanh); thành phố Uông Bí (phường Nam Khê); thị xã Đông Triều (phường Mạo Khê); thị xã Quảng Yên (phường Quảng Yên); Mô hình Hỗ trợ tăng cường năng lực của nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực, câu lạc bộ của người bán dâm trong việc tiếp cận hỗ trợ giảm hại, phòng, chống bạo lực giới được thực hiện tại thành phố Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí; Mô hình bảo đảm quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm được thực hiện tại Thành phố Hạ Long.

Đối với mô hình cai nghiện ma túy, phủ sóng trên phạm vi rộng toàn tỉnh là mô hình Đội công tác xã hội tình nguyện được thực hiện ở 30 xã, phường, thị trấn tại Thành phố Hạ Long (09 phường); thành phố Cẩm Phả (06 phường); thành phố Uông Bí (03 phường); thành phố Móng Cái (04 phường); thị xã Quảng Yên (02 xã, phường); thị xã Đông Triều (02 xã, phường); huyện Vân Đồn (01 thị trấn); huyện Đầm Hà (01 thị trấn); huyện Hải Hà (01 thị trấn); huyện Tiên Yên (01 thị trấn). Sở Lao động- Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện 9 Câu lạc bộ (CLB) hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng tại Thành phố Hạ Long (03 CLB), thành phố Cẩm Phả (03 CLB), thị xã Quảng Yên (01 CLB), thị xã Đông Triều (01 CLB), huyện Vân Đồn (01 CLB); 6 Mô hình Điểm tư vấn, chăm sóc, điều trị nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng tại Thành phố Hạ Long (02 Điểm), thành phố Cẩm Phả (02 Điểm), thành phố Uông Bí (01 Điểm), thị xã Quảng Yên (01 Điểm).

Đối với mô hình phòng, chống mua bán người, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện thí điểm Câu lạc bộ phòng, chống mua bán người tại 05 phường thuộc thành phố Hạ Long (phường Bạch Đằng, Cao Xanh, Hồng Gai, Hùng Thắng, Tuần Châu).

Cách thức tiếp cận và thực hiện chính sách phòng chống tệ nạn xã hội thông qua các mô hình thí điểm đã duy trì tương đối lâu và đem lại hiệu quả nhất định. Tuy nhiên cũng có một số vướng mắc xuất phát từ bản chất của cơ chế thử nghiệm chính sách, về đặc thù của đối tượng thụ hưởng, tính hình thức hoạt động... dẫn tới hiệu quả thực tế còn chưa cao. Qua báo cáo 8 tháng đầu năm 2024 từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh cho thấy, một số mô hình còn gặp khó khăn về cơ chế, chính sách pháp luật, có sự chồng chéo hoạt động, hạn chế nguồn kinh phí và nguồn nhân lực làm công tác này rất mỏng trong triển khai, tổ chức thực hiện.

Cụ thể, đối với việc thực hiện mô hình phòng, chống mại dâm, kinh phí hoạt động của các mô hình có một số nội dung chi không thực hiện được do các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện không còn đủ căn cứ pháp lý, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các nhóm/CLB trong các mô hình; việc tiếp cận người bán dâm đặc biệt là nhóm người bán dâm là nhân viên làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ còn gặp nhiều khó khăn, người bán dâm vẫn còn e dè, mặc cảm khi tiếp xúc với cán bộ phụ trách, triển khai nhiệm vụ ở địa phương; về góc độ pháp lý chưa có căn cứ xác định người bán dâm được hỗ trợ và chính quyền cơ sở, các cơ quan quản lý cũng không có hồ sơ quản lý nên việc tiếp cận và hỗ trợ đúng đối tượng là người bán dâm gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện.

Việc thực hiện mô hình phòng, chống ma túy gặp những khó khăn như các hoạt động tư vấn, sinh hoạt nhóm, hỗ trợ học nghề hiệu quả chưa cao, thiếu cơ sở tạo việc làm ổn định cho người sau cai nghiện; người sau cai nghiện thiếu ý thức tự giác, không ít đối tượng tìm cách che giấu bản thân nên gây khó khăn trong công tác hỗ trợ.

Trong thời gian tới, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các mô hình phòng, chống tệ nạn xã hội tại cộng đồng, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh tiếp tục chỉ đạo tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng bồi dưỡng chuyên sâu về công tác hỗ trợ xã hội, tập huấn nâng cao năng lực cho lực lượng cán bộ, tình nguyện viên tham gia phòng, chống tệ nạn xã hội; kịp thời tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho cơ sở trong quá trình triển khai nhiệm vụ; tiếp tục triển khai có hiệu quả và nhân rộng các mô hình phòng, chống tệ nạn xã hội tại cộng đồng; đánh giá hiệu quả hoạt động mô hình đề xuất các hoạt động năm 2025 và giai đoạn mới 2026-2030./.

Lan Anh