Tiếp và làm việc với Đoàn công tác, về phía Sở LĐTBXH có ông Đinh Quang Chúc - Phó Giám đốc Sở cùng lãnh đạo, chuyên viên Phòng Phòng, chống tệ nạn xã hội - Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em - Bình đẳng giới (Phòng PCTNXH-CSBVTE-BĐG).
Phát biểu tại buổi làm việc, Ông Lê Đức Quang cho biết Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm năm 2003 và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đã bộc lộ nhiều nội dung không còn phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; việc tổng kết, đánh giá kết quả triển khai chính sách, pháp luật phòng, chống mại dâm trong giai đoạn 20 năm (từ năm 2003 đến năm 2023) là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, đòi hỏi sự tham gia, vào cuộc của các ngành, các cấp và địa phương. Đoàn công tác mong muốn lắng nghe những đề xuất, kiến nghị cụ thể nhằm sửa đổi, hoàn thiện chính sách, pháp luật phòng, chống mại dâm, tăng cường hiệu quả quản lý trong tình hình mới.
Theo báo cáo của Sở LĐTBXH, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 470 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng hoạt động mại dâm, trong đó có 288 cơ sở lưu trú, 182 cơ sở kinh doanh karaoke, 147 nhân viên phục vụ, số người nghi vấn bán dâm hoạt động trên địa bàn tỉnh là 15 người. Các đối tượng tiếp tục sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để che dấu hành vi phạm tội, điển hình như hoạt động trá hình dưới vỏ bọc các cơ sở kinh doanh karaoke, massage, nhà nghỉ...
Trong giai đoạn 2003 - 2023, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành các Quyết định, các văn bản chỉ đạo, điều hành thực thi Pháp lệnh phòng, chống mại dâm và các văn bản liên quan; hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo của tỉnh về công tác phòng, chống mại dâm), các Sở, ngành, đoàn thể và địa phương đã xây dựng kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống mại dâm trên địa bàn tỉnh.
Sở LĐTBXH thường xuyên chủ động phối hợp với các ngành, các địa phương tổ chức triển khai tuyên truyền, giáo dục về công tác phòng, chống mại dâm trên địa bàn tỉnh. Các huyện, thành phố thực hiện tuyên truyền phòng ngừa trên các kênh phát thanh, loa truyền thanh các xã, phường, thị trấn; lồng ghép tuyên truyền được hơn 2.000 cuộc với 17.603.664 người tham gia; duy trì 98% xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn mại dâm.
Về công tác kiểm tra, đấu tranh xử lý vi phạm, Đội kiểm tra liên ngành 178 cấp tỉnh đình chỉ hoạt động 10 cơ sở; nhắc nhở, gia hạn hoàn chỉnh các loại giấy tờ và các điều kiện có liên quan để tiếp tục kinh doanh 73 cơ sở. Công an tỉnh Bắc Kạn đã phát hiện, bắt xử lý 37 vụ/194 đối tượng, kết quả khởi tố 37 vụ/44 bị can (trong đó 17 vụ/19 bị can về hành vi môi giới mại dâm; 20 vụ/25 bị can về hành vi chứa mại dâm); xử phạt VPHC 158 đối tượng.
Tuy nhiên, việc triển khai công tác phòng, chống mại dâm trên địa bàn tỉnh còn những tồn tại nhất định: nguồn kinh phí phân bổ cho công tác phòng, chống mại dâm còn hạn chế; đội ngũ cán bộ cấp xã, cộng tác viên, tuyên truyền viên còn thiếu, thường xuyên thay đổi; việc tiếp cận, quản lý, hỗ trợ người bán dâm gặp nhiều khó khăn do tính chất hoạt động kín đáo, di biến động.
Trao đổi về những nội dung đề xuất sửa đổi chính sách, pháp luật phòng, chống mại dâm, bà Nông Thị Hà, Trưởng phòng Phòng PCTNXH-CSBVTE-BĐG cho rằng, Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm năm 2003 cần sửa đổi, hoàn thiện theo hướng tăng cường các biện pháp phòng ngừa, giảm hại và hỗ trợ người bán dâm hòa nhập cộng đồng; điều chỉnh khái niệm mại dâm, các hành vi mại dâm đồng giới, mại dâm không qua giao cấu; xây dựng chính sách đặc thù đối với cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội ở địa phương.
Kết luận buổi làm việc, ông Lê Đức Quang đánh giá cao những nỗ lực, kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ phòng, chống mại dâm của Sở LĐTBXH tỉnh Bắc Kạn cũng như các cấp, các ngành trong giai đoạn 2003-2023; ghi nhận nội dung đề xuất, kiến nghị của Sở về hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật phòng, chống mại dâm. Đồng thời, đề nghị Sở LĐTBXH tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành, đoàn thể các cấp, tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mại dâm trên địa bàn tỉnh./.
Ngọc Hoàn