Khu vực giáp biên tăng cường nâng cao nhận thức cho người dân về phòng, chống mua bán người Ngày đăng: 13/12/2024
Tội phạm mua bán người thường tập trung vào các tỉnh giáp biên, có đường mòn tiếp giáp với các nước láng giềng, lợi dụng sự thiếu hiểu biết, nhẹ dạ cả tin của người dân để lừa bán ra nước ngoài. Trước thực trạng đó, các cấp chính quyền giáp biên đã tăng cường truyền thông về âm mưu, thủ đoạn của tội phạm mua bán người cho người dân.

Công an tỉnh Điện Biên đẩy mạnh tuyên truyền, đấu tranh triệt phá các đường dây mua bán người

Điện Biên là tỉnh miền núi nghèo, có đường biên giới tiếp giáp hai nước Lào và Trung Quốc, với 19 dân tộc cùng sinh sống. Do trình độ dân trí không đồng đều, lợi dụng những đặc điểm này, thời gian qua, tại Điện Biên, các đối tượng xấu thực hiện hành vi mua bán người với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi.

Trước thực trạng trên, Công an tỉnh Điện Biên đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật nhằm phòng ngừa, nâng cao nhận thức cho các cá nhân, gia đình và cộng đồng phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người để chủ động phòng tránh.

Trước đây, nạn nhân mà các đối tượng mua bán người nhắm đến là phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và trẻ em để bán sang Trung Quốc; sau COVID-19, tội phạm mua bán người có sự chuyển hướng hoạt động. Nạn nhân mà các đối tượng hướng đến đa dạng hơn, tập trung chủ yếu là thanh, thiếu niên, người trong độ tuổi lao động.

Sau khi lừa đảo, chúng đưa nạn nhân vào các đặc khu kinh tế của người Trung Quốc ở Lào, Campuchia và Myanmar để cưỡng bức tình dục (hoạt động mại dâm) và cưỡng bức lao động (ép thực hiện lừa đảo trên không gian mạng). Cụ thể, lợi dụng việc đang sinh sống tại nước ngoài, các đối tượng đưa ra nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn cho thu nhập cao, thông qua mối quan hệ bạn bè, họ hàng hoặc mạng xã hội như Facebook, Zalo, Telegram… tuyển dụng công dân đi lao động ở nước ngoài.

Để tăng thêm tính thuyết phục, các đối tượng còn chi trả phí làm hộ chiếu, tiền xe và ăn uống cho người lao động. Tuy nhiên, thực tế khi sang đến nơi nạn nhân đều bị thu giữ hộ chiếu, đưa vào các công ty hoạt động lừa đảo trực tuyến hoặc cơ sở kinh doanh dịch vụ massage, karaoke... trá hình do người Trung Quốc làm chủ.

Chúng ép nạn nhân ký hợp đồng bằng chữ Trung Quốc, với thời hạn một năm nếu phá hợp đồng bị phạt khoản tiền lớn. Trong quá trình làm việc, các nạn nhân bị cưỡng bức, ép làm công việc lừa đảo, ép bán dâm… Khi nạn nhân không muốn làm việc, đòi về, các đối tượng yêu cầu nộp khoản tiền lớn để chuộc.

Tại Điện Biên, hiện nay, còn xuất hiện nhóm nam giới, chủ yếu là người Trung Quốc, thông qua người môi giới hoặc mạng xã hội kết bạn, tán tỉnh yêu đương với các cô gái trẻ người dân tộc thiểu số (chủ yếu là người Mông). Sau khi đồng ý, các đối tượng này nhập cảnh vào Việt Nam, đến tận nhà ra mắt, mời cơm gia đình, họ hàng của các cô gái để xin được tìm hiểu. Thậm chí, các đối tượng đến UBND xã nơi các cô gái thường trú xin giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, đưa đi làm hộ chiếu, xin cấp visa, đăng ký kết hôn làm vợ tại Trung Quốc. Nói về hiện tượng này, lực lượng chức năng tỉnh Điện Biên cho biết, đến nay, tuy chưa ghi nhận vụ việc liên quan đến mua bán người nhưng đã có vụ việc lợi dụng để lừa đảo.

Trước tình hình trên, Công an tỉnh Điện Biên ban hành Kế hoạch về phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, nòng cốt là lực lượng Cảnh sát hình sự sẽ triển khai đồng bộ biện pháp nghiệp vụ, tập trung phát hiện, phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn hoạt động của tội phạm mua bán người; phối hợp các cấp, ngành đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tội phạm nói chung, trong đó lồng ghép truyền thông chính sách pháp luật về phòng, chống tội phạm mua bán người. 

Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Điện Biên) trực tiếp xuống địa bàn, thông qua những người có uy tín, già làng, trưởng bản, Hội Phụ nữ tiếp cận tuyên truyền. Đồng thời xây dựng nội dung tuyên truyền bằng tiếng dân tộc để truyền thông thông qua phương tiện thông tin đại chúng.

Trong 9 tháng năm 2024, đơn vị tổ chức trên 1.000 buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho hơn 60.000 lượt người (đối tượng tuyên truyền chủ yếu là phụ nữ, trẻ em, học sinh, sinh viên).

Ngoài nỗ lực tuyên truyền, Công an tỉnh quyết liệt đấu tranh, bóc gỡ nhiều đường dây mua bán người và bắt giữ nhiều đối tượng. Đến nay, Công an tỉnh phát hiện, khởi tố 5 vụ, 7 đối tượng mua bán người, giải cứu 38 nạn nhân bị mua bán sang Lào, Myanmar và Trung Quốc.

Thời gian tới, xác định tội phạm mua bán người tại tỉnh còn nhiều tiềm ẩn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc ít người, Công an tỉnh Điện Biên khuyến cáo, ngoài nỗ lực của lực lượng chức năng, bà con cần nâng cao cảnh giác, khi phát hiện dấu hiệu tội phạm mua bán người chủ động tố giác, kịp thời đấu tranh, ngăn chặn.

Cao Bằng: Đẩy mạnh công tác phòng, chống mua bán người ở khu vực biên giới

Bên cạnh thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao quản lý, bảo vệ biên giới, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cần Yên tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, nhất là tội phạm mua bán người, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới.

Đồn Biên phòng Cần Yên được giao phụ trách địa bàn 2 xã Cần Yên, Cần Nông, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, có nhiệm vụ bảo vệ đoạn biên giới dài trên 13,2 km. Địa hình chủ yếu là núi đá vôi hiểm trở với nhiều đường mòn qua lại biên giới, người dân hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ hiểu biết pháp luật còn hạn chế, đời sống kinh tế khó khăn trong khi các loại tội phạm, nhất là tội phạm mua bán người qua biên giới hiện nay sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Điều đó gây không ít khó khăn cho các lực lượng chức năng trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm mua bán người.

Cũng như các địa phương khác trên địa bàn tỉnh, nạn nhân mà đối tượng mua bán người hướng tới là phụ nữ, trẻ em và thanh niên hoàn cảnh khó khăn, dễ bị tổn thương trong xã hội, đặc biệt là những người ở vùng nông thôn, vùng miền núi nơi mà người dân tiếp cận với nền giáo dục, việc làm cũng như các thông tin, truyền thông còn nhiều hạn chế. Các đối tượng phạm tội sử dụng các chiêu thức lừa đảo, dụ dỗ, hứa hẹn việc nhẹ lương cao tại các thành phố lớn ở nước ngoài để nạn nhân tin tưởng và nghe theo.

Các nạn nhân sau khi bị mua bán ra nước ngoài sẽ phải đối mặt với nguy cơ và hậu quả rất nghiêm trọng. Về mặt thể chất sẽ bị ép buộc làm những công việc nặng nhọc trong điều kiện không đảm bảo an toàn và không có quyền lợi về mặt pháp lý, thậm chí một số nạn nhân bị lạm dụng tình dục, bị đưa vào các cơ sở mại dâm hoặc bị ép buộc lấy chồng bất hợp pháp...; về mặt tinh thần họ sẽ bị chấn thương về tâm lý, bị trầm cảm, lo sợ bị xã hội kỳ thị... Cá biệt có nạn nhân sau khi bị lừa bán sang nước ngoài một thời gian sau đã tìm cách quay trở về Việt Nam cấu kết với các đối tượng khác để thực hiện hành vi phạm tội mua bán người.

Từ đầu năm 2024 đến nay, đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền cho nhân dân trên địa bàn 62 buổi/1.960 lượt người nghe. Ngoài ra, cán bộ của đơn vị trực tiếp đến các hộ gia đình để tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và một số nội dung liên quan đến phòng, chống mua bán người; hướng dẫn người dân nhận biết các phương thức, thủ đoạn của tội phạm, kỹ năng phòng ngừa, phát hiện... để người dân nâng cao nhận thức, chủ động phòng tránh, không trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người. Ngoài tuyên truyền bằng tiếng phổ thông, đơn vị tiến hành tuyên truyền lồng ghép bằng tiếng dân tộc để nhân dân dễ hiểu.

Sóc Trăng- Tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân khu vực biên giới biển

Trong thời gian 3 ngày từ ngày 9 đến 11/12, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức hội nghị tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân khu vực biên giới biển với gần 1.000 đại biểu là cán bộ, nhân dân trên địa bàn khu vực biên giới biển thuộc huyện Cù Lao Dung, Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng.

Tại hội nghị, các đại biểu được phổ biến những kiến thức cơ bản về Luật Biên phòng Việt Nam và các văn bản quy định chi tiết; Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 09/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”.

Bên cạnh đó, đơn vị kết hợp thông tin, tuyên truyền về công tác phòng, chống mua bán người, tổ chức cấp phát gần 10.000 tờ rơi tuyên truyền cho các đại biểu tham dự hội nghị và quần chúng nhân dân trên địa bàn khu vực biên giới biển của tỉnh.

Thông qua hội nghị góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ. Nhân dân trên địa bàn chấp hành đúng chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chấp hành các quy định của Luật Biên phòng Việt Nam; công tác phòng, chống mua bán người. Từ đó xây dựng khu vực biên giới, vùng biển ổn định về an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh nhà; thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới vùng biển của Tổ quốc./.

K. Huyền (t/h)