Đội công tác xã hội tình nguyện góp phần làm giảm tệ nạn xã hội trên địa bàn tỉnh Tiền Giang Ngày đăng: 29/11/2024
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có 114 Đội công tác xã hội tình nguyện cấp xã/172 xã, phường, thị trấn với 630 thành viên và được sự quản lý trực tiếp của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.

Căn cứ vào tình hình thực tiễn tại các địa phương, mỗi Đội công tác xã hội tình nguyện cấp xã có từ 05 đến 10 thành viên, trong đó có 01 đội trưởng, 01 hoặc 02 đội phó và các tình nguyện viên. Thành phần các tình nguyện viên là những người đang hoặc đã từng tham gia hoạt động trong các tổ chức đoàn thể ở cấp xã như: Mặt trận tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân và một số ngành khác trên địa bàn xã, phường, thị trấn có uy tín, khả năng thuyết phục và tình nguyện tham gia công tác phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm; phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS và công tác xã hội khác. Đội trưởng được hưởng mức thù lao là 0,6 lần mức lương cơ sở/tháng, đội phó được hưởng mức thù lao là 0,5 lần mức lương cơ sở/tháng, các thành viên khác của Đội (Đội viên) được hưởng mức thù lao là 0,4 lần mức lương cơ sở/tháng.

 Hàng năm, các Đội công tác xã hội tình nguyện cấp xã (Đội tình nguyện) xây dựng kế hoạch hoạt động; tổ chức sinh hoạt hàng tháng, quý; nội dung sinh hoạt của các Đội tình nguyện là triển khai các văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và đánh giá kết quả hoạt động trong tháng, việc tiếp cận, giúp đỡ đối tượng và đề ra phương hướng cho những tháng tiếp theo.

Bằng sự nhiệt quyết và kinh nghiệm sống của mình, tình nguyện viên tuyên truyền, tư vấn người dân trên địa bàn hiểu rõ về các khái niệm về người nghiện ma túy để họ phòng ngừa và điều trị có hiệu quả. Không kỳ thị, phân biệt đối xử, tích cực tham gia giúp đỡ người cai nghiện bằng nhiều biện pháp, hình thức phù hợp và tùy theo điều kiện khả năng của mỗi người. Tổ chức phong trào sinh hoạt tại cộng đồng và vận động người cai nghiện tham gia các hoạt động như vui chơi, văn hóa, thể thao, các câu lạc bộ của các đoàn thể, câu lạc bộ đồng đẳng. Thường xuyên theo dõi để nhận xét, đánh giá sự chuyển biến của người sau cai nghiện. Giới thiệu những người được giúp đỡ có tiến bộ để chính quyền, đoàn thể xem xét, tham gia làm tuyên truyền viên, cộng tác viên, tình nguyện viên.

Hình thức thông tin tuyên truyền các Đội thường xuyên lồng ghép vào các buổi sinh hoạt của Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân, các ban ngành đoàn thể xã tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức trong Nhân dân về ý thức phòng ngừa và ngăn chặn những hành vi có dấu hiệu tệ nạn mại dâm, ma túy, xâm hại tình dục trẻ em được 914 cuộc có 16.567 lượt người tham dự; phát trực tiếp 1.474 tờ rơi; vận động 09 người nghiện ma túy điều trị thay thế bằng uống thuốc methadone tại điểm Trung tâm y tế thị xã. Phối hợp với Đài Truyền thanh xã tổ chức tuyên truyền 85 cuộc về những mô hình hiệu quả, những tấm gương điển hình về công tác phòng, chống HIV/AIDS, phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm với thời lượng 15 phút/cuộc. Phối hợp với Trạm y tế xã tuyên truyền lồng ghép tác hại của tệ nạn ma túy, mại dâm vào các buổi tuyên truyền bệnh sốt xuất huyết, các bệnh đầu mùa mưa cho các hộ dân trên địa bàn xã được 40 cuộc với 1.296 lượt người dân tham dự. Phối hợp với Ban Giám hiệu trường THCS-THPT trên địa bàn các xã, phường, thị trấn tổ chức 17 cuộc tuyên truyền về phòng chống ma túy trong nhà trường, tổ chức cho học sinh xem phóng sự về tác hại của ma túy, mại dâm,.. với 7.300 lượt học sinh tham dự.

Phối hợp với Công an, Quân sự tuyên truyền bằng loa di động được 69 cuộc có khoảng 2.639 lượt người tham dự. Tổ chức sinh hoạt trong các tổ nhân dân tự quản tuyên truyền về phòng, chống mại dâm, ma tuý, cách phòng ngừa, tố giác tội phạm buôn bán, tàng trữ, sử dụng chất ma tuý; một số kiến thức pháp luật về cai nghiện ma túy cho người nghiện tại gia đình, cộng đồng; tuyên truyền về công tác quản lý sau cai, biện pháp quản lý người sau cai nghiện tại nơi cư trú; tuyên truyền, giáo dục truyền thống văn hóa, đạo đức, lối sống lành mạnh, tác hại của tệ nạn mại dâm; các kiến thức pháp luật về phòng, chống tệ nạn mại dâm, mại dâm trá hình; về biện pháp hỗ trợ người mại dâm, người có nguy cơ cao trong cộng đồng; phòng, chống mua bán người…

Thực hiện lồng ghép công tác phòng chống tệ nạn xã hội với các cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống ở khu dân cư do Mặt trận tổ quốc Việt Nam chủ trì: UBND các xã, phường, thị trấn chỉ đạo các đội cùng tham gia với các đoàn thể gặp gỡ tuyên truyền vận động đối tượng, người thân trong gia đình và cộng đồng khu dân cư để người dân nâng cao nhận thức tác hại của ma túy, tham gia phòng chống có hiệu quả tội phạm tệ nạn xã hộ

Đội tình nguyện chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động và phân công nhiệm vụ cụ thể từng tình nguyện viên phụ trách địa bàn từng ấp, khu phố theo dõi, quản lý và lập danh sách hỗ trợ giúp đỡ người nghiện ma túy và người sau cai nghiện ma túy được tiếp cận các dịch vụ y tế, nguồn vốn, học nghề, việc làm… Các tình nguyện viên thường xuyên tiếp xúc bằng nhiều hình thức đối với người sử dụng ma túy đang được phân công giúp đỡ để tư vấn cách thức giải quyết các khủng hoảng tâm lý, dự phòng tái nghiện; đồng thời, huy động sự giúp đỡ, động viên của gia đình, người thân người sau cai nghiện. Ngoài ra Đội còn rà soát, lập danh sách người sử dụng ma túy, người sau cai nghiện tại địa phương, tìm hiểu quá trình sử dụng ma túy (thời gian, loại ma túy sử dụng, các biện pháp, hình thức điều trị, cai nghiện đã thực hiện), xác định nhu cầu và hoàn cảnh của mỗi người để lên kế hoạch tiếp cận, hỗ trợ, giúp đỡ phù hợp. Kết quả tình nguyện viên đã tiếp cận, giúp đỡ 143 người (trong đó: 49 người có nguy cơ cao sử dụng trái phép chất ma túy; 94 người nghiện ma túy và người sau cai nghiện).

Bên cạnh đó, các Đội tình nguyện đã tích cực tham gia tư vấn, giáo dục, cảm hoá, vận động, hỗ trợ người nghiện ma tuý cai nghiện tái hoà nhập cộng đồng. Phối hợp với các ngành, đoàn thể tiếp cận và giúp đỡ người nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma tuý tại cộng đồng tham gia sinh hoạt, giúp họ xóa bỏ mặc cảm, động viên giúp đỡ nhau, có động lực vươn lên trong cuộc sống, tái hoà nhập cộng đồng, không tái phạm, tái nghiện. Kết nối với chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể như: Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân giới thiệu họ tham gia các chương trình an sinh xã hội và xét hỗ trợ vay vốn, dạy nghề, giới thiệu việc làm, tạo điều kiện thuận lợi cho người không có nguy cơ cao sử dụng trái phép chất ma túy và người sau cai nghiện hoàn lương có việc làm hòa nhập cộng đồng. Kết quả tình nguyện viên đã vận động, khuyến khích, giúp đỡ, hỗ trợ vay vốn cho 04 người sau cai nghiện ma túy trở về cộng đồng; hỗ trợ 06 gia đình đối tượng được vay vốn với số tiền 110.000.000 đồng. Tư vấn, tạo việc làm cho 04 đối tượng có việc làm ổn định sau cai nghiện ma túy trở về cộng đồng.

Các Đội tình nguyện xây dựng Kế hoạch tuyên truyền vận động trực tiếp các đối tượng và gia đình các đối tượng nghiện biết về sự tác hại khi sử dụng ma túy, vận động người nghiện, người sau cai nghiện, người có nguy cơ nghiện không tiếp xúc với ma túy, không để nghiện ma túy, khi có sử dụng ma túy thì vận động đăng ký cai nghiện tự nguyện tại gia đình và cộng đồng, bên cạnh đó thành viên của Đội còn vận động gia đình người thân giúp đỡ con em cai nghiện ma túy. Cụ thể đã đến gặp trực tiếp tuyên truyền vận động giúp đỡ cho 93 đối tượng là người nghiện, người sau cai nghiện, người có nguy cơ nghiện ma túy; phân công cho từng thành viên trong đội tiếp cận những người có nguy cơ nghiện ma túy cao để tuyên truyền, giúp đỡ, hỗ trợ họ phòng ngừa việc sử dụng ma túy trái phép… Ngoài ra, còn phối hợp với các ngành, đoàn thể từ xã tới ấp làm tốt công tác động viên, giúp đỡ đối tượng nghiện sau khi cai nghiện để họ tái hòa nhập cộng đồng trở thành người có ít cho xã hội.

Đội tình nguyện phối hợp công an, quân sự làm tốt công tác tuyên truyền, ngăn chặn, phòng ngừa tệ nạn ma túy, mại dâm, HIV/AIDS, nạn nhân bị mua bán và kìm hãm sự gia tăng về các loại tệ nạn xã hội. Các thành viên Đội thường xuyên nắm bắt tình hình hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm dễ bị lợi dụng thực hiện việc sử dụng ma túy, mua bán dâm trên địa bàn, kịp thời phát hiện tệ nạn ma túy, mại dâm cũng như các biểu hiện không bình thường của các đối tượng nghi vấn, báo cáo cho cơ quan chức năng có thẩm quyền theo dõi và xử lý. Trong năm, các tình nguyện viên đã phát hiện, thu thập, cung cấp 18 vụ việc liên quan đến tội phạm, tệ nạn ma túy, mại dâm và các tệ nạn xã hội khác trên địa bàn dân cư cho cơ quan Công an góp phần ổn định an ninh trật tự, xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh, góp phần làm cho công tác phòng, chống tệ nạn xã hội có chuyển biến rõ rệt.

Trong thời gian tới, các Đội tình nguyện sẽ thường xuyên cũng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Đội công tác xã hội tình nguyện cấp xã. Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục phát động phong trào toàn dân phát hiện người nghiện ma túy, vận động đối tượng nghiện ma túy, gia đình người nghiện tự khai báo và đăng ký hình thức cai nghiện. Tăng cường các hoạt động giúp đỡ, hỗ trợ, quản lý giám sát người bán dâm, người sau cai nghiện, giải quyết tốt các vấn đề xã hội sau cai và chữa bệnh để các đối tượng vi phạm có điều kiện tái hòa nhập cộng đồng. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các Đội tình nguyện xã hội cấp xã trên địa bàn tỉnh 06 tháng, năm; tổng kết, đánh giá, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của Đội. Phát hiện đề xuất xử lý kịp thời các vi phạm về tệ nạn xã hội, góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự xã hội, giữ gìn cuộc sống bình yên trên địa bàn.

Triệu Mạo