Tập trung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật
Thực hiện Quyết định số 1736/QĐ-UBND ngày 08/9/2023 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, hỗ trợ tái hoà nhập cộng đồng cho người sau cai nghiện ma tuý trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, trong quý III/2024, Sở Lao động – TBXH Sơn La đã ban hành 01 Kế hoạch, 03 văn bản triển khai thực hiện tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2024.
Cụ thể, chỉ đạo Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh và các phòng chức năng phối hợp triển khai công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật về phòng, chống và cai nghiện ma túy. Nội dung tập trung vào tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp năm 2013, Bộ Luật hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ Luật tố tụng dân sự, Luật phòng, chống ma túy 2021, Pháp lệnh phòng, chống mại dâm, Luật phòng, chống mua bán người và các Nghị định, thông tư hướng dẫn.
Công tác tuyên truyền, tư vấn cho học viên đang chữa trị, cai nghiện tại Cơ sở Điều trị nghiện ma túy thông qua các hình thức như lên lớp, tư vấn nhóm, tư vấn cá nhân, trình chiếu phóng sự, loa phát thanh với các họat động cụ thể như rèn luyện thể chất kết hợp lao động trị liệu; thực hiện nội quy, quy chế và các văn bản về chính sách pháp luật của Nhà nước; thư viện tổ chức cho viên chức và học viên mượn sách đọc; tổ chức dạy xóa mù chữ cho người cai nghiện ma tuý...
Cục trưởng Cục PCTNXH Đàm Thị Minh Thu thăm CSCNMT Sơn La
Tại các huyện, thành phố, Phòng Lao động - TBXH triển khai các hoạt động truyền thông hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2024 (từ ngày 01/6 đến ngày 30/6 với chủ đề: “Chung tay xây dựng xã, phường, thị trấn sạch ma túy” với nội dung và hình thức đa dạng, phong phú, thu hút sự quan tâm, đề cao vai trò, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cộng đồng, các cấp uỷ Đảng, chính quyền và toàn xã hội trong công tác phòng, chống và cai nghiện ma tuý; tăng cường công tác phối hợp, đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác điều trị cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh; tổ chức các hoạt động tư vấn, dạy nghề, tạo việc làm, quản lý, giúp đỡ hỗ trợ người nghiện ma tuý cai nghiện, người sau cai nghiện tái hoà nhập cộng đồng.
Đồng thời, phát huy vai trò, trách nhiệm các đoàn viên, hội viên các đoàn thể trong công tác tuyên truyền, vận động hỗ trợ người nghiện tái hòa nhập cộng đồng thông qua buổi tuyên truyền, giúp cán bộ, hội viên các tổ chức đoàn thể và người dân trên địa bàn được nâng cao kiến thức, hiểu biết về tác hại của ma túy đối với bản thân, gia đình và xã hội, từ đó người dân có sự chuyển biến về nhận thức và có hành động tự giác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy và tệ nạn ma túy, góp phần xây dựng xã, phường lành mạnh, an toàn.
Phối hợp quản lý, hỗ trợ người sau cai
Theo báo cáo của Sở Lao động - TBXH, tính từ ngày 14/6/2024 đến ngày 12/9/2024, Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh và 02 Điểm vệ tinh đang quản lý, giáo dục, chữa trị, cai nghiện cho 1.799 người nghiện ma túy (trong đó, tự nguyện 13 người, bắt buộc 1.779 người, tạm gửi 4 người...); 228 người cai nghiện ma tuý chấp hành xong Quyết định cai nghiện ma tuý trở về địa phương đều được Công an cấp xã kịp thời tham mưu cho UBND cấp xã ra quyết định quản lý sau cai tại nơi cư trú; các Tổ quản lý, giáo dục, hỗ trợ… có biện pháp hỗ trợ để người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng; đồng thời thực hiện nghiêm các quy trình xét nghiệm chất ma túy định kỳ đối với người đang bị quản lý sau cai nghiện đúng theo quy định tại Chương VI Nghị định số 116/NĐ-CP ngày 21/12/2021 của Chính phủ.
Tuy nhiên công tác quản lý sau cai nghiện ma túy trên địa bàn các huyện, thành phố còn gặp nhiều khó khăn, do người nghiện sau khi hoàn thành thời gian cai nghiện trở về địa phương không thực hiện khai báo với cơ quan công an để lập hồ sơ quản lý, theo dõi, người nghiện thường không có mặt trên địa bàn nơi cư trú, đi làm việc tại các địa phương khác do đó công tác lập hồ sơ theo dõi, quản lý gặp nhiều khó khăn. Người bị quản lý sau cai chưa thật sự nỗ lực để ổn định cuộc sống, chưa dám vay, dám nghĩ, dám làm; nhiều trường hợp vẫn thói quen “cũ” lười lao động… dẫn đến các hoạt động hỗ trợ của các cấp, các ngành triển khai chưa đạt được hiệu quả cao.
Về công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng, Sở Lao động - TBXH thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn UBND xã, phường, thị trấn rà soát kiện toàn, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của "Tổ công tác cai nghiện ma túy của xã" và "Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng"; tích cực triển khai các hoạt động, nâng cao hiệu quả công tác điều trị, cai nghiện ma túy tại gia đình, tại cộng đồng và tư vấn, hỗ trợ người sau cai nghiện trở về nơi cư trú tiếp cận với các dịch vụ y tế, các chương trình học nghề, tạo việc làm, giúp ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng.
Khó khăn nhất hiện nay là công tác cai nghiện tự nguyện tại gia đình và cộng đồng chưa triển khai được do các huyện, thành phố trong tỉnh chưa có tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng theo quy định của Nghị định số 116/NĐ-CP ngày 21/12/2021 của Chính phủ./.
Như Ngọc