CHUYÊN MỤC “HƯỚNG TỚI KỈ NIỆM 25 NĂM THÀNH LẬP CỤC PHÒNG, CHỐNG TỆ NẠN XÃ HỘI” Ngày đăng: 05/11/2018
(BBT) - Nhân dịp kỉ niệm 25 năm thành lập Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (11⁄01⁄1994 - 11⁄01⁄2019), Ban Biên tập Trang thông tin điện tử Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội trân trọng giới thiệu với độc giả một số bài viết về quá trình xây dựng và phát triển của đơn vị.

 

 

 

Bài 2: Những thành quả ban đầu trong giai đoạn từ năm 1994 đến 1999

Cán bộ, công chức, người lao động Cục PCTNXH trong Lễ kỷ niệm 5 năm ngày thành lập (1994-1999) - Ảnh tư liệu

Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, cùng với sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, các tệ nạn xã hội, đặc biệt là ma túy, mại dâm phát triển trên diện rộng và có xu hướng ngày càng phức tạp, gây hậu quả nhiều mặt, ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội và đời sống nhân dân.

Trước tình hình đó, nhằm tăng cường công tác quản lí nhà nước về lĩnh vực phòng, chống ma túy, mại dâm, ngày 11/01/1994, Chính phủ đã ban hành Nghị định 01-CP thành lập Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (PC TNXH) với nhiệm vụ giúp Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện chức năng quản lý nhà nước về phòng chống tệ nạn mại dâm, cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán và phòng, chống HIV/AIDS thuộc phạm vi trách nhiệm của ngành.

Mặc dù mới thành lập, Cục PCTNXH đã khẩn trương tham mưu cho Chính phủ, Bộ xây dựng quan điểm, chính sách, pháp luật, hệ thống giải pháp, biện pháp xây dựng đội ngũ cán bộ PCTNXH các cấp, trong đó, nòng cốt là hệ thống cán bộ chuyên trách PCTNXH, Cơ sở chữa bệnh với những giải pháp kịp thời, góp phần quan trọng đẩy lùi tệ nạn xã hội. Trong đó, phải kể đến việc Cục đã tham mưu trình Ban Bí thư Trung ương ban hành Chỉ thị số 33/CT-TW ngày 01/3/1994 về lãnh đạo công tác PCTNXH mà đến nay, 4 nguyên tắc cơ bản vẫn còn nguyên giá trị: "Điều kiện quyết định để phòng, chống có kết quả các tệ nạn xã hội là đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, phát động được phong trào nhân dân, tăng cường sự quản lý của các cơ quan nhà nước, phát huy vai trò tích cực của các đoàn thể nhân dân dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng trong cả nước."

Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII (1996), với sự chỉ đạo từ Trung ương đến các địa phương, công tác PCTNXH có nhiều chuyển biến quan trọng. Nhận thức của các tầng lớp nhân dân được nâng cao; công tác bổ sung, xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được đẩy mạnh; cơ chế phối hợp liên ngành được hình thành và tổ chức có hiệu quả; công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm... có nhiều đổi mới; quy trình cai nghiện được hình thành và xây dựng xã, phường lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm từng bước đi vào cuộc sống.

  Có thể khắng định, trong giai đoạn này, Cục PCTNXH đã tập trung triển khai Nghị quyết 05/CP, 06/CP (1993) và Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính (1995). Một mặt, hình thành hệ thống chuyên trách phòng, chống tệ nạn xã hội và các Cơ sở chữa bệnh, mặt khác, cụ thể hóa xây dựng các giải pháp, biện pháp phòng, chống tệ nạn xã hội theo Nghị quyết của Chính phủ, tích cực tổng kết thực tiễn để xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực này.

Ngoài việc tham mưu cho Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 1/3/1994, Cục PCTNXH còn tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội – cơ quan thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống tệ nạn xã hội của Chính phủ, chủ trì chương trình phòng chống mại dâm và  hướng dẫn các địa phương thực hiện các giải pháp phòng, chống tệ nạn mại dâm có hiệu quả. Đồng thời, Cục là một trong những đơn vị chủ chốt tham mưu cho Bộ cùng các Bộ, ngành, địa phương trong cả nước ra quân đồng bộ thực hiện tăng cường quản lý các hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa, đẩy mạnh bài trừ một số tệ nạn xã hội nghiêm trọng theo Nghị định 87/CP, Nghị định 88/CP và Chỉ thị 814/TTg.

Ngày 13/4/1996, Chính phủ ban hành Nghị định 20/CP về Quy chế về Cơ sở chữa bệnh theo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 6/7/1995 – đây là kết quả trong gần 3 năm nỗ lực tham mưu của Cục, tạo cơ sở pháp lý, nghiệp vụ quan trọng mở đầu cho các hoạt động cai nghiện, chữa trị cho người nghiện ma túy, người bán dâm.

Về cơ cấu tổ chức, từ khi có Nghị định thành lập Cục PCTNXH, đến cuối năm 1999, cả nước đã thành lập hơn 20 Chi cục/Phòng PCTNXH ở các địa phương trọng điểm. Các tỉnh, thành phố chưa thành lập cơ quan chuyên trách, cán bộ phòng chống tệ nạn xã hội được củng cố, bố trí tại các Phòng Bảo trợ xã hội.

Về công tác điều trị, cai nghiện, lúc đầu chủ yếu cai nghiện ở các Trung tâm bảo trợ xã hội, các cơ sở y tế và gia đình, tới năm 1999, toàn quốc đã có hơn 60 Cơ sở chữa bệnh được thành lập với hơn 1.200 cán bộ, nhân viên, mỗi năm cai nghiện cho hàng chục nghìn người. Trước đó, năm 1995, Cục đã tham mưu tổ chức tổng điều tra người nghiện ma túy trên toàn quốc để có kế hoạch phòng, chống ma túy và cai nghiện phù hợp./.