Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình mục tiêu Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016-2020 Ngày đăng: 03/05/2017
Ngày 25⁄4⁄2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 565⁄QĐ- TTg về Phê duyệt Chương trình mục tiêu Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016-2020 (Chương trình). Theo Quyết định, Thủ tướng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan quản lý Chương trình. Chương trình gồm 4 dự án thành phần, cụ thể: Dự án 1: Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội đối với các đối tượng yếu thế; Dự án 2: Phát triển hệ thống bảo vệ trẻ em; Dự án 3: Hỗ trợ thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới; Dự án 4: Phát triển hệ thống dịch vụ hỗ trợ người cai nghiện ma túy, người bán dâm và nạn nhân bị mua bán.

Mục tiêu chung của Dự án 4 Phát triển hệ thống dịch vụ hỗ trợ người cai nghiện ma túy, người bán dâm và nạn nhân bị mua bán là: Nâng cao hiệu quả cai nghiện ma túy, chuyển đổi nâng cấp hoàn thiện hệ thống cơ sở cai nghiện ma túy, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự, phục vụ công tác cai nghiện phục hồi cho người nghiện ma túy theo quan điểm Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong công tác phòng, chống mại dâm, giảm thiểu tác hại của hoạt động mại dâm đối với xã hội, đảm bảo quyền bình đẳng của người bán dâm trong việc tiếp cận, sử dụng các dịch vụ xã hội, giảm tội phạm liên quan đến mại dâm. Nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về; tạo các điều kiện cho nạn nhân bị mua bán trở về được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, hòa nhập với cộng đồng.

Dự án 4 thực hiện trên phạm vi cả nước, ưu tiên những địa bàn tập trung nhiều đối tượng, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Để thực hiện những mục tiêu, những nội dung chủ yếu được đưa ra như:

- Về  hỗ trợ cai nghiện ma túy:

+ Nghiên cứu, xây dựng cơ chế vận hành kỹ thuật mới đối với các loại hình cơ sở cai nghiện ma túy, điểm tư vấn chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy theo Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy;

+ Rà soát, đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng các Cơ sở cai nghiện ma túy đã được phê duyệt đầu tư nhưng chưa hoàn thiện; những cơ sở cai nghiện bị xuống cấp; những cơ sở cai nghiện thực hiện chuyển đổi theo Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 26/12/2014 và các điểm tư vấn chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy theo Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy; bổ sung cơ sở vật chất để thực hiện điều trị methadone tại các Cơ sở cai nghiện theo Nghị quyết số 51/NQ-CP ngày 02/7/2015 của Chính phủ;

+ Đầu tư mua sắm trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác cai nghiện ma túy tại các Cơ sở cai nghiện và các điểm tư vấn chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy theo Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy;

+ Nghiên cứu đặc điểm tâm sinh lý của từng nhóm người nghiện ma túy ở Việt Nam; nghiên cứu, thí điểm áp dụng các mô hình cai nghiện có hiệu quả trên thế giới (ưu tiên các nước trong khu vực có nhiều nét tương đồng); xây dựng và tổ chức thực hiện thí điểm các mô hình cai nghiện phục hồi phù hợp với đặc điểm kinh tế, xã hội các vùng miền; sơ kết, tổng kết và nhân rộng mô hình cai nghiện, Đội công tác xã hội tình nguyện có hiệu quả;

+ Nghiên cứu, xây dựng chương trình học nghề đặc thù cho người nghiện ma túy; tổ chức triển khai thí điểm dạy nghề và đúc rút kinh nghiệm, nhân rộng mô hình;

+ Xây dựng các kỹ năng lập kế hoạch sản xuất kinh doanh, hướng dẫn người nghiện ma túy tìm việc làm; xây dựng các chương trình kết nối giới thiệu việc làm cho người nghiện ma túy, người sau cai nghiện;

+ Xây dựng dự án ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý công tác cai nghiện ma túy (xây dựng cơ sở dữ liệu; hệ thống thông tin quản lý; dịch vụ công trực tuyến; đào tạo về tư vấn, điều trị, cai nghiện trực tuyến...);

+ Tổ chức tuyên truyền các mô hình xã, phường làm tốt công tác cai nghiện; các điển hình cai nghiện thành công; Đội công tác xã hội tình nguyện, tình nguyện viên, các cá nhân, tổ chức xã hội giúp đỡ người nghiện ma túy, người sau cai nghiện hòa nhập cộng đồng.

-  Về phòng, chống mại dâm:

+ Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao nhận thức về phòng, chống mại dâm:

Tăng cường công tác phòng ngừa thông qua các hoạt động tuyên truyền trực tiếp tại cộng đồng, tập trung ở các khu vực miền núi, các địa phương nghèo, địa phương có người nhiều người di cư để hạn chế phát sinh mới số người tham gia mại dâm: xây dựng bộ công cụ truyền thông, tài liệu tập huấn cho đội ngũ giảng viên, báo cáo viên (sách mỏng, tờ rơi, tranh áp phích, sổ tay cho tuyên truyền viên, lịch và các phóng sự, phim…) về phòng, chống mại dâm; hành vi tình dục lành mạnh, an toàn; thực hiện chiến lược truyền thông thay đổi hành vi tại cộng đồng trên phạm vi toàn quốc, ưu tiên triển khai tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trọng điểm; tập huấn nâng cao năng lực cho mạng lưới báo cáo viên, tuyên truyền viên, tình nguyện viên, cộng tác viên tại địa phương để thực hiện tốt công tác tuyên truyền và hướng dẫn cộng đồng về phòng ngừa mại dâm; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền tại cộng đồng thông qua các buổi thảo luận nhóm, tư vấn hỗ trợ cá nhân trực tiếp hoặc gián tiếp; các hoạt động tuyên truyền mang tính tương tác cao tại các khu công nghiệp, trường học...; chú trọng nhóm có nguy cơ cao (học sinh, sinh viên, người lao động chưa có việc làm, nữ thanh, thiếu niên, người lao động nhập cư tại các khu công nghiệp..đặc biệt là nhóm lao động di cư, tìm việc làm tại nơi khác) nhằm bảo đảm việc di cư lao động an toàn, phù hợp với khả năng, điều kiện của họ;

Nâng cao hiệu quả công tác thông tin, truyền thông phòng, chống mại dâm thông qua các phương tiện thông tin đại chúng: xây dựng và thực hiện các chiến lược truyền thông về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác phòng, chống mại dâm; giảm kỳ thị, phân biệt đối xử của cộng đồng đối với người bán dâm; xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, các tiểu phẩm, ký sự, bài viết và tăng thời lượng phát sóng, đưa tin về tình hình tệ nạn mại dâm, công tác phòng, chống mại dâm trên các phương tiện truyền thông, báo chí Trung ương và địa phương;

+ Đẩy mạnh thực hiện các hoạt động phòng ngừa mại dâm thông qua lồng ghép các chương trình kinh tế - xã hội tại địa bàn cơ sở:

Tổ chức rà soát, đánh giá về nhóm người có nguy cơ cao (thanh niên chưa có nghề nghiệp, chưa có việc làm....) và các chương trình an sinh xã hội, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương để hướng mục tiêu của các chương trình đến các nhóm đối tượng này;

Xây dựng các hoạt động lồng ghép cho nhóm phụ nữ có nhu cầu tìm kiếm việc làm trong các chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn, chương trình việc làm, hỗ trợ vay vốn, chương trình giảm nghèo... nhằm cung cấp cho họ các cơ hội lựa chọn công việc phù hợp;

Xây dựng các kế hoạch lồng ghép việc thực hiện các chương trình an sinh xã hội tại địa phương với nhiệm vụ phòng, chống mại dâm.

+ Xây dựng, triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại về HIV/AIDS, phòng ngừa, giảm tình trạng bạo lực trên cơ sở giới trong phòng, chống mại dâm.

Triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại về HIV/AIDS, phòng ngừa, giảm tình trạng bạo lực trên cơ sở giới: đánh giá, tài liệu hóa một số mô hình thí điểm có hiệu quả trong việc cung cấp dịch vụ hỗ trợ giảm hại, chăm sóc sức khỏe sinh sản tại một số địa phương để xây dựng tài liệu hướng dẫn triển khai thực hiện; tổ chức các khóa đào tạo, nâng cao năng lực về hỗ trợ giảm hại, hòa nhập cộng đồng cho cơ quan chuyên trách phòng, chống tệ nạn xã hội cấp tỉnh và cán bộ trực tiếp tham gia làm công tác phòng, chống mại dâm và cán bộ trực tiếp tham gia công tác cung cấp, hỗ trợ dịch vụ cho người bán dâm; đào tạo, nâng cao năng lực cho Đội công tác xã hội tình nguyện cấp xã trong việc tuyên truyền, vận động, tư vấn, hỗ trợ người mại dâm tại cộng đồng. Xây dựng, thử nghiệm quy trình hỗ trợ và gói dịch vụ hỗ trợ xã hội đối với người bán dâm tại cộng đồng. Xây dựng cơ chế huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội, các tổ chức phi Chính phủ, tổ chức dựa vào cộng đồng (CBOs), các câu lạc bộ, nhóm tự lực, nhóm đồng đẳng tham gia các hoạt động phòng ngừa, giảm hại, giảm phân biệt đối xử, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm;

+ Xây dựng thử nghiệm 03 mô hình: (1) Mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người bán dâm tại cộng đồng, Trung tâm công tác xã hội; (2) Mô hình hỗ trợ nhằm bảo đảm quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm; (3) Mô hình hỗ trợ tăng cường năng lực của các nhóm đồng đẳng/nhóm tự lực/câu lạc bộ của người bán dâm trong việc tiếp cận, truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới.

- Về hỗ trợ nạn nhân bị mua bán:

+ Nghiên cứu hình thành mạng lưới hỗ trợ nạn nhân; xây dựng, chuẩn hóa hệ thống dịch vụ hỗ trợ nạn nhân tại các cơ sở bảo trợ, cơ sở hỗ trợ nạn nhân và tại cộng đồng;

+ Thực hiện quy trình chuẩn về hỗ trợ nạn nhân tại các cơ sở bảo trợ, cơ sở hỗ trợ nạn nhân và tại cộng đồng theo quy định pháp luật, đảm bảo theo hướng bình đẳng giới, chú ý nhu cầu và đặc điểm của các nhóm đối tượng khác nhau, đặc biệt là trẻ em;

+ Tổ chức tập huấn, đào tạo, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm,... nhằm nâng cao năng lực cho các cán bộ ngành Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan ban ngành liên quan để thực hiện tốt quy trình hỗ trợ nạn nhân hòa nhập cộng đồng;

+ Đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, nguồn lực phục vụ công tác hỗ trợ nạn nhân tại các cơ sở hỗ trợ nạn nhân, cơ sở bảo trợ;

+ Đánh giá, rút kinh nghiệm và nhân rộng các mô hình hỗ trợ nạn nhân thành công tại cộng đồng; khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia vào công tác hỗ trợ nạn nhân;

+ Tổ chức giám sát, đánh giá việc thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân: Điều tra khảo sát, rà soát, thống kê nạn nhân bị mua bán trở về. Đánh giá, rút kinh nghiệm việc thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân. Tổng kết, đánh giá việc thực hiện Đề án và xây dựng các hoạt động cho giai đoạn tiếp theo./.

                                                                                                             TM