Sau cai nghiện trở thành tình nguyện viên Đội công tác xã hội tình nguyện Ngày đăng: 25/04/2017
Anh Tống Duy Thanh, sinh năm 1960, tại Hậu Lộc, Thanh Hóa và thời nhỏ, sống cùng với bố mẹ tại đây. Năm 1983, anh tham gia quân ngũ, đơn vị đóng tại tỉnh Hoàng Liên Sơn (cũ). Đến năm 1987, anh được xuất ngũ và xây dựng gia đình tại thị trấn Mường Khương, tỉnh Lào Cai.

Thời gian sinh sống và làm ăn tại thị trấn Mường Khương, vì muốn có thêm thu nhập, nâng cao đời sống cho gia đình, anh theo bạn bè đi đào vàng tại Thái Nguyên. Nhưng  kinh tế đâu chưa thấy, thì năm 1990 anh đã dính vào ma túy và nghiện lúc nào không biết. Thời gian đầu, anh hút một ngày ba lần, sau đó tăng dần ngày càng hút nhiều hơn. Để có tiền thỏa mãn cơn nghiện, anh tham gia buôn bán chất gây nghiện. Nhưng rồi tiền lãi được từ việc buôn bán ma túy cũng không đủ trang trải tiền thuốc. Suốt ngày anh chỉ xoay sở làm sao có tiền để mua thuốc thỏa mãn cơn nghiện, không lo làm ăn, kinh tế gia đình ngày càng khó khăn, vợ chồng mất đoàn kết, cãi nhau liên tục.

Năm 1993 được gia đình và chính quyền vận động, anh cai nghiện trong thời gian 6 tháng. Nhưng sau đó, do bạn bè rủ rê, lôi kéo, bản thân chưa đủ quyết tâm nên anh tái sử dụng ma túy.

Đến năm 1997, anh đi cai nghiện tập trung tại Trung tâm Giáo dục Lao động xã hội Tỉnh Lào Cai với thời gian 1 năm. Khi trở về địa phương được 6 tháng anh lại tái nghiện. Tháng 8/2010, anh lại tiếp tục đi cai nghiện lần thứ 3 tại Trung tâm Giáo dục Lao động xã hội Tỉnh Lào Cai thời gian cũng với thời gian 1 năm. Sau 3 lần cai nghiện, được tham gia học tập về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; được tư vấn, động viên và bản thân đã trải qua những khó khăn, mặc cảm, sự vật vã khi cắt cơn, anh đã nhận ra rằng nghiện hút chỉ càng làm cho bản thân mình tiều tụy, sức khỏe suy sụp, gia đình lụy bại, vợ chồng mất đoàn kết, bố con ly tán, anh em bất hòa và làm ảnh hưởng xấu tới xã hội. Từ đó, anh xác định hãy bằng mọi giá phải từ bỏ con đường nghiện hút để trở thành người có ích cho gia đình và xã hội, có niềm tin cho bạn bè.

Từ sự quyết tâm đó, thời gian ở Trung tâm, anh luôn chấp hành đúng nội quy, quy định; tích cực tham gia lao động, thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe; tìm hiểu, học tập về các phương pháp, kỹ năng để trống tái nghiện. Khi trở về địa phương, anh đã luôn tự nguyện, tích cực tham gia vào các hoạt động của thôn, xóm, tổ dân phố. Cụ thể là phối hợp với các đoàn thể trong thôn, Mặt trận tổ quốc, phụ nữ, chi bộ thôn tích cực tham gia công tác hòa giải, công tác phòng, chống mại dâm, mua bán người đặc biệt là vận động người nghiện ma túy đi cai nghiện. Phối hợp cùng nhà trường, các cô giáo tuyên truyền vận động các hộ gia đình có con em thường xuyên bỏ học tham gia đi học đầy đủ chuyên cần, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh .

Với những hoạt động thiết thực đó, anh đã được bà con hàng xóm, các đoàn thể, chính quyền địa phương tin tưởng. Minh chứng là tháng 2/2015, anh được UBND thị trấn vận động tham gia vào Đội công tác xã hội tình nguyện của thị trấn với chức danh đội phó

Với cương vị Đội phó Đội tình nguyện, anh luôn gương mẫu, tích cực chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động của đội, phân công cụ thể thành viên trong đội phụ trách các thôn. Ngoài thường xuyên tổ chức tuyên truyền về chủ trương chính sách Đảng và nhà nước, chia sẻ thông tin kinh nghiệm về quá trình cai nghiện và làm sao để không tái nghiện, anh cùng các tình nguyện viên trong Đội còn theo sát từng đối tượng và những gia đình trước đó đã tham gia buôn bán nhỏ lẻ chất ma túy, vận động họ không buôn bán chuyển đổi nghề kiếm sống. Thường xuyên theo dõi, quản lý chặt chẽ đối tượng nghiện ma túy; định kỳ gặp gỡ tư vấn một tháng/2 lần đối với người có nguy cơ cao và 1 tháng/4 lần đối với người nghiện. Nhờ đó, đến nay, anh và Đội tình nguyện đã 10 người sau cai nghiện ổn định sức khỏe, có việc làm và thu nhập từ nghề nghề cắt tóc, thợ xây, bảo vệ...., cuộc sống của họ ngày càng ổn định.

Không chỉ vậy, anh còn thường xuyên họp giao ban, gặp gỡ, trao đổi với các Trưởng thôn, Chi hội phụ nữ, mặt trận thôn , đặc biệt là các thôn giáp biên giới để phòng chống tệ nạn mua bán chất ma túy, mua bán người qua Trung Quốc, nắm tin tức tại cơ sở, kịp thời báo cáo cho cấp ủy chính quyền thị trấn, công an thị trấn có biện pháp ngăn chặn, đảm bảo giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới.   

Đến đầu năm 2016, anh tiếp tục được chính quyền địa phương tín nhiệm giữ chức Phó ban bảo vệ dân phố, thành lập đội tự quản thôn, xóm, tổ chức an ninh chợ đêm.

Từ kinh nghiệm của bản thân, anh cho biết, để cai nghiện thành công, ngoài sự quyết tâm của bản thân, rất cần có sự hỗ trợ từ người thân trong gia đình, bạn bè, hàng xóm, các tổ chức đoàn thể và chính quyền địa phương. Làm sao để người nghiện cảm thấy luôn được thương yêu, giúp đỡ, không bị xa lánh, kỳ thị. Có như vậy, người nghiện mới có đủ nghị lực để vượt qua sự cám dỗ của ma túy, hòa nhập cộng đồng bền vững./.

Kim Lụa