Cần tháo gỡ vướng mắc về pháp luật đối với công tác cai nghiện ma túy hiện nay Ngày đăng: 19/04/2017
Hiện nay các văn bản hướng dẫn về công tác cai nghiện ma tuý đã được Quốc hội, Chính phủ ban hành khá đầy đủ, tuy nhiên vẫn còn những nội dung chưa được thống nhất, còn bất cập dẫn đến khó khăn trong việc thực hiện ở các địa phương.

Đến cuối năm 2016, theo báo cáo của Sở Lao động- Thương binh và Xã hội 63 tỉnh thành phố, trong 3 năm 2014-2016, cả nước đã tổ chức cai nghiện cho 66.552 lượt học viên (Cơ sở công lập: 42.502 lượt học viên, cơ sở ngoài công lập: 11.240 lượt học viên, quản lý sau cai 12.810 lượt học viên), trong đó: Cai nghiện bắt buộc theo quyết định của Tòa án trong 3 năm đã tiếp nhận cai cho 28.340 học viên, tăng dần qua các năm: năm 2014: 6.373 học viên; năm 2015: 5.253 học viên; năm 2016: 16.714 học viên; Cai nghiện tự nguyện cho 14.162 học viên, cụ thể, năm 2014: 3.105 học viên; năm 2015: 7.587 học viên; năm 2016: 3.470 học viên.

Điều trị thay thế bằng thuốc Methadone trong cơ sở cai nghiện ma túy: năm 2014 điều trị cho 1.039 học viên; năm 2015 điều trị cho 1.434 học viên; năm 2016 điều trị cho 2.434 học viên. Tại thời điểm cuối năm 2016, các cơ sở công lập đang điều trị, cai nghiện cho 22.618 người, chiếm 10,7% tổng số người nghiện có hồ sơ quản lý.

Quản lý sau cai nghiện: Tại cơ sở quản lý sau cai: tổng số người được quản lý sau cai là 12.810; số người sau cai trong các cơ sở giảm do các tỉnh, thành phố không thực hiện quản lý sau cai theo Nghị định số 94/2009/NĐ-CP (năm 2014: 5.605 người; năm 2015: 4.262 người; năm 2016: 2.943 người). Tại nơi cư trú: số người có danh sách quản lý sau cai tại nơi cư trú tăng do chuyển từ cơ sở cai nghiện về nơi (năm 2014: 14.799 người; năm 2015: 18.200 người; năm 2016: 21.937 người).

Năm 2016, Chính phủ đã ban hành 3 Nghị định liên quan đến lĩnh vực cai nghiện ma tuý nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác cai nghiện tại địa phương, rút ngắn thời gian, đơn giản hoá thủ tục lập hồ sơ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; quy định cụ thể việc chấm dứt giáo dục tại xã, phường; giảm thủ tục, điều kiện thành lập cơ sở điều trị, cơ sở cấp phát thuốc methadone; giảm thủ tục hành chính trong đăng ký điều trị methadone. Đó là: Nghị định số 136/2016/NĐ-CP ngày 9/9/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 221/2013/NĐ-CP ngày 30/12/2013 quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; Nghị định số 56/2016/NĐ-CP ngày 29/6/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30/9/2013 quy định chế độ áp dụng biện pháp xử ký hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn; Nghị định số 90/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế (thay thế Nghị định số 96/2012/NĐ-CP). 

Trong 3 năm qua, mặc dù đã đạt được những kết qủa nhất định, số người nghiện được điều trị, cai nghiện tăng nhưng công tác cai nghiện vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc về văn bản quy phạm pháp luật.  Quy định tại các văn bản chưa đồng bộ, thống nhất, cơ quan thi hành pháp luật ở địa phương có cách giải thích khác nhau đó cũng là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng các cơ sở cai nghiện ma túy trong thời gian qua nơi thì quá tải, nơi thì không đưa được người nghiện vào chữa trị, cai nghiện. Ở một số Trung tâm do chính quyền các cấp muốn làm sạch địa bàn đã thực hiện đơn giản hóa thủ tục lập hồ sơ để đưa được nhiều người vào cơ sở cai nghiện dẫn đến quá tải, người nghiện bức xúc, gây rối, khống chế lực lượng bảo vệ, bỏ trốn gây mất an ninh trật tự xã hội.

Cụ thể, về Luật Phòng chống ma túy năm 2000; sửa đổi và bổ sung năm 2008 quy định: Người nghiện ma tuý từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi đã được giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đã cai nghiện tại gia đình cộng đồng mà vẫn còn nghiện thì được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và không coi là biện pháp xử lý hành chính. Trong khi Luật Xử lý vi phạm hành chính (năm 2012) chỉ quy định đưa vào Trung tâm cai nghiện bắt buộc cho người nghiện đủ 18 tuổi trở lên. Do vậy, có áp dụng biện pháp đưa người dưới 18 tuổi đến đủ 12 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc nữa hay không đến nay còn có ý khiến khác nhau giữa các cơ quan gây khó khăn cho địa phương. Luật Xử lý vi phạm hành chính Điều 131 quy định giao cho gia đình hoặc tổ chức xã hội quản lý người có hành vi vi phạm trong thời gian làm các thủ tục đưa vào Cơ sở cai nghiện bắt buộc. Quy định này là không phù hợp nên từ khi ban hành đến nay chưa trường hợp nào thực hiện được. Bên cạnh đó, Luật Phòng, chống ma tuý quy định áp dụng biện pháp quản lý sau cai đối với người chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, tuy nhiên, Luật Xử lý vi phạm hành chính không quy định vấn đề này, do vậy sau khi người nghiện hết thời gian chữa trị tại Trung tâm nên có địa phương thực hiện, có địa phương không thực hiện dẫn đến lung túng, không thống nhất trong tổ chức thực hiện.

Về việc xác định người không nơi cư trú ổn định, bàn giao người về nơi cư trú để lập hồ sơ và quản lý người trong thời gian xác định nơi cư trú: theo Nghị định số 56/2016/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 111 quy định “người không có nơi cư trú ổn định là người không xác định được nơi đăng ký thường trú, nơi đăng ký tạm trú  mà thường xuyên đi lang thang không có nơi ở cố định hoặc xác định được nơi thường trú, nơi tạm trú nhưng không ở đó mà thường xuyên đi lang thang không có nơi ở cố định”. Trong khi không có tiêu chí cụ thể thế nào là thường xuyên đi lang thang dẫn đến cách hiểu và vận dụng pháp luật khác nhau ở các địa phương, do đó mỗi địa phương đưa ra các tiêu chí khác nhau thiếu tính thống nhất trong quá trình tổ chức thực hiện. Nghị định số 221/2013/NĐ-CP quy định: trường hợp người vi phạm có nơi cư trú không thuộc xã, phường, thị trấn nơi xảy ra vi phạm thì bàn giao người và biên bản vi phạm cho cơ quan Công an cấp xã nơi người vi phạm cư trú để tiến hành lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Tuy nhiên, Nghị định chưa quy định hình thức chuyển, trách nhiệm của các bên liên quan trong việc chuyển người vi phạm.

Theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, cơ quan xử lý hành chính phải có căn cứ, tài liệu và có trách nhiệm chứng minh tình trạng nghiện ma túy của người bị đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Tuy nhiên, thực tế việc xác định tình trạng nghiện vẫn gặp rất nhiều khó khăn: Số chất ma túy được quy định trong Nghị định 82/NĐ-CP của Chính phủ là hơn (250 chất) trong khi quy định của Thông tư 17 chỉ quy định tiêu chuẩn xác định nghiện chất dạng opiat và Amphetamine; quy trình xác định nghiện ma túy quy định tại Thông tư 17, trong đó cần có thời gian để xác định nghiện 48 giờ đối với người xác định nghiện OPIAT và 72 giờ đối với người xác định nghiện ATS trong khi không có quy định tạm giữ người trong thời gian chờ xác định tình trạng nghiện. Vì vậy, những quy định này không phù hợp với thực tiễn. Đặc biệt đối với những loại ma túy mới đang được người nghiện sử dụng hiện nay như ma túy đá, cỏ Mỹ, lá Khát, tem giấy, bùa lưỡi  v.v. Theo Bộ Y tế, hiện nay chưa có tiêu chí xác định tình trạng nghiện cũng như chưa có phác đồ điều trị nghiện ma túy tổng hợp.

Do đó, trong thời gian tới, việc hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực cai nghiện ma tuý là rất quan trọng, đặc biệt là các Bộ, ngành cần nghiên cứu đề xuất Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số Luật liên quan đến công tác cai nghiện ma túy, hướng tới quan điểm coi nghiện ma túy là bệnh mãn tính do rối loạn não bộ, người nghiện ma túy là người bệnh, điều trị nghiện là quá trình lâu dài, bao gồm tổng thể các can thiệp về y tế, tâm lý, xã hội. Theo đó cần khẩn trương xây dựng Nghị định cai nghiện tự nguyện, mở rộng việc cai nghiện theo hình thức tự nguyện, cung cấp dịch vụ cho người nghiện, tạo tâm lý thoải mái để người nghiện xóa bỏ mặc cảm hòa nhập cộng đồng. Tăng số người điều trị, cai nghiện tự nguyện, giảm số điều trị, cai nghiện bắt buộc, phấn đấu đến năm 2020 cai nghiện bắt buộc còn 6% tổng số người nghiện có hồ sơ quản lý. Cụ thể, đối với Luật Phòng, chống ma tuý bổ sung Chương can thiệp dự phòng nghiện ma tuý; bỏ việc đưa người nghiện tư đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; bỏ biện pháp quản lý sau cai đối với người đã hết thời gian chấp hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Đối với Luật Xử lý vi phạm hành chính đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định xử lý người nghiện ma túy theo hướng xử lý hành vi sử dụng ma túy; đối với những người cố tình sử dụng ma túy, vi phạm pháp luật phải áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; đề xuất sửa đổi Điều 131 theo hướng giao người nghiện không có nơi cư trú ổn định cho cơ sở xã hội quản lý trong thời gian làm thủ tục xem xét đưa vào Cơ sở cai nghiện bắt buộc./.

                                                                                                                                                                             Cao Nhất Phiến