Thành phố Hồ Chí Minh với công tác giúp đỡ, hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng Ngày đăng: 26/01/2016
Tính đến tháng 12.2015, trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã có 2.840 người trên tổng số 4.394 người sau cai nghiện có việc làm, chiếm tỷ lệ 64,63%. Có được kết quả trên là do có sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp dồng bộ của các ban ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể địa phương trong công tác quản lý, tư vấn, hỗ trợ người sau cai nghiện.

Hàng năm, các Sở, ban ngành đoàn thể thành phố, UBND các quận, huyện, phường, xã, thị trấn đều xây dựng các kế hoạch triển khai thực hiện công tác này bằng nhiều hình thức như: tuyên truyền diện rộng, nói chuyện chuyên đề, tổ chức tọa đàm, hội thảo, hội diễn, hội thi, sáng tác tiểu phẩm… nhằm đạt mục tiêu đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong việc thực hiện quản lý, giúp đỡ người nghiện ma túy cai nghiện và người sau cai nghiện hòa nhập cộng đồng.

Với vai trò là cơ quan tham mưu thường trực, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an thành phố đã chủ động đề xuất nội dung phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác quản lý, tiếp cận, tư vấn, giáo dục, cảm hóa người sau cai nghiện hòa nhập cộng đồng với các mô hình phối hợp như “5+1”, nhóm tự quản, mô hình hỗ trợ có sự tham gia của cộng đồng… Qua đó có sự phân công trong công tác phối hợp như: Công an, ngành Lao động, chính quyền cơ sở chịu trách nhiệm về công tác quản lý đối tượng; UBMTTQ và các đoàn thể, Đội công tác xã hội tình nguyện chịu trách nhiệm thực hiện công tác tiếp cận, tư vấn, giáo dục và đề xuất hỗ trợ từng trường hợp theo kế hoạch phân công của từng địa phương.

Đa số các thành viên của các đoàn thể từ phường, xã thị trấn đến khu phố, ấp và Đội công tác xã hội tình nguyện đều thể hiện tinh thần trách nhiệm, kịp thời nắm thông tin và phản ánh với UBND, Công an phường, xã, thị trấn về các đối tượng có biểu hiện không tốt, có chiều hướng tái nghiện hoặc có nguy cơ phạm pháp để có biện pháp xử lý kịp thời hoặc tư vấn các giải pháp hỗ trợ, điều trị…

Từ năm 2009 đến nay, các địa phương đã tổ chức được 161 câu lạc bộ tập hợp 944 người sau cai nghiện và người tái hòa nhập cộng đồng tham gia tạo sân chơi lành mạnh, giúp người sau cai nghiện có nơi sinh hoạt tốt, trao đổi kinh nghiệm phòng chống tái nghiện, hoạt động thể dục thể thao, giao lưu giải trí. Thông qua hoạt động của các câu lạc bộ, đội, nhóm đã có nhiều hoạt động hỗ trợ, tư vấn về tâm lý, sức khỏe, việc làm, các nhu cầu cần thiết khác... tạo cơ hội và điều kiện cho người sau cai nghiện hòa nhập vào cộng đồng, hạn chế thấp nhất và từng bước xóa bỏ sự kỳ thị của cộng đồng đối với người sau cai nghiện, giúp họ phấn đấu hoàn thiện nhân cách để hòa nhập vào cộng đồng một cách bền vững.

Ngoài ra, chính quyền địa phương trợ vốn tạo việc làm cho 171 trường hợp với số tiền là 1 tỷ 731 triệu đồng. Tư vấn, hướng dẫn làm thủ tục tham gia chương trình điều trị nghiện thay thế bằng Methadone cho 2.864 người (75% trong số này là người sau cai nghiện). Trong các dịp lễ, tết hàng năm, các cấp chính quyền đều có kế hoạch đi thăm, tặng quà cho các học viên tại các trường, trung tâm và người sau cai nghiện tại cộng đồng có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt. Tổng số tiền, quà đi thăm trị giá trên 2 tỷ đồng/năm.

Ngoài các hỗ trợ trên, một số quận, huyện còn thực hiện việc hỗ trợ, cho vay vốn giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện từ Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng nhằm tạo mọi điều kiện giúp đỡ người sau cai có việc làm ổn định, hòa nhập tốt vào cộng đồng. Kết quả từ năm 2009 đến nay đã có hơn 1.800 người được địa phương cấp Giấy chứng nhận đã hoàn thành thời gian quản lý sau cai nghiện.

Bích Lụa