Tập trung, chủ động hoàn thành các nhiệm vụ được Chính phủ và Bộ giao Ngày đăng: 24/03/2017
Ngày 23⁄3⁄2017, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung chủ trì buổi làm việc với Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội về các nhiệm vụ trọng tâm và kế hoạch công tác năm 2017 của Cục. Tham dự buổi làm việc có Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm, đại diện lãnh đạo Vụ Khoa giáo- Văn xã (VPCP), đại diện lãnh đạo một đơn vị có liên quan trong Bộ và tập thể lãnh đạo Cục, lãnh đạo các đơn vị thuộc Cục.

Đồng chí Nguyễn Xuân Lập- Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội đã báo cáo kết quả công tác quý I và nhiệm vụ trọng tâm của Cục trong năm 2017. Cụ thể: Cục đang triển khai xây dựng đề xuất Dự án luật về phòng, chống mại dâm; Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác cai nghiện ma túy trong tình hình mới; Nghị định quy định về cai nghiện ma túy tự nguyện; Thông tư hướng dẫn Nghị định quy định về cai nghiện ma túy tự nguyện; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định và hướng dẫn nội dung hoạt động, phân loại, đánh giá công tác xây dựng xã, phường, thị trấn làm tốt công tác phòng, chống tệ nạn xã hội (thay thế NQLT 01/2005); phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao xây dựng Thông tư hướng dẫn quản lý người nghiện ma túy được tạm miễn, tạm hoãn, tạm đình chỉ quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và tiêu chí xác định thời gian áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc; Đề án phối hợp truyền thông giữa Ủy ban quốc gia với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và Thông Tấn Xã Việt Nam. Xây dựng và thực hiện thí điểm 3 mô hình theo Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016-2020. Phát triển và nâng cao năng lực Đội công tác xã hội tình nguyện để tập trung hỗ trợ giúp đỡ người bán dâm và người nghiện ma túy. Triển khai xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật, khung đơn giá dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực Phòng, chống tệ nạn xã hội theo quy định tại Quyết định số 1508/QĐ-TTg ngày 27/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục dịch vụ đơn vị sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Tiếp tục thực hiện các chương trình, kế hoạch, các mô hình thí điểm hiệu quả trong công tác cai nghiện phục hồi. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác cai nghiện ma túy. Phối hợp với Bộ Y tế ban hành các hướng dẫn về điều trị các rối loạn tâm thần do sử dụng, lạm dụng và nghiện ma túy tổng hợp và tổ chức tập huấn cho cán bộ làm công tác điều trị tại các cơ sở cai nghiện ma túy. Rà soát số nạn nhân bị mua bán và các đối tượng khác có liên quan giai đoạn 2011-2015 để đề xuất phương hướng nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ nạn nhân. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế chuyển tuyến nạn nhân bị mua bán và thực hiện quy trình về hỗ trợ nạn nhân hòa nhập cộng đồng, đặc biệt đối với nạn nhân là trẻ em. Mở rộng hợp tác quốc tế trong hoạt động nghiên cứu, trao đổi thông tin, đặc biệt trong việc trao đổi thông tin về nạn nhân ở các tỉnh khu vực biên giới. Triển khai, thực hiện lồng ghép việc tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân trở về với các chương trình kinh tế - xã hội như: chương trình phòng chống tội phạm, chương trình phòng chống tệ nạn mại dâm, chương trình xoá đói giảm nghèo, chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn.

Cục trưởng Cục PCTNXH Nguyễn Xuân Lập báo cáo kết quả công tác quý I và nhiệm vụ trọng tâm năm 2017

Tại buổi làm việc, Cục trưởng Nguyễn Xuân Lập cũng trình bày những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai công tác. Cụ thể là:

Về công tác phòng, chống mại dâm: Quan điểm, nhận thức về thực trạng tệ nạn mại dâm và công tác đấu tranh phòng, chống mại dâm của một số cán bộ, lãnh đạo địa phương còn chưa thống nhất, dẫn đến việc chỉ đạo, triển khai tại địa phương không đồng bộ. Hệ thống pháp luật, chính sách phòng, chống mại dâm đã ban hành gần 15 năm nên nhiều điểm  không còn phù hợp với thực tiễn, chưa đáp ứng yêu cầu đấu tranh, phòng, chống mại dâm trong tình hình mới. Nhiều địa phương, chính quyền chưa chỉ đạo quyết liệt dẫn đến tình trạng tồn tại các tụ điểm, ổ nhóm tội phạm có tổ chức hoạt động mại dâm thách thức dư luận; thiếu sự phối hợp liên ngành giữa các cơ quan liên quan. Lực lượng cán bộ làm công tác phòng, chống mại dâm còn thiếu về số lượng và kỹ năng, kinh nghiệm và hầu hết phải kiêm nhiệm.

Về công tác phòng, chống ma túy: một số quy định trong Luật xử lý vi phạm hành chính, Luật phòng, chống ma túy hiện nay không còn phù hợp: quy định đưa vào Trung tâm không coi là xử lý vi phạm hành chính đối với người nghiện từ 12 đến dưới 18; Điều 131 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định giao cho gia đình, tổ chức quản lý người đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong thời gian làm thủ tục khó áp dụng vào thực tế. Quy định người nghiện bị áp dụng biện pháp đưa vào Cơ sở cai nghiện bắt buộc thông qua Quyết định của Tòa án cấp huyện dẫn đến trình tự và thủ tục phức tạp hơn. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng chỉ mới có hướng dẫn xác định nghiện ma túy nhóm Opiat, còn ma túy tổng hợp hiện không xác định được tình trạng nghiện dẫn đến rất khó khăn trong quá trình thực hiện. Quy định về quản lý sau cai trong Luật phòng, chống ma túy hiện nay không còn phù hợp… Thời gian gần đây đã xuất hiện nhiều chất ma túy mới gây khó khăn cho công tác xác định tình trạng nghiện và phương pháp cai nghiện. Cơ sở vật chất của các Cơ sở cai nghiện, đặc biệt là các tỉnh phía Nam đã xuống cấp, không đảm bảo điều kiện sinh hoạt của học viên. Kinh phí công tác cai nghiện được bố trí trong nguồn đảm bảo xã hội của các địa phương, trong khi, một số địa phương không cân đối được ngân sách và không bố trí kinh phí cho công tác này, nhất là cấp huyện, cấp xã. Công chức, viên chức và người lao động làm việc tại các cơ sở cai nghiện chưa được đào tạo bài bản về chuyên môn, nghiệp vụ; thiếu bác sĩ, không có cơ chế hay công cụ hỗ trợ để quản lý người nghiện. Người nghiện và gia đình người nghiện chưa tự nguyện khai báo và đăng ký cai nghiện tự nguyện, không hợp tác với cơ quan chức năng trong việc lập hồ sơ cai nghiện.

Trước những khó khăn, thách thức đó, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội đề xuất Lãnh đạo Bộ báo cáo Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số văn bản pháp luật có liên quan cho phép Cục, Chi Cục trưởng các tỉnh, thành phố được thực hiện chức năng của thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội, được giao thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành sửa Luật Phòng, chống ma túy; chỉ đạo Bộ Tư pháp trong năm 2017-2018 trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung những bất cập trong Luật xử lý vi phạm hành chính hiện nay để phù hợp với thực tiễn. Bộ Kế hoạch- Đầu tư, Bộ Tài chính ưu tiên bố trí kinh phí để thực hiện công tác cai nghiện ma túy trong chương trình đảm bảo trợ giúp xã hội thuộc Chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội. Đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố thực thuộc Trung ương bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện công tác cai nghiện ma túy. Đặc biệt là 38 tỉnh, thành phố được Trung ương hỗ trợ kinh phí để nâng cấp, sửa chữa, bổ sung trang thiết bị phục vụ cai nghiện tại các Cơ sở cai nghiện.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định lĩnh vực phòng chống ma túy, đặc biệt là cai nghiện hiện nay đang rất nóng, rất phức tạp, Chính phủ và dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Bộ trưởng chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện nhiệm vụ của Cục. Đồng thời, biểu dương Cục thời gian vừa qua đã rất tích cực trong triển khai công việc, có kế hoạch phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng, khoa học và phản ứng kịp thời với những sự việc đột xuất xảy ra.

Để triển khai có hiệu quả các mặt công tác của Cục trong thời gian tới, Bộ trưởng yêu cầu Cục tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:

1. Rà soát lại các nhiệm vụ Chính phủ và Bộ giao trong thời gian qua; sắp xếp thứ tự ưu tiên việc thực hiện các nhiệm vụ. Việc nào quan trọng cần tập trung thực hiện ngay; việc gì chưa thể làm được báo cáo Bộ để Bộ báo cáo Chính phủ.

2. Đẩy nhanh tiến độ và trình Bộ ký trình Chính phủ 02 văn bản trong tháng 3 là Chỉ thị về công tác phòng chống và cai nghiện ma túy và Nghị định quy định về cai nghiện ma túy tự nguyện.

3. Tập trung xây dựng Chương trình quản lý người sử dụng và người nghiện ma túy.

4. Việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về công tác quản lý người nghiện ma túy và cai nghiện, trước hết cần làm việc với Bộ Tư pháp, Bộ Công an, đưa ra những vấn đề còn bất cập trong Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật phòng, chống ma túy để cùng thống nhất sẽ xây dựng Nghị quyết của Quốc hội hay đẩy nhanh tiến độ sửa 2 Luật nói trên.

5. Phải khẳng định, cai nghiện ma túy tuy rất khó, nhưng thực tế vẫn có người cai được, tuy tỷ lệ là rất nhỏ. Trong tháng 6, tháng hành động phòng, chống ma túy cần tổ chức một Hội nghị biểu dương những người đã cai nghiện thành công, mời họ chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình cai nghiện, hòa nhập cộng đồng.

6. Chủ động phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao để triển khai thí điểm Tòa ma túy.

7. Tăng cường đôn đốc các địa phương trong việc quản lý các Cơ sở cai nghiện ma túy, không để xảy ra tình trạng người nghiện bỏ trốn như thời gian vừa qua, đặc biệt là những tỉnh, thành phố trọng điểm.

8. Khẩn trương đề xuất xây dựng Luật về mại dâm và tăng cường nắm bắt tình hình mại dâm, mua bán người, nhất là mua bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới./.

K.H