Nhân rộng mô hình, điển hình cai nghiện thành công và tình nguyện viên tiêu biểu Ngày đăng: 20/03/2017
Ngày 15⁄3⁄2017, tại Thái Nguyên, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, nhân rộng mô hình, điển hình cai nghiện thành công và tình nguyện viên tiêu biểu. Tham dự Hội thảo có đại diện Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Chi cục⁄Phòng Phòng, chống tệ nạn xã hội của 20 tỉnh, thành phố và đại diện một số mô hình cai nghiện, điển hình cai nghiện thành công, nhóm đồng đẳng và tình nguyện viên tiêu biểu cùng đại diện của 13 cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương. Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Nguyễn Xuân Lập dự và chỉ đạo Hội thảo.

Báo cáo tại Hội thảo cho biết, lĩnh vực phòng, chống ma túy, đặc biệt là cai nghiện phục hồi luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm và đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về vấn đề này. Cùng với đó, các cấp, các ngành, địa phương cũng quan tâm chỉ đạo và nỗ lực vào cuộc. Song, do nghiện ma túy là bệnh của não bộ, mãn tính, tái diễn. Điều trị bệnh nghiện ma túy là điều trị lâu dài, khó khăn, phức tạp nên kết quả đạt được chưa như mong muốn.

Tệ nạn ma túy diễn biến ngày càng phức tạp, đặc biệt là việc mua bán, vận chuyển, sử dụng ma túy tổng hợp (nhóm ATS). Tính đến tháng 6 năm 2016, cả nước có 202.604 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý (tăng 2.470 người so với cùng kỳ năm 2015); trong đó, trên 60% sử dụng ATS, một số địa phương tỷ lệ người sử dụng ATS cao như: Đồng Nai 87%, Đà Nẵng 85% và An Giang là 76%... Người sử dụng ma túy tổng hợp có rối loại tâm thần và một số có hành vi vi phạm pháp luật gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn xã hội.

Quá trình đổi mới công tác cai nghiện, với sự nỗ lực chỉ đạo và thực hiện của các cấp, các ngành, đặc biệt là chính quyền địa phương đã đẩy mạnh công tác chỉ đạo và tập trung nâng cao trình độ, năng lực cán bộ; huy động các lực lượng tại cộng đồng tham gia công tác cai nghiện; tăng cường cơ sở vật chất, sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức cai nghiện; xây dựng các mô hình cai nghiện mới. Đến nay, mặc dù còn khó khăn, nhưng từ thực tiễn công tác đã xuất hiện nhiều mô hình mới, cách tổ chức cai nghiện, giúp đỡ người cai nghiện hoà nhập cộng đồng mang lại hiệu quả thiết thực, nhiều người cai nghiện thành công.

Sau phần báo cáo tổng quan của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, các đại biểu tham dự Hội thảo đã chia sẻ và thảo luận về các mô hình, điển hình tình nguyện viên và người cai nghiện thành công. Tiêu biểu là:

- Mô hình xây dựng Cơ sở cai nghiện thân thiện: chuyển đổi hình thức, nội dung hoạt động của cơ sở cai nghiện là một nội dung trọng tâm của Đề án đổi mới công tác cai nghiện.Trong khi nhiều tỉnh, thành phố còn loay hoay, lúng túng thì ở một số tỉnh, thành phố khác đã chủ động, sáng tạo, mạnh dạn đổi mới, từng bước chuyển đổi Trung tâm Chữa bệnh- Giáo dục- Lao động xã hội thành Cơ sở cai nghiện thân thiện. Đặc điểm chung của các cơ sở này là: đổi mới nhận thức và nâng cao năng lực cán bộ, sắp xếp lại, điều chỉnh bộ máy hướng vào hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, tạo sự đồng thuận cao trong việc coi trọng yếu tố con người, tôn trọng và phát huy yếu tố cá nhân người nghiện. Trong quản lý và và điều hành, thống nhất thực hiện hình thức công khai, dân chủ, minh bạch, nề nếp, thưởng phạt nghiêm minh được chú trọng đối với cả đội ngũ cán bộ và học viên, coi đó là yếu tố củng cố sự đoàn kết, tin tưởng, xây dựng cơ sở vững mạnh. Xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với thân nhân người cai nghiện thông qua rất nhiều hoạt động, xây dựng họ thành lực lượng thứ 2 bên cạnh Cơ sở trong quá trình cai nghiện, để cùng chia sẻ, động viên, khuyến khích học viên có thêm động lực cai nghiện, đồng thời, có thêm thông tin cá nhân phục vụ quá trình điều trị cai nghiện. Ngoài ra, các Cơ sở cai nghiện này còn kết nối với cộng đồng, liên kết, hợp tác với các nguồn lực tại cộng đồng để tăng nguồn lực cho Cơ sở, kết nối với chính quyền, xây dựng các văn phòng tư vấn ở các huyện để tư vấn thu hút người vào cai tự nguyện, tạo điều kiện cho các học viên trở về cộng đồng tham gia sinh hoạt tại các câu lạc bộ, các tổ nhóm tự lực nhằm giảm sự kỳ thị và có nhiều cơ hội học nghề, tìm việc làm. Các cơ sở cai nghiện này còn là địa điểm tham quan, sinh hoạt ngoại khóa, trải nghiệm thực tế nhằm phòng ngừa ma túy từ xa của đoàn thanh niên, học sinh, sinh viên.

Chính nhờ những đổi mới nêu trên, số người vào cai nghiện tự nguyện tăng lên mạnh mẽ. Thân nhân người cai nghiện tin tưởng gửi gắm con em cho các Cơ sở cai nghiện. Người cai nghiện yên tâm điều trị, không còn cảm giác tù túng, lo sợ. Giữa cán bộ và học viên trong Cơ sở cai nghiện không còn khoảng cách lạnh lùng mà luôn có sự chia sẻ, giúp đỡ.  Hết thời hạn cai nghiện, nhiều học viên tình nguyện xin ở lại làm việc và được bố trí công việc phù hợp có thu nhập. Số người trở về cộng đồng tỉ lệ tái nghiện giảm, nhiều người có việc làm ổn định.

- Mô hình cai nghiện quân dân y kết hợp: Mô hình này thực hiện ở các xã dọc biên giới. Điểm thuận lợi là có sự tham gia của lực lượng bộ đội biên phòng kết hợp với chính quyền, nhân dân địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động người nghiện ma túy tự giác đăng ký cai nghiện. Mô hình đang thực hiện tại Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng trị, Điện Biên và 1 số tỉnh khác. Hàng trăm người đã được cai nghiện và có việc làm ổn định.

Từ thực tiễn triển khai mô hình ở các tỉnh, thành phố đã rút ra bài học kinh nghiệm: cộng đồng vùng cao hoàn toàn giải quyết được các vấn đề liên quan đến ma túy nếu các cấp chính quyền có chủ trương, chính sách đúng để người dân chủ động bàn bạc giải quyết vì cộng đồng này có mối quan hệ giàng buộc (quan hệ huyết thống, dòng họ, dân tộc...), họ sẵn sàng giúp đỡ, đùm bọc lẫn nhau. Phải bắt đầu từ tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức, để mọi người hiểu biết lợi ích thiết thực của việc cai nghiện ma túy, từ đó, đồng lòng tham gia. Phải có sự sự chỉ đạo và tham gia của Đảng ủy, đoàn thể, già làng, trưởng bản, trưởng tộc, tình nguyện viên. Cần có sự hỗ trợ tích cực về vật chất, cách thức thực hiện, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống văn hóa... Trong triển khai phải tìm thời điểm thích hợp phù hợp với lao động sản xuất và đời sống văn hóa của cộng đồng.

- Mô hình Câu lạc bộ hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng:  tại An Giang, mô hình “Câu lạc bộ hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng” được thực hiện bài bản với một hệ thống các hoạt động thành một chu trình công phu: (1) Nâng cao năng lực cho người cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện thông qua các hoạt động tuyên truyền, tư vấn cá nhân, tư vấn nhóm, sinh hoạt tập thể, đọc sách báo và gặp mặt thân nhân hàng quý. (2) Hỗ trợ người sau cai nghiện hòa nhập cộng đồng: Câu lạc bộ Hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng, Đội công tác xã hội tình nguyện, Câu lạc bộ Thắp sáng niềm tin tham gia các buổi tiếp cận người chuẩn bị hồi gia, vẽ sơ đồ người ảnh hưởng của học viên đang cai nghiện tại Trung tâm chuẩn bị hồi gia và phối hợp tiếp nhận học viên hoàn thành cai nghiện, chữa trị từ Trung tâm trở về hòa nhập cộng đồng. Ngoài ra, Ban chủ nhiệm các Câu lạc bộ cũng trực tiếp tiếp cận và tư vấn người sau cai nghiện tại cộng đồng về dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS, các bệnh lây truyền qua đường tình dục, viêm gan siêu vi B, C; tác hại của ma túy, dự phòng tái nghiện; tư vấn và kết nối việc làm; giới thiệu chuyển gửi dịch vụ: chăm sóc sức khỏe, giới thiệu học nghề, giới thiệu việc làm, trợ giúp pháp lý… (3) Chú trọng các hoạt động điều phối, trong đó Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội đóng vai trò đầu mối điều phối các hoạt động của cơ sở cai nghiện với các phòng Lao động-Thương binh và Xã hội, với các Câu lạc bộ. (4) Huy động sự tham gia ủng hộ của người dân, người hảo tâm, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong việc hỗ trợ vốn, tạo việc làm. Tính đến đầu năm 2016, toàn tỉnh có 148 người sau cai chưa tái nghiện, trong đó có 112 người đang sinh hoạt tại các Câu lạc bộ. Bằng các nguồn vốn, đã cho 92 người vay làm ăn với 364 triệu đồng, xây 6 căn nhà tình nghĩa, sửa chữa 8 căn, tặng quà trị giá 36 triệu đồng cho 120 người, giới thiệu 59 lượt người tìm việc làm.

Ngoài ra còn rất nhiều mô hình có hiệu quả được chia sẻ tại Hội thảo: Mô hình Điểm tư vấn, chăm sóc điều trị nghiện tự nguyện; mô hình nghiên cứu, áp dụng, cập nhật khoa học mới cho người cai nghiện tự nguyện; mô hình cai nghiện ma túy tại cộng đồng.

Tại Hội thảo, đại diện các điển hình cai nghiện thành công đã chứng minh, cho dù việc cai nghiện rất khó khăn, nhưng nếu bản thân người nghiện quyết tâm cùng sự giúp đỡ của gia đình, chính quyền thì hoàn toàn có thể cai nghiện thành công. Có hàng trăm người sau cai nghiện 1-3 năm chưa tái nghiện. Nhiều người từng nghiện nặng, thời gian nghiện lâu nhưng đã quyết tâm cai nghiện thành công, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, được cộng đồng ghi nhận, bầu làm công an viên, tổ trưởng Tổ tự quản, được kết nạp vào Đảng. Một số người hiện đang là chủ cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, chủ nhiệm câu lạc bộ, nhóm đồng đẳng và tích cực tham gia các hoạt động giúp đỡ người cùng cảnh ngộ. Chia sẻ tại Hội thảo các điển hình cũng đã nói lên những khó khăn trong quá trình cai nghiện, khẳng định bản thân và được xã hội ghi nhận.

Tiêu biểu là anh Nguyễn Anh Tuấn ở phường Hùng Vương, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ đã cai nghiện ma túy được 10 năm, được tín nhiệm bầu làm tổ trưởng tổ bảo vệ dân phố và là tình nguyện viên Đội tình nguyện. Năm 2015, anh được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng. Anh Nguyễn Xuân Quang ở tổ 6, phường Chiềng Sinh, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La đã từ bỏ ma túy được gần 10 năm, được tín nhiệm bầu làm Tổ phó tổ dân phố, Chi hội trưởng hội nông dân, tổ trưởng tổ bảo vệ dân phòng kiêm thủ quỹ Tổ Vay vốn. Anh Phạm Ngọc Tân, phường Gia Viên, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng, sau cai nghiện anh tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ “S-A” do Đoàn thanh niên phường thành lập, được bầu là Chủ nhiệm Câu lạc bộ, anh đã tổ chức nhiều hoạt động để thu hút các thành viên tham gia cai nghiện, hỗ trợ chăm sóc người cai nghiện, tổ chức kinh doanh nước lọc tinh khiết cho các thành viên tham gia tạo thu nhập ổn định, anh đã tư vấn, giúp đỡ cho 37 người nghiện ma túy tiếp cận với các dịch vụ điều trị, cai nghiện, kiểm tra sức khỏe. Anh Đinh Văn Đoàn ở xã Gia Tường, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình từng là nghiện ma túy nhiều năm, sau cai nghiện, được vay 30 triệu đồng, anh mở xưởng sản xuất đúc bê tông ống cống, ống giếng. Sau 04 năm kinh doanh có lãi, anh mở rộng quy mô, năm 2015, tiếp tục mở thêm xưởng sản xuất, thi công các loại cửa sắt, tiếp nhận tạo việc làm cho người sau cai ổn định cuộc sống.

Góp phần không nhỏ trong việc thành công của những người nghiện ma túy cai nghiện đó là các tình nguyện viên Đội công tác xã hội những người với tấm lòng tương thân tương ái, tâm huyết đang ngày đêm cùng với những người nghiện chiến đấu với ma túy, tìm lại cuộc sống bình yên. Với gần 3.000 Đội công tác xã hội tình nguyện (Đội tình nguyện) và hơn 18.000 tình nguyện viên, với tinh thần và trách nhiệm xã hội hàng nghìn người nghiện đã được tình nguyện viên động viên, tư vấn hỗ trợ cai nghiện, trong đó rất nhiều người đã cai nghiện thành công, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế. Năm 2014, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã tặng bằng khen cho 30 Đội tình nguyện và 20 tình nguyện viên tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong công tác tình nguyện phòng chống ma túy, mại dâm.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Cục trưởng Nguyễn Xuân Lập đã nhấn mạnh, để công tác cai nghiện có hiệu quả cần phải có sự quan tâm của lãnh đạo của các tỉnh, thành phố, sự tham mưu, thực hiện của các cơ quan chuyên trách. Cần phải tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về cai nghiện và hỗ trợ sau cai nghiện, giảm kỳ thị với người nghiện ma túy, đẩy mạnh kết nối giữa cơ sở cai nghiện và cộng đồng. Chuyển đổi cả nội dung hoạt động và tên các cơ sở cai nghiện; tăng cường công tác cai nghiện tự nguyện. Đào tạo, huấn luyện cơ bản cho đội ngũ cán bộ; tăng cường cơ sở vật chất và xã hội hóa công tác cai nghiện; bảo đảm an ninh trật trật tự của các cơ sở cai nghiện. Các tỉnh, thành phố đã xây dựng được mô hình, điển hình cai nghiện được báo cáo tại Hội thảo cần tiếp tục hoàn thiện các mô hình, cách làm của mình trên cơ sở nghiên cứu áp dụng các nội dung của các mô hình tại hội thảo để mô hình ngày càng hoàn thiện. Các tỉnh, thành phố chưa có mô hình về cai nghiện cần xem xét, đối chiếu với các mô hình thành công để làm rõ những hạn chế và nguyên nhân hiện nay tại địa phương để từ đó xây dựng kế hoạch khắc phục, đổi mới, áp dụng các cách làm phù hợp./.

K.H