Xây dựng Luật Phòng, chống mại dâm: Làm thế nào để đáp ứng thực tiễn? Ngày đăng: 03/02/2017
Trong xu thế hội nhập và phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, việc nhìn nhận, giải quyết vấn đề mại dâm ở Việt Nam cần thiết phải có những thay đổi cho phù hợp. Trước hết, là quan điểm, vấn đề nhận thức và phương pháp tiếp cận, đặc biệt là tiếp cận dựa trên quyền, bảo đảm bình đẳng trong các nhóm yếu thế về tiếp cận, sử dụng các dịch vụ xã hội.

Sự cần thiết phải có Luật Phòng, chống mại dâm                 

Trong những năm vừa qua, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm đã tương đối đầy đủ và đồng bộ, tạo khuôn khổ pháp lý, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc đấu tranh phòng, chống tệ nạn mại dâm.

Tuy nhiên, sau hơn 13 năm thực hiện, Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm (năm 2003) nói riêng và hệ thống các văn bản pháp luật về phòng, chống mại dâm đã bộc lộ những hạn chế, bất cập.

Thứ nhất, quan điểm tiếp cận giải quyết vấn đề mại dâm ở Việt Nam trong hệ thống pháp luật hiện hành mang nặng tính xử lý hành chính, biện pháp xử lý hành chính và hình sự, chưa thực sự chú trọng đến các biện pháp, giải pháp mang tính xã hội, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến quyền công dân theo Hiến pháp của Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Công ước về quyền con người.

Thứ hai, Pháp lệnh phòng, chống mại dâm chỉ mang tính quy định khung một số vấn đề trong công tác phòng, chống mại dâm; việc thực thi còn phải phụ thuộc vào nhiều đạo luật khác như: Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân; Bộ Luật Lao động; Luật Hình sự, Luật phòng chống HIV/AIDS, Luật Tố tụng hình sự, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Thanh niên, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Khiếu nại, tố cáo...;

Thứ ba, mặc dù xác định phòng ngừa là biện pháp trọng tâm nhưng các quy định về biện pháp phòng ngừa, trách nhiệm tổ chức các hoạt động phòng ngừa vẫn mang tính nguyên tắc, chưa cụ thể, chưa quy định các biện pháp, điều kiện, nguồn lực (thẩm quyền tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện; thẩm quyền xử phạt của Chi cục phòng, chống tệ nạn xã hội; tiêu chuẩn, điều kiện các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ lợi dụng hoạt động mại dâm….) dẫn đến việc triển khai ở các cấp còn gặp nhiều khó khăn; vấn đề xử lý hành chính, hình sự đối với các hành vi liên quan đến mại dâm không còn phù hợp với các văn bản pháp luật mới (Hiến pháp, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật Hình sự);...

Thứ tư, người bán dâm, xét dưới góc độ hỗ trợ, họ thuộc một trong các nhóm người yếu thế, bị kỳ thị, dễ bị bạo lực, bóc lột và ít có cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội. Tuy nhiên, hiện tại chưa có các chính sách hỗ trợ, dịch vụ mang tính đặc thù phù hợp với đặc điểm xã hội; việc quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước, hiện chưa có quy định về cơ chế phối hợp, quyền và trách nhiệm của các cơ quan có liên quan từ Trung ương tới địa phương. Mặt khác, chưa quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cấp đặc biệt là cấp huyện, cấp xã để tình trạng mại dâm phức tạp trên địa bàn hoặc không có các hoạt động về hỗ trợ người bán dâm.

Với xu thế hội nhập kinh tế - xã hội hiện nay, đặc biệt là phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ vui chơi giải trí... việc nhìn nhận, giải quyết vấn đề mại dâm ở Việt Nam cần thiết phải có những thay đổi cho phù hợp. Trước hết, là vấn đề nhận thức và phương pháp tiếp cận, đặc biệt là phương pháp tiếp cận dựa trên quyền, bảo đảm bình đẳng trong việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ xã hội của các nhóm yếu thế trong xã hội. Do vậy, việc xây dựng Luật Phòng, chống mại dâm là hết sức cần thiết, làm cơ sở cho việc thực hiện các biện pháp, giải pháp về phòng, chống mại dâm cho phù hợp với thực tiễn hiện nay, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thực hiện tốt các chính sách về bảo trợ xã hội; bảo đảm tính thống nhất, tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật, đặc biệt trong các lĩnh vực liên quan như phòng, chống mại dâm, phòng, chống mua bán người, phòng, chống ma túy và HIV/AIDS. Xuất phát từ thực tiễn và yêu cầu đổi mới thì quan điểm xây dựng pháp luật về phòng chống mại dâm theo các khoản điểm cơ bản như sau:

(1) Luật hoá các quy định hiện hành của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, của Quốc hội, các chính sách pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan về phòng, chống mại dâm đã được thực tiễn kiểm nghiệm là phù hợp, đồng thời, bổ sung những nội dung mới cho phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính kế thừa, tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và bảo đảm tính khả thi; Luật được xây dựng phải đảm bảo quyền công dân, quyền con người theo quy định của Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013 và Công ước về quyền con người mà Việt Nam đã ký kết tham gia.

(2) Tiếp tục thể chế hoá nhằm loại bỏ mọi hình thức và hoạt động mại dâm bất hợp pháp ở Việt Nam như bóc lột tình dục, cưỡng bức phụ nữ và trẻ em gái; chính sách, giải pháp mang tính xã hội, nhằm giảm tác hại do hoạt động mại dâm gây ra đối với chính người mại dâm và xã hội và các giải pháp hỗ trợ về pháp lý và sinh kế nhằm góp phần vào sự ổn định, phát triển đất nước.

(3) Xây dựng cơ chế, chính sách nhằm huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia giải quyết vấn đề mại dâm. Việc xây dựng Luật phải được tiến hành trên cơ sở tổng kết thực tiễn công tác này trong những năm qua; nghiên cứu đánh giá tác động trong xu thế hội nhập và phát triển; đồng thời học tập tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia phát triển và các nước trong khu vực để chọn lọc và áp dụng vào tình hình cụ thể của  Việt Nam./.

Ths Nguyễn Xuân Lập,

Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội