Những nội dung cơ bản xây dựng dự Luật về mại dâm Ngày đăng: 03/02/2017
Việc xây dựng Luật Phòng, chống mại dâm cần được dựa trên các quan điểm như tiếp tục thể chế hoá quan điểm mại dâm là bất hợp pháp ở Việt Nam; luật hoá các quy định hiện hành đã được thực tiễn kiểm nghiệm là phù hợp, đồng thời, bổ sung những nội dung mới cho phù hợp với thực tiễn; xây dựng cơ chế pháp lý nhằm huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia giải quyết vấn đề mại dâm.

Từ những vấn đề trên, việc nghiên cứu đề xuất xây dự Luật về mại dâm cần phải tập trung vào những nội dung như:

Về tên gọi của dự luật. Đây là vấn đề thường được quan tâm nhất, tên dự luật thể hiện tinh thần, vấn đề cốt lõi của một dự luật. "Mại dâm" hay tệ nạn mại dâm cần được hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm: Mua dâm, bán dâm và tội phạm liên quan đến mại dâm. Mặc dù vẫn nhất quán quan điểm phòng, chống, tuy nhiên, các giải pháp cần đa dạng và bảo đảm quyền con người, bảo đảm sự bình đẳng về cơ hội của người bán dâm như các nhóm xã hội khác, "phòng" cần phải hiểu ở nghĩa rộng, bao hàm cả phòng ngừa bạo lực trên cơ sở giới và thực hiện các can thiệp giảm hại... đồng thời, kiên quyết chống các tội phạm liên quan đến bóc lột, cưỡng bức tình dục, mại dâm trẻ em, mua bán phụ nữ, trẻ em vì mục đích mại dâm...

Phạm vi điều chỉnh của dự Luật. Từ thực tiễn hơn 13 năm qua, cho thấy những vấn đề lớn hết sức quan trọng cần được Luật này điều chỉnh như:

Về phòng ngừa mại dâm, đây là vấn đề quan trọng hàng đầu, dự luật cần cụ thể hoá các biện pháp phòng ngừa và xây dựng một cơ chế phòng ngừa trong cộng đồng, từ gia đình, nhà trường, các tổ chức đoàn thể và toàn xã hội. Phòng ngừa cần phải đa dạng các biện pháp từ kinh tế, xã hội, giáo dục và bao gồm cả hình phạt mang tính cưỡng chế nhà nước. Các biện pháp phòng ngừa cần chú trọng vào hoạt động tuyên truyền, giáo dục, tư vấn về phòng chống mại dâm, hoạt động quản lý an ninh trật tự cũng như những hoạt động kinh doanh dễ bị lợi dụng để tổ chức mại dâm; phòng ngừa tội phạm, giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm và khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử loại tội phạm liên quan đến mại dâm.

Về phòng chống bạo lực giới, giảm hại và hỗ trợ hoà nhập cộng đồng, trong các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, người bán dâm hiện nay đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề về bạo lực, về bất bình đẳng, về sự kỳ thị và việc tiếp cận các dịch vụ y tế, xã hội. Do vậy, dự luật cần phải tạo cơ sở pháp lý, quy định những biện pháp, hình thức, chế độ chính sách cũng như quy trình hỗ trợ cụ thể khi họ cần sự bảo vệ, cần hỗ  trợ hoặc mong muốn thay đổi công việc. Đồng thời phải qui định trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống mại dâm, đặc biệt là vai trò của các đoàn thể xã hội, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức chính trị xã hội; đồng thời vấn đề huy động sự tham gia của các cơ quan, tổ chức và các đoàn thể xã hội các tổ chức phát triển cộng đồng trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến mại dâm.

Các nguyên tắc giải quyết vấn đề mại dâm, lấy phòng ngừa là chính, kết hợp thông tin, giáo dục, truyền thông, tư vấn về phòng, chống mại dâm với quản lý an ninh, trật tự và kiểm soát các hoạt động dễ bị lợi dụng để mại dâm; mọi hành vi tội phạm liên quan đến mại dâm đều phải được ngăn chặn, phát hiện, điều tra và xử lý nghiêm minh, kịp thời và chính xác theo quy định của pháp luật; kết hợp sức mạnh của các cơ quan, tổ chức với sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong đấu tranh phòng, chống mại dâm; phòng, chống mại dâm phải tôn trọng các quyền, lợi ích hợp pháp và không kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người bán dâm.

Như chúng ta đều biết, phòng chống mại dâm là một hoạt động hết sức phức tạp, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, đòi hỏi phải tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp mới có kết quả. Thực tiễn đấu tranh phòng, chống mại dâm cho thấy, việc phát hiện, truy bắt, xử lý hành vi tội phạm liên quan đến mại dâm chỉ giải quyết được phần ngọn chứ chưa giải quyết được cái gốc của vấn đề - nguyên nhân, điều kiện của tình trạng mại dâm. Vì vậy, cuộc đấu tranh này chỉ thực sự có hiệu quả khi chúng ta làm tốt công tác phòng ngừa (cả phòng ngừa chung lẫn phòng ngừa riêng) góp phần giải quyết cơ bản căn nguyên của hoạt động mại dâm; cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để mọi người dân nhận thức được nguy cơ, mối hiểm họa của tình trạng mại dâm.

Bên cạnh đó, hiệu quả của hoạt động phòng, chống mại dâm không chỉ phụ thuộc vào những nỗ lực của Nhà nước mà còn phụ thuộc đáng kể vào sự tham gia tích cực của toàn xã hội. Do vậy, Nhà nước cần có chính sách huy động các lực lượng xã hội tham gia phòng, chống mại dâm.

Nguyên tắc này đòi hỏi sự nỗ lực của mỗi cơ quan và sự phối hợp chặt chẽ liên ngành trong đấu tranh phòng, chống mại dâm, đồng thời, phải tạo điều kiện huy động rộng rãi các lực lượng xã hội tham gia vào hoạt động phòng, chống mại dâm. Đặc biệt, phát huy vai trò, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống mại dâm.

Về chống kỳ thị với người bán dâm, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc họ tham gia vào bán dâm (điều kiện kinh tế, hoàn cảnh xã hội....). Vì thế, việc quy định nguyên tắc này trong dự thảo Luật sẽ giúp họ phần nào giảm được những vấn đề về tinh thần và thể xác, đặc biệt đối với những người bị cưỡng ép bán dâm.

Chính sách về phòng, chống mại dâm: Phòng chống mại dâm là một hoạt động hết sức khó khăn, phức tạp đòi hỏi Nhà nước cần có chính sách đầu tư thỏa đáng cho công tác này. Hơn nữa, hiệu quả của hoạt động phòng, chống mại dâm không chỉ phụ thuộc vào sự nỗ lực của Nhà nước mà còn phụ thuộc đáng kể vào sự tham gia tích cực của toàn xã hội. Do vậy, Nhà nước cần có chính sách huy động các lực lượng xã hội tham gia phòng, chống mại dâm.

Trên tinh thần đó, dự thảo Luật Phòng, chống mại dâm cần ghi nhận các chính sách của Nhà nước về phòng, chống mại dâm trên tinh thần kết hợp sự nỗ lực của Nhà nước với việc huy động nguồn lực, khuyến khích nhân dân tham gia phòng, chống mại dâm cũng như hỗ trợ, tạo điều kiện cho các nạn nhân bị buôn bán có công ăn việc làm, có cuộc sống ổn định, giúp họ nhanh chóng tái hòa nhập với cộng đồng. Tuy nhiên, các chính sách đó trước hết cần xác định việc đấu tranh phòng, chống mại dâm là trách nhiệm chính của Nhà nước, do vậy, Nhà nước cần phải có chính sách như: Bảo đảm ngân sách hàng năm cho công tác phòng, chống mại dâm; Chú trọng tới việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho những người làm công tác phòng, chống mại dâm; Khen thưởng những cá nhân, tổ chức có thành tích trong công tác phòng, chống mại dâm; bảo đảm chế độ, chính sách đối với những người trực tiếp tham gia phòng, chống mại dâm bị thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ hoặc tài sản.

Bên cạnh trách nhiệm chính thuộc về Nhà nước, Luật này cũng xác định chính sách huy động sự tham gia của toàn xã hội, sự đóng góp về tài chính, kỹ thuật của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài trong phòng, chống mại dâm. Cụ thể là khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước hợp tác, tài trợ trong đấu tranh phòng, chống mại dâm và hỗ trợ người bán dâm phòng, chống bạo lực giới, giảm tổn thương và cơ hội thay đổi công việc.

Các biện pháp phòng, chống mại dâm, một trong những nguyên tắc cơ bản của phòng, chống mại dâm là "Lấy phòng ngừa là chính, kết hợp thông tin, giáo dục, truyền thông, tư vấn về phòng, chống mại dâm với quản lý an ninh, trật tự và kiểm soát các hoạt động dễ bị lợi dụng để tổ chức hoạt động mại dâm".

Xuất phát từ nguyên tắc này, biện pháp phòng ngừa mại dâm đầu tiên được cần xác định là "Thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống phòng, chống mại dâm". Mục đích chính của biện pháp này là nhằm nâng cao nhận thức về trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và cộng đồng đối với công tác phòng, chống mại dâm, làm cho mọi người tích cực tham gia phòng ngừa, ngăn chặn mại dâm, chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người bán dâm, tạo cơ hội cho họ thay đổi công việc.

Dự thảo Luật cần hướng công tác thông tin, giáo dục, truyền thông vào một số đối tượng cụ thể như: phụ nữ, thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên và những người sinh sống tại khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn. Đây là những đối tượng có thể gọi là "có nguy cơ cao" dễ tham gia vào mại dâm hoặc trở thành nạn nhân bị mua bán vì mục đích mại dâm. Đặc biệt, để bảo đảm sự chủ động trong công tác thông tin, giáo dục, truyền thông ở cơ sở, dự thảo Luật quy định việc xây dựng mạng lưới tuyên truyền viên về phòng, chống phòng, chống mại dâm ở cơ sở; huy động sự tham gia tích cực của các đoàn thể xã hội.

Một trong những biện pháp phòng ngừa hữu hiệu nhằm hạn chế, tiến tới loại trừ nguyên nhân và điều kiện dẫn đến mại dâm chính là tăng cường công tác quản lý về an ninh, trật tự không chỉ trong nội địa mà cả khu vực biên giới, cửa khẩu và trên biển.

Bên cạnh biện pháp tăng cường quản lý về an ninh, trật tự thì việc quản lý chặt chẽ các hoạt động kinh doanh, dịch vụ nhằm phòng ngừa việc lợi dụng các hoạt động này để tổ chức mại dâm là hết sức quan trọng. Dự thảo cần xác định quản lý chặt chẽ các hoạt động kinh doanh, dịch vụ nhằm phòng ngừa việc lợi dụng các hoạt động này để tổ chức mại dâm, đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các hoạt động này nhằm phát hiện, ngăn chặn việc lợi dụng các hoạt động này để phòng, chống mại dâm.

Để góp phần hạn chế, tiến tới loại trừ nguyên nhân và điều kiện của tình trạng phòng, chống mại dâm là phải phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện có hiệu quả chính sách xoá đói, giảm nghèo, chính sách việc làm,....nhằm nâng cao đời sống nhân dân. Chính vì vậy, một trong những biện pháp phòng ngừa cần được quy định trong dự thảo Luật là "Lồng ghép nội dung phòng, chống mại dâm vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội, chương trình phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội", theo đó, cần xác định phòng, chống mại dâm là một trong những mục tiêu ưu tiên của các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời, Chính phủ có trách nhiệm chỉ đạo các bộ, ngành, chính quyền địa phương lồng ghép nội dung phòng, chống mại dâm vào trong các chương trình xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ tín dụng cho các hộ gia đình khó khăn để phát triển kinh tế, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chương trình phòng, chống tội phạm và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác…

Ngoài ra, còn các biện pháp phòng, chống mại dâm cần được quy định cụ thể như: Hỗ trợ phòng chống bạo lực giới, giảm hại và hoà nhập cộng đồng cho người bán dâm; Đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm

Những quy định rõ trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương, việc đấu tranh phòng, chống mại dâm thuộc phạm vi hoạt động của rất nhiều cơ quan hành chính nhà nước và các cơ quan thuộc hệ thống lập pháp và tư pháp. Vì thế, cần phải xác định một đầu mối thực hiện việc quản lý nhà nước về lĩnh vực này. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác đấu tranh phòng, chống mại dâm. Các cơ quan thuộc hệ thống lập pháp và tư pháp sẽ chia sẻ và cung cấp những thông tin cần thiết liên quan đến quá trình đấu tranh phòng, chống mại dâm trong phạm vi hoạt động của mình với Chính phủ để Chính phủ báo cáo trước Quốc hội về tình hình đấu tranh phòng, chống mại dâm.

Với quan điểm phòng ngừa là chủ yếu, chú trọng các biện pháp xã hội trong phòng, chống mại dâm (vấn đề đói nghèo, an sinh, việc làm….). Do vậy, để giúp Chính phủ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về đấu tranh phòng, chống mại dâm và nhất là có cơ chế theo dõi, đánh giá tình hình mại dâm, dự kiến giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giúp Chính phủ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về phòng, chống mại dâm.

Bên cạnh dó, dự thảo Luật quy định các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý nhà nước về phòng, chống mại dâm. Đồng thời, để đề cao trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tệ nạn này, quy định trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống mại dâm tại địa phương./.

 

Ths Nguyễn Xuân Lập,

Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội