Một số khó khăn bất cập trong thực hiện biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc Ngày đăng: 06/01/2017
Để phù hợp với Hiến pháp năm 2013, cũng như đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới, Quốc hội khóa XIII thông qua Luật Xử lý vi phạm hành chính thay thế Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính trong đó quy định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Sau gần 3 năm triển khai thực hiện công tác cai nghiện bắt buộc nổi lên một số khó khăn, bất cập cần xem xét và có giải pháp tháo gỡ, cụ thể là:

1. Khó khăn, bất cập

1.1. Về xác định tình trạng nghiện

Điểm d khoản 2 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính phải chứng minh vi phạm hành chính; điểm a khoản 1 Điều 103 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải có tài liệu chứng minh tình trạng nghiện ma túy.

Thi hành Luật, Chính phủ ban hành Nghị định số 221/2013/NĐ-CP quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc: Tại Điều 9 Nghị định số 221/2013/NĐ-CP quy định thành phần hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải có Phiếu trả lời của người có thẩm quyền quy định tại Khoản 1 Điều 10 Nghị định này về tình trạng nghiện ma túy hiện tại của người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Khoản 1 Điều 37 Nghị định số 221/2013/NĐ-CP quy định: Bộ Y tế có trách nhiệm ban hành tiêu chuẩn đoán nghiện ma túy; chủ trì phối hợp với Bộ Công an hướng dẫn trình tự, thủ tục xác định tình trạng nghiện ma túy.

Thi hành Nghị định của Chính phủ, liên Bộ Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Công an ban hành Thông tư số 17/2015/TTLT-BYT-BLĐTBXH-BCA về thẩm quyền, quy trình xác định nghiện ma túy chất dạng thuốc phiện và chất dạng Amphetamine (Thông tư 17/2015/TTLT- BYT-BCA-BLĐTBXH), tuy nhiên thực tế việc xác định tình trạng nghiện vẫn gặp rất nhiều khó khăn cụ thể là:

- Số chất ma túy quy định tại Nghị định số 82/2013/NĐ-CP quy định danh mục chất ma túy và tiền chất của Chính phủ (Nghị định 82/2013/NĐ-CP) và Nghị định số 126/2015/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều Nghị định 82/2016/NĐ-CP của Chính phủ gồm tổng cộng có 250 chất trong khi đó Thông tư 17/2015/TTLT-BYT-BCA-BLĐTBXH chỉ quy định xác định nghiện chất đạng thuốc phiện và chất dạng Amphetamine còn nhiều chất ma túy khác hiện được sử dụng khá phổ biến ở nước ta song chưa được hướng dẫn xác định tình trạng nghiện như Cần sa hay Cocaine. Một số loại ma túy mới như “Cỏ Mỹ” (LRX-11), “Tem lưỡi” (LSD) được giới trẻ sử dụng nhiều ở các thành phố lớn song chưa có sinh phẩm xét nghiệm để phát hiện người sử dụng chất này dẫn đến không xử lý được hành vi sử dụng ma túy trái phép, cũng như không xác định được tình trạng nghiện để áp dụng các biện pháp xử lý hành chính theo quy định của pháp luật.

- Tiêu chuẩn xác định nghiện chất dạng Amphetamine và quy trình xác định nghiện ma túy quy định tại Thông tư 17/2015/TTLT-BYT-BCA-BLĐTBXH không phù hợp với thực tiễn, cụ thể:

+ Về tiêu chuẩn xác định nghiện ATS, theo quy định phải có ít nhất 3/6 triệu chứng trong 12 tháng qua “Một là thèm muốn mãnh liệt chất ma túy, hai là có tính dung nạp, tăng liều, ba là khó kiểm soát việc sử dụng ma túy, bốn là sao nhãng sở thích cũ, năm là biết tác hại của ma túy song vẫn sử dụng và sáu là không sử dụng chất ma túy trong một thời gian nhất định sẽ xuất hiện hội chứng cai”. 6 triệu chứng theo quy định trên thì có tới 5 triệu chứng phụ thuộc vào ý trí chủ quan của người cần xác định nghiện, họ phải hợp tác, trả lời đúng vấn đề của mình khi được hỏi và chỉ có 01 triệu chứng “hội chứng cai” là phản ảnh khách quan. Song hầu hết các đối tượng thuộc diện bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính không hợp tác, họ không trả lời đúng tình trạng nghiện của mình, do vậy không thể xác định được tình trạng nghiện của họ.

+ Về quy trình xác định nghiện, theo quy định, cơ sở có chức năng xác định nghiện sẽ tiếp nhận người cần xác định và quản trong thời gian 48 giờ đối với người xác định nghiện OPIAT và 72 giờ đối với người xác định nghiện ATS, tuy nhiên Luật pháp không quy định đối tượng này thuộc diện tạm giữ đã gây khó khăn cho cơ sở. Mặt khác, việc xác định các triệu chứng của hội chứng cai đặc biệt hội chứng cai ATS, các triệu chứng của hội chứng cai chủ yếu về tâm thần đòi hỏi người có thẩm quyền xác định nghiện phải có kiến thức, chuyên môn sâu về tâm thần mới có thể xác định được. Thực tế tỷ lệ xác định nghiện ATS trong số người sử dụng ATS được đưa vào các cơ sở tiếp nhận đối tượng xã hội (cơ sở quản lý nghiện không có nơi cư trú ổn định trong thời gian lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc) rất khác nhau tại các cơ sở, có cơ sở gần 100% người sử dụng ATS đưa đến đều được xác định là nghiện, cơ sở khác 50% người sử dụng ATS đưa đến được xác định là nghiện.

1.2. Về xác định người không có nơi cư trú ổn định, bàn giao người về nơi cư trú để lập hồ sơ và quản lý người trong thời gian xác định nơi cư trú

Khoản 1 Điều 96 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là người đủ từ 18 tuổi trở lên đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy mà vẫn còn nghiện hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú ổn định. Thi hành Luật, Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn các vấn đề trên cụ thể như sau:

a) Xác định người không có nơi cư trú ổn định

Tại Nghị định số 56/2016/NĐ-CP quy định áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn trong đó quy định “Người không có nơi cư trú ổn định là người không xác định được nơi đăng ký thường trú, nơi đăng ký tạm trú mà thường xuyên đi lang thang không có nơi ở cố định hoặc xác định được nơi thường trú, nơi tạm trú nhưng không ở đó mà thường xuyên đi lang thang không có nơi ở cố định”. Việc quy định “Thường xuyên đi lang thang không có nơi ở cố định”, rất chung chung, không có tiêu chí cụ thể, thế nào là thường xuyên đi lang thang dẫn đến cách hiểu và vận dụng pháp luật khác nhau ở các địa phương gây bức xúc cho đối tượng.

b) Bàn giao người về nơi cư trú để lập hồ sơ

Điểm b Khoản 1 Điều 8 Nghị định số 221/2013/NĐ-CP quy định: Trường hợp người vi phạm có nơi cư trú không thuộc xã, phường, thị trấn nơi xảy ra vi phạm thì bàn giao người và biên bản vi phạm cho cơ quan Công an cấp xã nơi người vi phạm cư trú để tiến hành lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Tuy nhiên, Nghị định chưa quy định hình thức chuyển, trách nhiệm của các bên liên quan trong việc chuyển gây khó khăn cho công tác này, đặc biệt nơi cư trú ở khác tỉnh, thành phố với nơi người đó vi phạm.

c) Quản lý người trong thời gian xác định nơi cư trú

Điểm c Khoản 1 Điều 8 Nghị định số 221/2013/NĐ-CP quy định: Trường hợp chưa xác định được nơi cư trú ổn định của người vi phạm thì tiến hành xác định nơi cư trú ổn định của người đó. Trong thời gian 15 ngày làm việc nếu xác định được nơi cư trú ổn định thì chuyển người đó về nơi cư trú để lập hồ sơ; nếu không xác định được nơi cư trú ổn định thì lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Nghị định không quy định trong thời gian xác định nơi cư trú (15 ngày kể từ ngày vi phạm) thì quản lý người vi phạm như thế nào.

Cán bộ quản lý đang tư vấn cho học viên tại cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Phú Thọ

Cán bộ quản lý đang tư vấn cho học viên tại cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Phú Thọ

Thực tế tại các địa phương khi phát hiện hành vi sử dụng trái phép chất ma túy thì đưa vào Trung tâm tiếp nhận đối tượng xã hội để quản lý và tiến hành xác định nơi cư trú. Nếu xác định được nơi cư trú ổn định thì trả đối tượng về nơi cư trú để quản lý giáo dục theo quy định, (tỷ lệ người đưa vào cơ sở tiếp nhận đối tượng xã hội xác định được nơi cư trú ổn định và được trả về địa phương quản lý hiện nay là khoảng 11%).

1.3. Về xác định người bị đưa ra khỏi Chương trình điều trị Methadone

Điều 10 Nghị định 90/2016/NĐ-CP quy định người bị đưa ra khỏi chương trình điều trị Methadone là người vi phạm quy chế về điều trị Methadone hoặc sử dụng ma túy khác hay xét nghiệm dương tính 2 lần liên tiếp trong 12 tháng sau khi đã đạt liều duy trì hay gây rối làm mất trật tự an toàn xã hội song không quy định người có thẩm quyền đưa ra khỏi chương trình; thủ tục đưa ra khỏi chương trình dẫn đến khó khăn trong thực thi.

1.4 Về việc thực hiện cai cho người nghiện ma túy từ 12 đến dưới 18 tuổi

Theo Khoản 1, Điều 29 của Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 quy định: “Người nghiện ma túy từ 12 đến dưới 18 tuổi đã được giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đã cai nghiện tại gia đình, cộng đồng mà vẫn còn nghiện thì được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và không coi là biện pháp xử lý vi phạm hành chính”. Luật Phòng, chống ma túy cũng quy định thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với nhóm này là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện. Tuy nhiên, tại Khoản 1, Điều 96 của Luật Xử lý vi phạm hành chính chỉ quy định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên và thẩm quyền quyết định là Tòa án nhân dân cấp huyện. Do vậy, có áp dụng biện pháp đưa người dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy nữa hay không đến nay còn có ý kiến khác nhau giữa các cơ quan gây khó khăn cho các địa phương.

1.5. Về công tác quản lý sau cai nghiện

Tương tự như việc áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc đối với người dưới 18 tuổi, Luật Phòng, chống ma túy quy định áp dụng biện pháp quản lý sau cai đối với người chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, song Luật Xử lý vi phạm hành chính không đề cập đến vấn đề này dẫn đến lúng túng trong tổ chức thực hiện.

1.6. Về nguồn lực

Thông tư liên tịch số 148/2014/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 08/10/2014 của Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định “Quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; chế độ đối với người chưa thành niên, người tự nguyện chữa trị, cai nghiện tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội và tổ chức cai nghiện tại gia đình, cai nghiện tại cộng đồng” không quy định kinh phí đưa người từ cơ sở xã hội trở về đối với các trường hợp không thuộc diện áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và trường hợp Tòa án nhân dân quyết định không thuộc đối tượng đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

2. Kiến nghị, đề xuất các giải pháp khắc phục

2.1. Về căn cơ lâu dài

- Nghiên cứu sửa đổi bổ sung Luật Phòng chống ma túy theo hướng:

+ Bổ sung Chương can thiệp dự phòng nghiện ma túy theo chuẩn Quốc tế về dự phòng nghiện bao gồm các chương trình can thiệp phổ quát, can thiệp chọn lọc và can thiệp chỉ định;

+ Cai nghiện ma túy tự nguyện theo hình thức cung cấp dịch vụ phù hợp với chuẩn quốc tế về điều trị nghiện.

- Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính theo hướng

+ Áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy với các lý do đề xuất như sau:

+ Sử dụng ma túy là hành vi có chủ định;

+ Sử dụng ma túy trái phép có hại cho bản thân người sử dụng, cho gia đình và xã hội;

+ Xử lý sớm hành vi sử dụng ma túy trái phép với các biện pháp thích hợp giúp họ từ bỏ hành vi sử dụng trước khi họ bị lệ thuộc vào chất ma túy (nghiện ma túy) mang lại hiệu quả cao hơn so với biện pháp xử lý khi họ đã bị nghiện. Các tổ chức quốc tế đã khuyến cáo can thiệp càng sớm hiệu quả càng cao đối với người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy;

+ Áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện có hành vi ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.

2.2. Trước mắt

- Bộ Y tế

+ Tiếp tục nghiên cứu ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các chất ma túy như: Ketamine, Cocaine, Cần sa và các chất hướng thần khác đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều ở nước ta;

+ Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Thông tư số 17/2015/TTLT-BYT-BCA-BLĐTBXH theo hướng đơn giản dễ thực hiện, phù hợp với tình hình thực tế tại các địa phương;

+ Hướng dẫn thẩm quyền, thủ tục đưa người vi phạm trong điều trị Methadone ra khỏi chương trình điều trị;

+ Xây dựng tài liệu và đào tạo tập huấn cho cán bộ y tế cấp xã về chẩn đoán nghiện ATS.

- Bộ Tư pháp

Nghiên cứu hướng dẫn xác định người không có nơi cư trú ổn định theo hướng đưa ra các tiêu chí xác định thế nào là thường xuyên đi lang thang; quy định trách nhiệm của gia đình, tổ dân phố, chính quyền trong việc cung cấp thông tin để xác định nơi cư trú./.

                                                                                                Lê Văn Khánh

                                                                        Phó Cục trưởng Cục PCTNXH