Một số mô hình phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội ở Trà Vinh Ngày đăng: 07/12/2016
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đã xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, hoạt động của các mô hình này đã góp phần làm giảm tội phạm, tệ nạn xã hội ở địa phương.

Công an tỉnh chỉ đạo công an các đơn vị huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các ngành, các cấp thực hiện tốt công tác vận động đóng góp, gây quỹ để thành lập các câu lạc bộ hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng (đã xây dựng được 41 câu lạc bộ với số vốn là 1.912.832.000 đồng), thực hiện tuyên truyền, vận động, giúp đỡ quản lý đối tượng chữa trị, cai nghiện ma túy nhằm tạo điều kiện ổn định cuộc sống, giảm bớt mặc cảm, tái hòa nhập cộng đồng.

Tại thành phố Trà Vinh, có các mô hình phụ nữ quản lý giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội; câu lạc bộ phòng ngừa vi phạm pháp luật về an ninh trật tự trong học sinh, sinh viên; riêng câu lạc bộ tái hòa nhập cộng đồng hiện đã nhân rộng tại 5 phường (phường 2, 3, 5, 6, 7) và xã Long Đức đã huy động được tổng số tiền 294,6 triệu đồng, tiến hành giải ngân cho 24 người sau cai nghiện ma túy vay để sản xuất kinh doanh với số tiền 77 triệu đồng, có 6 người sau cai nghiện ma túy sử dụng vốn có hiệu quả và hoàn trả với số tiền 23 triệu đồng, đồng thời, giới thiệu việc làm ổn định cho 2 người. Công an thành phố đã thành lập 6 câu lạc bộ tuyên truyền pháp luật và cảm hóa đối tượng ở cộng đồng dân cư ở các cơ sở thờ tự ở phường 6, 7, 8, 9 với 139 thành viên. Qua tuyên truyền phát động phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc” được quần chúng nhân dân đồng tình ủng hộ và đã cung cấp 527 nguồn tin có giá trị liên quan đến an ninh trật tự.

Tại huyện Càng Long, thông qua 3 mô hình mua bán chăn nuôi heo, chăn nuôi bò đóng góp với số tiền 107 triệu đồng cho 11 người sau cai nghiện để tái hòa nhập cộng đồng ở 3 xã (xã Huyền Hội, 58 triệu, thị trấn Càng Long 31 triệu, xã Tân An 18 triệu).

Tại huyện Trà Cú, toàn huyện có 9 loại mô hình với 254 câu lạc bộ như “Vận động gây quỹ tái hòa nhập cộng đồng”, 10 câu lạc bộ “Phụ nữ giáo dục quản lý người thân trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội”, 18 câu lạc bộ “Tuyên truyền, giáo dục cảm hóa đối tượng” tại các cơ sở tôn giáo, 18 câu lạc bộ “Tuyên truyền, giáo dục cảm hóa đối tượng” tại gia đình và cộng đồng dân cư, 127 câu lạc bộ “Phát hiện tố giác, vây bắt tội phạm” , 8 câu lạc bộ “Địa bàn không ma túy”, 3 câu lạc bộ “Không ma túy, không bạo lực học đường, chấp hành tốt luật giao thông” .

Huyện Tiểu Cần đã vận động thành lập được 08 loại mô hình, với 76 câu lạc bộ phòng, chống tội phạm, cụ thể như: Mô hình “Cổng phòng, chống tội phạm” - có 12 câu lạc bộ; Mô hình “Không ma túy, không bạo lực học đường và chấp hành tốt luật giao thông” trong trường học - có 03 câu lạc bộ; Mô hình “Phát hiện, tố giác và vây bắt tội phạm” - có 03 câu lạc bộ; Mô hình “Tự quản về an ninh trật tự” khu vực Công ty TNHH Giày da Mỹ Phong - có 02 câu lạc bộ; Mô hình “Quản lý giáo dục con em trong gia đình không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội” – có 10 câu lạc bộ; Mô hình “Tuyên truyền, giáo dục, cảm hóa đối tượng tại gia đình và cộng đồng dân cư”- có 35 câu lạc bộ; Mô hình “Bảo đảm trật tự an toàn giao thông” – có 05 câu lạc bộ và Mô hình “Vận động quỹ hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng” – có 06 câu lạc bộ. Thông qua công tác xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đã tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức, tinh thần trách nhiệm của công dân, từ đó tích cực tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm, góp phần đảm bảo trật tự, an toàn xã hội ở địa phương. 

Bên cạnh việc thành lập, ra mắt câu lạc bộ thuộc các mô hình phòng chống tội phạm, lực lượng Công an huyện, xã, thị trấn còn phối hợp với chính quyền, đoàn thể địa phương xây dựng được nhiều khu dân cư tiên tiến; ấp, khóm an toàn về an ninh trật tự, Hội đồng bảo vệ an ninh trật tự, Ban bảo vệ dân phố; tổ dân phố, Ban bảo vệ trật tự an toàn xã hội và tổ tự quản, với hơn 1.500 thành viên là hội viên đoàn thể và quần chúng tham gia.

Nhìn chung, qua tổ chức triển khai thực hiện các mô hình, câu lạc bộ trên địa bàn tỉnh đã đem lại hiệu quả thiết thực, tạo được nhiều phong trào gắn với các mô hình, câu lạc bộ trong công tác xây dựng địa bàn lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm góp phần kiềm chế sự gia tăng của tệ nạn ma túy, mại dâm và làm giảm tác hại của các loại tệ nạn này đối với xã hội, ổn định tình hình an ninh, trật tự ở địa phương.

T. T