Hiệu quả mô hình Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý ở Hòa Bình Ngày đăng: 07/12/2016
Thông qua tư vấn, trợ pháp lý (TGPL) cho người lầm lỗi đã giúp họ tự tin tái hoà nhập cộng đồng; nâng cao kiến thức về công tác phòng, chống tội phạm (PCTP) và tệ nạn xã hội (TNXH) cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền ở cơ sở đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác PCTP và TNXH trong cộng đồng.

Điều đó đã được thể hiện rõ ở những địa bàn có điều kiện phức tạp về ANTT, ví như ở xã Sủ Ngòi, là địa bàn giáp ranh với các xã, phường trung tâm của thành phố Hòa Bình, có sự giao lưu, đan xen của mọi thành phần xã hội. Từ những đặc điểm đó, tình hình ANTT trên địa bàn xã khá phức tạp. Theo thống kê của Công an xã, tính đến thời điểm 20/8, trên địa bàn xã có 10 người vi phạm pháp luật phải chấp hành án phạt tù hoặc án treo. Ngoài ra, xã còn 31 người nghiện ma tuý có hồ sơ quản lý. Số người nghiện này đa phần không có việc làm ổn định đã gây ra nhiều vụ việc bức xúc trong nhân dân, ảnh hưởng đến tình hình ANTT .

 Trước tình hình phức tạp về ANTT xã Sủ Ngòi đã thành lập Ban Chỉ đạo PCTP và TNXH. Đồng thời triển khai xây dựng mô hình tại 13/13 xóm. Các mô hình, CLB PCTP và TNXH, mặc dù mới chỉ tập trung vào tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (TTPBGDPL), vận động người thân trong gia đình đoàn viên, hội viên không vi phạm pháp luật nhưng  đã đem lại những hiệu quả tích cực. Nét nổi bật là nhận thức pháp luật của người dân đã được nâng lên nhiều, số người vi phạm pháp luật ngày càng giảm. Đáng chú ý, trong nhiều năm qua, xã Sủ Ngòi đã không phát sinh thêm người nghiện mới.

 Cũng giống như Sủ Ngòi, xã Hạ Bì (Kim Bôi) cũng được xem là một trong những địa bàn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp về ANTT. Dù vậy, những năm qua, do làm tốt công tác TTPBGDPL tại cộng đồng đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Các vụ vi phạm pháp luật trên địa bàn xã cũng đã được kiềm chế. Hàng năm, UBND xã phối hợp với Trung tâm học tập cộng đồng và Chi nhánh trợ giúp pháp lý (TGPL) huyện tổ chức các đợt TGPL lưu động cho người dân, chủ yếu ở các xóm khó khăn và đối tượng đặc thù như người sau cai nghiện, người có quá khứ lầm lỗi và phụ nữ đi làm ăn xa... Nhờ vậy đã góp phần hiệu quả nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân giữ vững ổn định ANTT.

Xuất phát từ thực tế người nghiện ma túy sau cai nghiện, đối tượng bán dâm hoàn lương, nạn nhân bị mua bán người trở về... còn có những hạn chế về nhận thức pháp luật, Chi cục phòng, chống TNXH tỉnh đã xây dựng mô hình TGPL tại cộng đồng và lựa chọn triển khai làm điểm tại 7 xã của thành phố Hòa Bình, huyện Lương Sơn, Kim Bôi, Lạc Sơn, Kỳ Sơn, Yên Thủy. Mô hình chủ yếu tập trung vào xây dựng CLB phòng, chống TNXH; tư vấn, TGPL cho đối tượng bán dâm hoàn lương, người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng, người nhiễm HIV/AIDS; tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức phòng, chống TNXH cho người làm công tác tuyên truyền ở  cơ sở.

 Sau 2 năm (2014 - 2016) triển khai thực hiện mô hình TGPL tại cộng đồng, các CLB phòng, chống TNXH đã tổ chức được 150 buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, mua bán người đến các thôn, xóm cho hàng nghìn lượt người; tư vấn và cung cấp thông tin cần thiết cho trên 200 lượt đối tượng mại dâm hoàn lương và người sau cai nghiện ma túy.

Chính từ việc đẩy mạnh TTPBGDPL và TGPL cho các tầng lớp nhân dân, nhất là các đối tượng đặc thù đã tích cực góp phần nâng cao ý thức phòng ngừa, phòng , chống TNXH một cách hiệu quả. Trong đó có nhiều địa phương triển khai hiệu quả như ở thành phố Hòa Bình, huyện Kim Bôi, Lương Sơn. Đặc biệt, hiện nay ở huyện  Lương Sơn hiện vẫn duy trì CLB “giúp nhau từ bỏ ma túy”, các thành viên tham gia CLB hầu hết là người nghiện, họ đã cùng chia sẻ, động viên, giúp nhau cai nghiện. Nhờ vậy đã có nhiều người cai nghiện ma túy thành công. 

Mạnh Hùng