Đẩy mạnh công tác điều trị, cai nghiện ma túy ở Quảng Bình Ngày đăng: 09/11/2016
Sau gần 03 năm triển khai thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy của Thủ tướng Chính phủ, công tác cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã đạt được nhiều kết quả tích cực và đáng ghi nhận.

Theo thông tin của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, tính đến tháng 4/2016, Quảng Bình có 128/159 xã, phường, thị trấn liên quan đến ma túy, 2.074 đối tượng liên quan và 812 người nghiện ma túy. Hiện đã tiếp nhận điều trị cho 521 lượt học viên vào điều trị cai nghiện dưới mọi hình thức, bao gồm: Điều trị tại Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh 117 học viên; cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng 08 học viên. Trên địa bàn hiện có 03 cơ sở điều trị Methadone, trong đó 01 cơ sở đi vào hoạt động tháng 8/2014, 02 cơ sở hoạt động từ đầu 2016, đến nay đã tiếp nhận điều trị cho 396 đối tượng.

Bên cạnh đó, về xây dựng Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị cai nghiện tại cộng đồng, toàn tỉnh có 02 Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị tái hòa nhập cộng đồng đặt tại Trạm y tế cấp xã tại phường Đồng Sơn (thành phố Đồng Hới) và thị trấn Nông trường Lệ Ninh (huyện Lệ Thủy) với 10 cán bộ y tế, điều trị cắt cơn cho 10 người nghiện và tư vấn cho 99 lượt người nghiện. Hiện trên địa bàn đã thành lập được 27 Tổ công tác cai nghiện ở 27 xã, phường, thị trấn trọng điểm về ma túy với ma túy. Kết quả, trong giai đoạn 2012 - 2015 đã thực hiện mô hình cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng ở 21 xã, phường, thị trấn trọng điểm về ma túy, trong đó 15 xã hoạt động từ nguồn kinh phí của tỉnh và 06 xã hoạt động từ nguồn kinh phí của huyện Lệ Thủy.
Tuy nhiên, kết quả công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng trong những năm qua vẫn còn nhiều bất cập, thiếu sự bền vững, tỷ lệ tái nghiện cao với tỷ lệ 84,48%; tính kỳ thị đối với người nghiện vẫn phổ biến, dẫn đến những hệ lụy liên quan đến việc tái hòa nhập cộng đồng cho người nghiện gặp nhiều khó khăn; hoạt động cai nghiện ở nhiều xã, phường, thị trấn chủ yếu mới tập trung ở khâu tuyên truyền, vận động, ra quyết định cai nghiện, chưa tập trung đầu tư sâu vào khâu rà soát đánh giá nhu cầu, lập kế hoạch cai nghiện cho từng người và hoạt động hỗ trợ sau cai nghiện chưa được chú trọng...

Để công tác cai nghiện đạt hiệu quả cao, thời gian tới, Quảng Bình hiện đang đề nghị Trung ương xem xét hỗ trợ kinh phí để hoàn thành xây dựng mở rộng giai đoạn 2 của Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh; hỗ trợ thêm trang thiết bị dạy nghề, xây dựng nhà xưởng, cải tạo khu sản xuất để tổ chức tốt việc dạy nghề, lao động trị liệu cho đối tượng; hỗ trợ 01 máy xét nghiệm tìm chất ma túy để đảm bảo thuận lợi, nhanh chóng, khách quan và chính xác trong việc xét nghiệm tìm chất ma túy bởi hiện nay ở địa phương chủ yếu xét nghiệm nước tiểu và sử dụng test để xác định người nghiện ma túy. Ngoài ra, tỉnh cũng đã đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hằng năm tổ chức các lớp tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho các cán bộ của Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh; hỗ trợ kỹ thuật trong công tác điều trị cai nghiện ma túy cũng như việc dự phòng điều trị nghiện cho đối tượng trên địa bàn tỉnh; đồng thời có cơ chế chính sách hỗ trợ cho đối tượng điều trị tự nguyện...

M. H