Một số kết quả thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện ở Bình Thuận Ngày đăng: 07/11/2016
Thực hiện Đề án “Đổi mới công tác cai nghiện ma túy đến năm 2020”, công tác cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã đạt nhiều kết quả đáng kể, góp phần bảo đảm an toàn, an ninh trật tự xã hội, vì cuộc sống bình yên của nhân dân. Trong đó, chú trọng đa dạng hoá các hình thức, biện pháp điều trị cai nghiện ma túy theo hướng tự nguyện, giảm dần cai nghiện bắt buộc...

Trong thời gian qua, công tác tuyên truyền được tỉnh Bình Thuận đặc biệt chú trọng. Đến thời điểm hiện nay, tỉnh đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ phòng, chống tệ nạn xã hội cho 287 cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội cấp huyện, xã và các thành viên của 25 Đội công tác xã hội tình nguyện ở các xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Cấp phát 417 cuốn Bản tin phòng, chống tệ nạn xã hội; 53.520 cuốn tài liệu, tờ rơi cho cơ sở phổ biến, tuyên truyền pháp luật.

Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với chính quyền và các ngành chức năng trong tỉnh tổ chức 1.000 đợt tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân về Luật phòng chống ma túy và tác hại của ma túy; tổ chức mít tinh nhân tháng hành động, các đợt cao điểm phòng chống ma túy với trên 15.500 lượt người tham gia; tổ chức tọa đàm với các chủ đề về phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS gắn với xây dựng nếp sống văn hóa có trên 6.000 lượt người dự, phát hành trên 5.000 tờ rơi, tranh, áp phích tuyên truyền về phòng, chống ma túy.

Bên cạnh đó, Bình Thuận tổ chức ra mắt và tập huấn “Nhóm Phụ nữ nòng cốt phòng, chống ma tuý” với 20 thành viên; thành lập mô hình “Khu phố không có ma tuý” tại thị trấn Đức Tài, huyện Đức Linh; tổ chức thường xuyên các đợt sinh hoạt, hoạt động tuyên truyền, ra quân diễu hành với 98.973 lượt chị em cán bộ Chi hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ các địa phương trong tỉnh tham dự. Cũng trong đợt hoạt động này đã nhận cảm hoá, tư vấn, theo dõi, giúp đỡ 12 trường hợp người nghiện ma tuý; vận động người nghiện ma tuý đăng ký điều trị nghiện các chất ma túy dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone.

Năm 2013, trước khi đề án “Đổi mới công tác cai nghiện ma túy đến năm 2020”, được phê duyệt, trên địa bàn tỉnh chỉ có Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội cấp tỉnh thực hiện việc cai nghiện  phục hồi cho người nghiện ma túy trong toàn tỉnh. Trung tâm có diện tích xây dựng 1,4 ha, tổng sức chứa theo thiết kế chỉ 120 người. Số người nghiện được điều trị trong năm 2013 là 109 người, trong đó có 5 người cai nghiện tự nguyện. Giai đoạn 2012  - 2014 số người nghiện được quản lý chữa trị bình quân hằng năm từ 120 - 140 người, vượt quá sức chứa của trung tâm. Do vậy, UBND tỉnh đã đầu tư mở rộng trung tâm tăng thêm 100 chỗ ở mới và đã đưa vào hoạt động đầu năm 2015.

Đến thời điểm này, toàn  tỉnh  có  4  cơ  sở  điều  trị  cai nghiện ma túy gồm:  Khoa Methadone thuộc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Y tế thị xã La Gi hoạt động từ 26/12/2013; Khoa Methadone thuộc Trung tâm Y tế huyện Bắc Bình, Trung tâm  Y tế  huyện Tuy Phong hoạt động từ  24/3/2015. Có 3 điểm cấp phát thuốc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế methadone gồm: điểm cấp phát thuốc methadone tại Phòng khám đa khoa Mũi Né, Bệnh viện Phan Thiết hoạt động từ  10/4/2015; điểm cấp phát thuốc methadone tại Trạm Y tế thị trấn Thuận Nam - Hàm Thuận Nam hoạt động từ 24/2/2016; điểm cấp phát thuốc methadone tại Trung tâm Y tế huyện Hàm Tân hoạt động từ 16/6/2016. Dự kiến, trong năm 2016 sẽ mở thêm 1 cơ sở điều trị methadone tại Trung tâm Y tế Đức Linh. Nâng tổng số cơ sở điều trị methadone lên 5 cơ sở  nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nghiện tại địa phương đi điều trị bằng hình thức này.

Đến nay, trong toàn tỉnh đã tổ chức điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế methadone cho 1.157  lượt  bệnh nhân  tại 4 khoa điều trị và 3 cơ sở uống thuốc, đạt 104,14% so với chỉ tiêu Chính phủ. Bên cạnh đó, các tổ chức đoàn thể cũng đã tạo điều kiện giúp đỡ, bảo lãnh cho 34 người nghiện được vay vốn hỗ trợ sản xuất với số tiền từ 2 đến 5 triệu đồng/người. Đồng thời,  liên hệ  với các công ty, chủ  doanh nghiệp giới thiệu tạo công việc làm cho 46 đối tượng và dạy nghề cho 47 đối tượng sau cai nghiện (chăn nuôi, sửa xe hon đa, làm cửa sắt, thợ hồ, mộc, điện dân dụng…).

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, qua 3 năm triển khai thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện, tỉnh Bình Thuận đã đạt được 4/4 mục tiêu của Đề án đã đề ra. Tuy nhiên, một số nhiệm vụ chưa đạt theo kế hoạch như: Việc chuyển đổi Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh thành Trung tâm cai nghiện tổng hợp tỉnh Bình Thuận chưa đúng tiến độ; cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị của Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội chưa đáp ứng yêu cầu của công tác điều trị nghiện; tỷ lệ người nghiện được điều trị so với số người nghiện có hồ sơ quản lý đến tháng 6/2016 đạt 45,83%/50% theo kế hoạch…

 

T. H