Một số kết quả bước đầu thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện ở Quảng Ninh Ngày đăng: 06/10/2016
Thực hiện Quyết định số 2596⁄QĐ- TTg ngày 27⁄12⁄2013 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết 98⁄NQ- CP ngày 26⁄12⁄2014 của Chính phủ, HĐND UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ cho công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, trong đó, hàng năm tỉnh dành tối thiểu 0,3% trong tổng chi thường xuyên từ ngân sách của tỉnh để thực hiện chương trình phòng, chống ma túy, mại dâm, mua bán người, phòng, chống tội phạm.

Xác định mục tiêu Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy là nhiệm vụ quan trọng của công tác phòng, chống, kiểm soát và cai nghiện ma túy trong tình hình mới, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tiếp tục được các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể các cấp đã quan tâm chỉ đạo, triển khai đồng bộ và chủ động hướng về cơ sở với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với từng địa bàn, khu vực trọng điểm phức tạp. Nội dung, phương pháp tuyên truyền thiết thực hơn, được lồng ghép giữa tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về tác hại của ma túy, (đặc biệt là các loại ma túy tổng  hợp) với vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, của tỉnh nhằm nhằm nâng cao hiệu quả công tác điều trị, cai nghiện ma túy, chủ động phòng ngừa không để phát sinh tệ nạn xã hội trên địa bàn toàn tỉnh.

Trong 03 năm qua, Sở LĐTBXH đã tổ chức 150 hội nghị tuyên truyền và 20 hội nghị tập huấn về phòng chống ma túy, Đề án đổi mới công tác cai nghiện, quản lý người sau cai nghiện cho các đại biểu là lãnh đạo các phòng LĐTBXH cấp huyện, lãnh đạo và nhân dân các xã, phường, thị trấn xây dựng lành mạnh, các doanh nghiệp, trường học trong tỉnh; 09 hội nghị tuyên truyền phòng, chống tệ nạn xã hội, phòng chống HIV/AIDS cho cán bộ và học viên Trung tâm GDLĐXH, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn các thành phố, thị xã: Hạ Long, Móng Cái, Cẩm Phả, Uông Bí; 13 hội nghị tập huấn phòng, chống ma túy kết hợp giới thiệu mô hình Quân, dân y kết hợp cai nghiện ma túy và giải quyết các vấn đề xã hội sau cai cho người nghiện ma túy thuộc các xã, phường khu vực biên giới địa bàn tỉnh…

Cấp phát 35.368 tài liệu tuyên truyền về phòng, chống và cai nghiện ma túy trong tình hình mới, phối hợp với các cơ quan truyền thông đưa 10 tin, bài, phóng sự truyền hình về Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy trên địa bàn. Công an tỉnh đã phối hợp với các cơ quan truyền thông đưa 275 lượt tin, bài, phóng sự tuyên truyền về phòng, chống ma túy, các gương điển hình tập thể, cá nhân trong phòng, chống ma túy trên các phương tiện truyền thông, phối hợp với Sở GDĐT tổ chức 09 buổi tuyên truyền phòng, chống ma túy cho gần 3.000 học sinh thuộc các trường PTTH , phối hợp với Tỉnh đoàn, Đài phát thanh truyền hình và báo Quảng Ninh tổ chức 03 cuộc tọa đàm tuyên truyền về tác hại của ma túy tổng hợp đối với cộng đồng xã hội.

Các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã chủ động lồng ghép giữa tuyên tuyền phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, các nội dung của Đề án đổi mới, cơ chế chính sách của nhà nước, của tỉnh về cai nghiện ma túy với việc triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch của địa phương, cơ sở với nhiều hình thức phong phú, nội dung và phương pháp tuyên truyền đã thiết thực hơn, trong đó tập trung vào nhóm có nguy cơ cao nhằm nêu cao ý thức, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn phát sinh người nghiện mới, góp phần nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy trên địa bàn.

Trên địa bàn tỉnh có 1 Trung tâm GDLĐXH, trước thời điểm Đề án được phê duyệt, hàng năm Trung tâm tiếp nhận mới từ 450-500 đối tượng, chủ yếu là đối tượng bắt buộc, số Trung tâm quản lý thường xuyên từ 800-900 đối tượng. Công tác an ninh trật tự và hoạt động cai nghiện ma túy tại Trung tâm đảm bảo thực hiện tốt và đúng quy định.

Thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1977/KH- UBND ngày 16/4/2015 về thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, chỉ đạo Sở Lao động TBXH đã xây dựng Kế hoạch số 2284/LĐTBXH- TNXH về mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy tại Trung tâm GDLĐXH tỉnh giai đoạn 2015-2020, (UBND tỉnh đã phê duyệt tại công văn số 7790-UBND- VX ngày 18/12/2015). Theo đó, Trung tâm sẽ từng bước nâng cấp và hoàn thiện các khu quản lý học viên (gồm: khu quản lý cai nghiện ma túy tự nguyện, khu quản lý cai nghiện ma túy bắt buộc; khu quản lý điều trị người cai nghiện ma túy tổng hợp, khu quản lý người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định, khu quản lý điều trị cho người chưa thành niên, phụ nữ nghiện ma túy, khu quản lý điều trị thay thế bằng Methadone) trên nguyên tắc sử dụng đội ngũ cán bộ, viên chức người lao động và cơ sở vật chất hiện tại của Trung tâm cho phù hợp.

Từ ngày 01/01/2014 đến ngày 30/6/2016, Trung tâm đã tiếp nhận 602 lượt người vào cai nghiện, trong đó cai nghiện bắt buộc 116 lượt người, cai nghiện tự nguyện 486 lượt người. Tính đến ngày 30/6/2016, tổng số đối tượng đang quản lý tại Trung tâm là 416 người, trong đó cai nghiện bắt buộc: 124, cai nghiện tự nguyện: 292 người.

Bên cạnh đó, nhằm duy trì và nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện, tăng cường sự tiếp cận của người đang cai nghiện, sau cai nghiện tại cộng đồng với các dịch vụ y tế và xã hội, Sở LĐTBXH triển khai mô hình “Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng” tại một số địa bàn trọng điểm về người nghiện ma túy. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 6 điểm. Từ khi thành lập và đi vào hoạt động, các điểm đã tổ chức được 785 lượt tư vấn về các hình thức điều trị nghiện ma túy, dự phòng tái nghiện, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS cho cá nhân và gia đình người nghiện ma túy, người sau cai nghiện.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh đang duy trì và hướng dẫn 10 mô hình Câu lạc bộ hỗ trợ người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng với 165 thành viên. Thông qua hoạt động mô hình, các thành viên của các CLB luôn tôn trọng nhau, chấp hành đúng nội dung sinh hoạt của nhóm, hỗ trợ nhau sau cai nghiện vượt qua khó khăn, tái hòa nhập cộng đồng, thăm hỏi, động viên nhau khi bản thân gia đình có người ốm đau…Các thành viên được tư vấn về giảm thiểu tác hại ma túy, lạm dụng ma túy, kiến thức về HIV/AIDS, dự phòng tái nghiện và giới thiệu đến các dịch vụ khám chữa bệnh miễn phí, hàng tháng được hỗ trợ kinh phí hoạt động, được giao lưu với các nhóm khác. Trong 3 năm, các địa phương trong tỉnh đã tổ chức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng cho 777 lượt người.

Hiện tại, trên địa bàn toàn tỉnh đang triển khai 05 cơ sở điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone tại TP Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, huyện Vân Đồn, Đông Triều. Tổng số bệnh nhân hiện đang điều trị tính đến này 30/6/2016 là 1.063 bệnh nhân.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện trên địa bàn tỉnh còn gặp một số khó khăn như: hiệu quả công tác cai nghiện tại đình, cộng đồng thấp, tỷ lệ tái nghiện cao; số người được cai nghiện tại gia đình và cộng đòng, dạy nghề, tạo việc làm còn ít, huy động các nguồn lực xã hội tham gia còn hạn chế; tình trạng sử dụng ma túy bất hợp pháp và số người nghiện trên địa bàn tỉnh còn nhiều.

Công tác quản lý sau cai nghiện hiệu quả còn thấp, các hoạt động tư vấn, sinh hoạt nhóm, hỗ trợ học nghề vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, thiếu cơ sở tạo việc làm ổn định cho người nghiện sau khi hoàn thành chương trình cai nghiện.

Một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác cai nghiện và quản lý nười sau cai có mặt chưa phù hợp thực tiễn, khó thực hiện, chậm được sửa đổi; từ năm 2014, việc tổ chức cai nghiện khó khăn hơn do nhưng vướng mắc trong việc xác định tình trạng nghiện và tổ chức cai nghiện theo quy định mới của pháp luật chưa được kịp thời tháo gỡ.

Việt Hùng