Một số kết quả 10 năm thực hiện công tác xây dựng xã, phường lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm ở Khánh Hòa Ngày đăng: 05/10/2016
Thực hiện Nghị quyết liên tịch số 01⁄2005⁄NQLT-BLĐTBXH-BCA-BVHTT-UBTƯMTTQVN ngày 17⁄11⁄2005 về quy định và hướng dẫn nội dung hoạt động, phân loại, đánh giá công tác xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm. Hàng năm, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội đã tổ chức tập huấn cho hơn 150 cộng tác viên phòng, chống tệ nạn xã hội tại các địa phương trên toàn tỉnh về công tác phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, trong đó có nội dung về phân loại, chấm điểm đánh giá công tác xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm theo Nghị quyết liên tịch 01, trong 10 năm đã phát hành hơn 30 số tập san “Khánh Hòa với công tác phòng, chống tệ nạn xã hội” với số lượng trên 10.000 cuốn và chuyển đến các địa phương trên toàn tỉnh để phục vụ cho công tác tuyên truyền phòng, chống tệ nạn xã hội; xây dựng 15 phóng sự truyền hình về công tác xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm, gương điển hình về công tác này.

Nhiều địa phương lồng ghép nội dung tuyên truyền về công tác phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm với các phong trào khác như cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, phong trào “Xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa”, phong trào “Quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc”, nội dung tuyên truyền chủ yếu phổ biến các văn bản pháp luật về phòng, chống ma túy, mại dâm. Tổ chức Hội thi văn nghệ với chủ đề “Tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS, phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm” với sự tham gia của 18 Đội là những xã, phường, thị trấn đăng ký xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm.

Tiêu biểu như: Phường Tân Lập (TP Nha Trang) tổ chức tuyên truyền lồng ghép trong các cuộc họp tổ dân phố, ngoài ra, UBMTTQ phường  biên soạn tài liệu về công tác phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm và đưa vào nội dung sinh hoạt của nhóm hộ tự quản nhằm đẩy lùi tệ nạn ma túy, mại dâm ra khỏi địa bàn; xã Ninh Sim (huyện Ninh Hòa) đã tổ chức cuộc thi tìm hiểu về HIV/AIDS giữa các tổ chức đoàn thể, qua cuộc thi có hơn 4.000 bài tham dự; phường Phước Long (TP Nha Trang) đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền cho các bí thư, tổ trưởng, mặt trận của 24 tổ dân phố và trưởng, phó các ban ngành đoàn thể tại địa phương với hơn 100 lượt người tham gia.Các hoạt động trên đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong cộng đồng, tự giác phòng ngừa và đấu tranh phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm trên địa bàn.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền với nội dung và hình thức được cải tiến phù hợp với đặc điểm tình hình thực tế của mỗi địa phương. Thực hiện 330 buổi biểu diễn văn nghệ truyền thông và phát thanh bằng xe lưu động với các chủ đề như “Phòng chống đại dịch HIV/AIDS”; “Can thiệp giảm tác hại trong nhóm những người có quan hệ tình dục đồng tính”… Chỉ đạo Đội thông tin lưu động xây dựng các tiểu phẩm về phòng, chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS để biểu diễn lồng ghép trong các dịp tuyên truyền tại các địa phương… lắp dựng các cụm pano với nội dung tuyên truyền về phòng, chống ma túy, mại dâm tại các khu vực đông dân cư, vận động người nghiện ma túy tham gia chương trình cai nghiện thích hợp.

Trong 10 năm, các cơ quan chức năng địa phương đã tổ chức trên 2.000 đợt kiểm tra, kiểm soát, chấn chỉnh hoạt động kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội. Trong đó, TP Nha Trang: 1.000 lượt, xử lý cảnh cáo 250 cơ sở, phạt tiền 72 cơ sở, triệt phá 23 vụ mại dâm, TP Cam Ranh: 200 lượt/35 cơ sở…

Công an tỉnh đã đấu tranh, phá 76 chuyên án, 232 kế hoạch, bắt 308 vụ với 465 đối tượng, thu giữ 489,5255 gam heroin; 144 gam thuốc phiện, 09 kg cần sa; 1,35kg ma túy tổng hợp… Ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 341 đối tượng với số tiền 200.730.000 đ. Về công tác phòng, chống mại dâm, lực lượng công an tỉnh tiến hành kiểm tra hành chính 1.174 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ, phát hiện 359 trường hợp vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính 962.300.000đ, xử lý hình sự 51 vụ với 67 đối tượng, xử lý hành chính 65 vụ với 294 đối tượng, tổng số tiền phạt là 515.250.000 đ.

Công tác hỗ trợ, giúp đỡ đối tượng ma túy, mại dâm hoàn lương hòa nhập cộng đồng đã được tỉnh quan tâm, chú trọng. Các địa phương phối hợp với các đoàn thể xã hội trên địa bàn tỉnh vận động được gần 100 đối tượng hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng, trong đó hỗ trợ vốn tạo việc làm cho 50 đối tượng. Nhiều địa phương đã thực hiện tốt việc lồng ghép công tác xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh với các chương trình kinh tế- xã hội, như đã hỗ trợ cho vay vốn, tạo việc làm cho người lao động, trong đó có nhiều đối tượng hoàn lương hoặc có nguy cơ cao vi phạm tệ nạn xã hội; cụ thể như: Hội phụ nữ huyện Diên Khánh hỗ trợ cho vay vốn 17 đối tượng với số tiền 20,5 triệu đồng; Hội phụ nữ thị xã Ninh Hòa đã hỗ trợ cho vay vốn 30 đối tượng với tổng số tiền 150 triệu đồng, Hội phụ nữ phường Cam Lộc (TP Cam Ranh) giúp đỡ cho vay vốn 25 đối tượng có việc làm ổn định, đảm bảo cuộc sống.

Thực hiện Nghị quyết số 25/NQ- HĐND ngày 15/12/2009 của Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa về cho vay vốn đối với hộ gia đình có người sau cai nghiện ma túy, mại dâm hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng và cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ có sử dụng lao động là người sau cai nghiện ma túy, mại dâm tái hòa nhập cộng đồng, đến nay đã giải quyết cho 59 hộ vay vốn với số tiền là 1.041 triệu đồng, qua kiểm tra giám sát hàng năm trên 90% số hộ gia đình làm ăn có hiệu quả.

Năm 2005, tỉnh Khánh Hòa thành lập thí điểm 2 Đội công tác xã hội tình nguyện, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã thành lập được 65 Đội tình nguyện. Các Đội tình nguyện đã tổ chức được trên 2.000 buổi tuyên truyền phòng chống tệ nạn xã hội tại các tổ dân phố và trường học đóng chân trên địa bàn, chủ động phối hợp với nhóm đồng đẳng đi phát bao ca su tại các quán cà phê, nhà trọ là nơi dễ phát sinh tệ nạn xã hội.

Ngoài ra, các Đội tình nguyện còn tham gia thực hiện các chương trình kinh tế xã hội như xóa đói, giảm nghèo, dạy nghề, tạo việc làm, bình đẳng giới, giảm kỳ thị và phân biệt đối xử, tiếp cận các dịch vụ y tế, xã hội, giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy, người bán dâm hoàn lương, nạn nhân bị mua bán trở về ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Các tình nguyện viên đã tổ chức điều tra nắm lại số đối tượng ma túy, mại dâm hoàn lương đang sinh sống tại địa phương để có kế hoạch tư vấn giúp đỡ về tinh thần và tạo mọi điều kiện thuận lợi để họ tái hòa nhập cộng đồng, đã giúp đỡ hơn 200 đối tượng cai nghiện từ TTGDLĐXH trở về, trong đó có 30 đối tượng đã được hỗ trợ vay vốn, tạo việc làm.

Qua 10 năm triển khai công tác xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả rất đáng khích lệ, nếu như năm 2006 trên địa bàn có 11 xã, phường, thị trấn trọng điểm về tệ nạn ma túy thì đến nay trên địa bàn tỉnh không có xã, phường, thị trấn trọng điểm về ma túy; số xã, phường, thị trấn không có tệ nạn mại dâm đã tăng từ 104 (năm 2006) lên 125 (năm 2015).

Kim Hải