Điểm Tư vấn, chăm sóc và hỗ trợ điều trị ở Bắc Giang hoạt động hiệu quả Ngày đăng: 10/08/2016
Theo ông Nguyễn Văn Khoái, Phó Chi cục trưởng, Chi cục PCTNXH Bắc Giang cho biết: đến nay Bắc Giang đã xây dựng 5 Điểm Tư vấn, chăm sóc và hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại 5 huyện. Các Điểm này đã đi vào hoạt động và đang cung cấp dịch vụ điều trị cho hơn 100 người sử dụng ma túy. Ngoài cung cấp dịch vụ điều trị cho người sử dụng ma túy tại những xã có Điểm, các Điểm này còn cung cấp dịch vụ cho người nghiện ma túy ở các xã lân cận. Điểm thành lập ở xã thuộc huyện nào thì UBND huyện đó ra quyết định thành lập.

Các hoạt động thường xuyên ở Điểm là giới thiệu người vào điều trị, tổ chức cắt cơn, tư vấn cá nhân, sinh hoạt nhóm dự phòng tái nghiện. Mỗi tuần có 1 buổi sinh hoạt nhóm dự phòng tái nghiện tại Điểm - trạm y tế. Nhiều người đã ổn định cuộc sống. Chúng tôi thấy vui khi họ vẫn thường xuyên giữ liên lạc với Điểm.

Để tổ chức mô hình Điểm, Chi cục đã tham mưu cho lãnh đạo Sở LĐTBXH kết nối, trao đổi với Sở Y tế để cùng điều phối hoạt động ở Điểm, làm việc với Ủy ban nhân dân huyện sở tại để thống nhất và hỗ trợ quản lý điểm giữa Phòng Lao động - Thương binh Xã hội, Trung tâm y tế cấp huyện.

Trước khi đi vào cung cấp dịch vụ tại các Điểm, UBND tỉnh đã đầu tư cho mỗi Điểm trên 100 triệu đồng để nâng cấp sửa chữa cơ sở vật chất ở trạm xá, có thể là xây thêm phòng cấp 4, mua sắm thêm trang thiết bị.

Một điều cũng rất quan trọng dẫn đến thành công của Điểm là vai trò tham gia của các nhóm tự lực. Nhóm đã kết nối giữa hoạt động cung cấp dịch vụ tại Điểm với khách hàng là người sử dụng ma túy.

Chia sẻ về hoạt động tại Điểm, bà Nguyễn Thị Hiệp, Phó trạm trưởng trạm y tế xã Cao Thượng, huyện Tân Yên cho biết, Điểm Cao Thượng là Điểm được thành lập đầu tiên ở tỉnh Giang, vào ngày 12/5/2015 với 07 thành viên của điểm, gồm 1 chủ nhiệm Điểm và 6 thành viên là các đồng chí trong các ban ngành của xã trong đó trạm Y tế có 02 thành viên. Hiện tại điểm chúng tôi đang cung cấp các dịch vụ như tư vấn cá nhân, tư vấn gia đình, tư vấn nhóm, cắt cơn giải độc,  tư vấn việc làm, tư vấn tâm lý, tư vấn chuyển gửi điều trị bằng methadone.

Sinh hoạt nhóm được tổ chức vào sáng thứ 6 hàng tuần, có trên 50 thành viên là người đang cai nghiện và điều trị bằng methadone tham gia, chia theo các nhóm sinh hoạt; các thành viên bầu ra trưởng nhóm của mình. Nhóm trưởng  có trách nhiệm quy tụ, theo dõi giám sát giúp đỡ các thành viên của nhóm, nhóm thống nhất nội quy, quy định của nhóm. Mỗi thành viên mới vào sinh hoạt nhóm đều được nhân viên của Điểm  tư vấn về hoạt động của điểm, tìm hiểu về quá trình nghiện của thành viên đó và được đưa vào nhóm hồ sơ theo dõi (nhóm cần cắt cơn giải độc, nhóm cần việc làm, nhóm cần được chuyển gửi điều trị bằng methadone).

 Trước khi vào giờ sinh hoạt nhóm, các bạn chơi bóng chuyền, cầu lông tại sân trạm y tế xã, tạo không khí vui vẻ, đoàn kết thoải mái. Chủ nhiệm điểm phân công mỗi buổi 2 thành viên của điểm chuẩn bị chủ đề sinh hoạt nhóm, mỗi buổi một chủ đề khác nhau, có những chủ đề do chính các thành viên trong nhóm đề xuất, mọi người cùng chia sẻ rất sôi nổi và hiệu quả, cuối buổi đều có tóm tắt lại nội dung đó và tìm chủ đề mới cho buổi sinh hoạt lần sau.

Trước khi tổ chức cắt cơn giải độc người nhà và bệnh nhân được thành viên/ nhân viên của điểm tư vấn trao đổi rất kỹ về tình trạng nghiện của người nghiện, cả gia đình và người nghiện được tư vấn về quy trình cắt cơn giải độc giúp người nghiện lựa chọn biện pháp điều trị thích hợp. Khi người nghiện đã sẵn sàng cai nghiện thì sẽ ở lại cắt cơn tại Điểm trong vòng 7 đến 10 ngày và giám sát 24/24 giờ. Trong thời gian cắt cơn, người nghiện được tư vấn giúp đỡ để vượt qua những hội chứng cai mà bản thân sẽ gặp trong quá trình điều trị.  Bố mẹ, vợ của bệnh nhân thay nhau chăm sóc, các bạn nhóm tự lực cũng cùng trông nom, động viên. Nhờ vậy mà hầu hết người đến cắt cơn đều cảm thấy dễ chịu. Về thuốc, chúng tôi cho bệnh nhân uống Catapressant (Clonidine), mỗi lần cho uống 1 viên khi bệnh nhân có triệu chứng cắt cơn và luôn đo huyết áp trước khi cho uống thuốc. Ngoài việc cắt cơn, Điểm cũng đã giới thiệu điều trị bằng methadone cho cho 23 người tại  trung tâm điều trị tự nguyện tỉnh Bắc Giang; kết hợp với cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội huyện tư vấn về việc làm tại các khu công nghiệp với những công việc phù hợp với sức khỏe của người nghiện ma túy như làm bảo vệ, làm điện tử, may...Qua một năm hoạt động các thành viên nhóm tham gia sinh hoạt tích cực, tự nguyện họ đã tự trang bị kiến thức và niềm tin vào điểm, nhiệt tình hơn chia sẻ nhiều hơn về sức khỏe về cuộc sống và gia đình của mình./.

Đỗ Thị Ninh Xuân