Đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống mại dâm Ngày đăng: 20/07/2016
Trong những năm qua, tình hình hoạt động mại dâm trên địa bàn tỉnh Nghệ An vẫn diễn biến phức tạp với phương thức hoạt động của tội phạm này ngày càng tinh vi, có nhiều thủ đoạn để đối phó với các cơ quan chức năng. Nổi lên chủ yếu là hoạt động mại dâm núp bóng dưới danh nghĩa các cơ sở kinh doanh dịch vụ massage, karaoke, nhà nghỉ, gội đầu thư giãn... để hoạt động. Một số nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ cấu kết chặt chẽ với các đối tượng dẫn dắt, môi giới mại dâm, sẵn sàng đáp ứng, cung cấp gái mại dâm cho khách khi có nhu cầu.

Qua khảo sát, 6 tháng đầu năm 2016, trên địa bàn tỉnh có 60 cơ sở hoạt động mại dâm, 23 cơ sở nghi có hoạt động mại dâm, 10 đối tượng bán dâm có hồ sơ quản lý, 152 đối tượng nghi có hoạt động mại dâm, 31 đối tượng chứa chấp và môi giới mại dâm, có 10/21 huyện, thành, thị và 21/480 xã, phường thị trấn có tệ nạn mại dâm. Các đối tượng thường hoạt động dưới nhiều hình thức và thường xuyên thay đổi địa điểm “hành nghề”. Vì vậy, công tác đấu tranh của các lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn.

Để đấu tranh phòng, chống tệ nạn mại dâm, thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các cấp, ngành liên quan đẩy mạnh thực hiện các biện pháp phòng, chống mại dâm. Trong đó đặc biệt chú trọng tới công tác tuyên truyền, giáo dục; tăng cường thanh tra, kiểm tra, ra quân truy quét, triệt phá các ổ nhóm mại dâm và xây dựng xã, phường lành mạnh, không có tệ nạn này.

Ngay từ đầu năm 2016, Sở đã phối hợp với các hội, đoàn thể xây dựng các mô hình phòng, chống mại dâm trên địa bàn tỉnh. Đơn cử như các mô hình: Phụ nữ với công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm; phòng ngừa mại dâm tại cộng đồng kết hợp với thực hiện các biện pháp phòng ngừa, giảm tác hại về phòng, chống HIV/AIDS tại các xã Diễn Thành, Diễn Hải (Diễn Châu); các phường Lê Mao, Trường Thi, Hưng Bình (TP Vinh)... mang lại nhiều kết quả tích cực. Bên cạnh đó, thành lập và tổ chức các hoạt động nhóm đồng đẳng, tuyên truyền viên người lao động có nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS cao tại các cơ sở kinh doanh. Cấp phát cho các huyện, thành phố trên 25.000 tờ rơi có nội dung phòng, chống mại dâm tại các địa bàn; xây dựng các pano tuyên truyền, cấp phát 500 quyển cẩm nang hỗ trợ công tác phòng, chống mại dâm tại cộng đồng.

Việc thực hiện có hiệu quả các mô hình đã góp phần ngăn ngừa tình trạng tái phạm; cung cấp thêm các kiến thức về chăm sóc sức khỏe bản thân, bảo vệ cộng đồng cho người bán dâm.

Về công tác đấu tranh, truy quét, triệt phá các ổ nhóm mại dâm, trong 6 tháng đầu năm 2016, Công an tỉnh và Công an các huyện, thành phố, thị xã  đã tổ chức nhiều đợt truy quét, triệt phá nhiều ổ nhóm, đường dây hoạt động mại dâm có tổ chức; qua đó phát hiện, bắt 28 vụ, 68 đối tượng. Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh tổ chức 02 đợt kiểm tra công tác phòng, chống mại dâm trên địa bàn, đã kiểm tra 51 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ và xử lý bằng hình thức cảnh cáo 39 cơ sở. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ vi phạm chủ yếu về ký kết hợp đồng lao động và đăng ký với chính quyền địa phương, quy định về nội quy, quy chế, qua mỗi đợt kiểm tra, Đội và Đoàn kiểm tra liên ngành đã hướng dẫn các cơ sở thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật về kinh doanh dịch vụ.

Ngày 7/3/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 361/QĐ- TTg phê duyệt Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016-2020, trong đó nhấn mạnh một số mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể như: Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật và nâng cao nhận thức về phòng, chống mại dâm; đẩy mạnh thực hiện các hoạt động phòng ngừa tệ nạn này thông qua việc lồng ghép các chương trình kinh tế - xã hội tại địa bàn cơ sở; xây dựng, triển khai các hoạt động can thiệp làm giảm tác hại của HIV/AIDS, phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng bạo lực; đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật và các loại tội phạm liên quan đến mại dâm…

Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1852/QĐ-UBND-NC ngày 27/4/2016 về kế hoạch thực hiện chương trình phòng, chống mại dâm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. UBND tỉnh đề nghị các cơ quan liên quan tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, phòng ngừa thông qua các hoạt động tuyên truyền trực tiếp tại cộng đồng, đặc biệt là tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp về mại dâm; các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và đối tượng có nguy cơ cao để hạn chế phát sinh mới số người tham gia vào hoạt động mại dâm. Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, với các biện pháp, giải pháp cụ thể, thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế.

Xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, các vở kịch, tiểu phẩm, bài viết có nội dung phòng, chống tệ nạn xã hội nói chung và tệ nạn mại dâm nói riêng. Tăng thời lượng phát sóng, đưa tin về tình hình tệ nạn mại dâm, đặc biệt các địa bàn phức tạp, các quy định pháp luật về tệ nạn mại dâm và tình dục an toàn và công tác phòng, chống mại dâm trên các phương tiện truyền thông, báo chí địa phương.

 Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền tại cộng đồng thông qua các buổi thảo luận nhóm, tư vấn hỗ trợ cá nhân trực tiếp hoặc gián tiếp; các hoạt động tuyên truyền mang tính tương tác cao tại các khu công nghiệp, trường học..; chú trọng nhóm có nguy cơ cao (học sinh, sinh viên, người lao động chưa có việc làm, người lao động làm việc tại các khu công nghiệp... đặc biệt là nhóm lao động di cư, tìm việc làm tại nơi khác) nhằm bảo đảm việc di cư lao động an toàn, phù hợp với khả năng, điều kiện của họ tránh sa vào tệ nạn mại dâm.

Qua đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành và toàn xã hội trong công tác phòng, chống mại dâm; giảm thiểu tác hại, hệ lụy xấu của mại dâm trong đời sống xã hội; đồng thời giúp người dân chủ động nâng cao ý thức phòng ngừa, tích cực tham gia phòng, chống tội phạm, tệ nạn ma túy và mại dâm.

C. L