Kết quả bước đầu về Đổi mới công tác cai nghiện trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh Ngày đăng: 20/07/2016
Thực hiện Quyết định số 2596⁄QĐ- TTg ngày 27⁄12⁄2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020, UBND TP đã ban hành Quyết định số 2245⁄QĐ- UBND ngày 9⁄5⁄2014 về ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020 trên địa bàn thành phố. Trên cơ sở đó, Các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, phường, xã, thị trấn xây dựng kế hoạch, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các Đoàn thể, cả hệ thống chính trị tăng cường công tác phòng, chống ma túy, công tác dự phòng và điều trị nghiện ở địa phương, tập trung đấu tranh chuyển hóa địa bàn phức tạp về ma túy, duy trì giữ vững không để địa bàn phát sinh tệ nạn xã hội.

Các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, phường, xã, thị trấn đã triển khai các hoạt động truyền thông, tổ chức tập huấn nghiệp vụ chuyên môn nhằm nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ và nhân dân hiểu biết về tác hại của ma túy, các chủ trương, chính sách cai nghiện trên địa bàn, tuyên truyền, vận động người nghiện và gia đình tự nguyện đăng ký cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng; lồng ghép công tác tuyên truyền về dự phòng và điều trị nghiện với chương trình phòng, chống ma túy, HIV/AIDS, gắn với cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm. Xây dựng nhiều mô hình, chương trình hỗ trợ người nghiện như: câu lạc bộ Sức sống mới, câu lạc bộ đồng đẳng Bạn giúp bạn, mô hình Gia đình phòng, chống tệ nạn xã hội, mô hình Tự quản về an ninh trật tự, Quản lý, cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỡ tại cộng đồng dân cư (mô hình 5+ 1),… Qua đó đã tuyên truyền, vận động, thuyết phục đến từng thành viên, từng gia đình có người thân nghiện ma túy cùng tham gia, đã làm chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, các ban, ngành đoàn thể, các tổ chức, nhân dân về tầm quan trọng của việc toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và xây dựng phường, xã, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm, góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội.

Bên cạnh đó, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Y tế, chính quyền các địa phương tổ chức 02 lớp tập huấn về điều trị Methadone cho 112 cán bộ y tế tại các cơ sở cai nghiện. Hướng dẫn, hỗ trợ về chuyên môn, tập huấn các phác đồ điều trị cắt cơn, giải độc, phục hồi sức khỏe cho người tự nguyên cai nghiện; tăng cường rà soát, sắp xếp, bố trí, kiện toàn tổ chức bộ máy nhân sự thực hiện công tác phòng, chống ma túy, cai nghiện và quản lý người nghiện ma túy từ thành phố đến quận, huyện, xã, phường, thị trấn và các cơ sở cai nghiện tự nguyện nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác cai nghiện ma túy.

Đến nay, 24/24 quận, huyện đã xây dựng và triển khai kế hoạch cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng; các phường, xã, thị trấn đã thành lập Tổ Công tác cai nghiện ma túy. Tính đến tháng 5/2016, tổng số người nghiện có nơi cư trú ổng định trên địa bàn thành phố đã thực hiện cai nghiện tại gia đình, cộng đồng là 1.172 người, trong đó có 305 trường hợp đã chấp hành xong Quyết định cai nghiện tại gia đình, cộng đồng và được địa phương cấp giấy chứng nhận đã hoàn thành đợt cai nghiện ma túy, hiện còn 798 người đang thực hiện cai nghiện tại gia đình, cộng đồng. Ngoài ra, đã thành lập 30 điểm Tư vấn để hỗ trợ công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, qua đó đã tư vấn, cung cấp thông tin về các dịch vụ cai nghiện, điều trị Methadone, phòng ngừa lây nhiễm HIV/AIDS, phòng, chống tái nghiện và hướng dẫn người nghiện tự giác khai báo tình trạng nghiện cho chính quyền địa phương để được sự hỗ trợ giúp đỡ đưa đi cai nghiện.

Qua 18 tháng thực hiện đưa người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định trên địa bàn thành phố vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc, đến nay, tổng số người được phát hiện có biểu hiện nghi vấn sử dụng ma túy và được xét nghiệm tìm chất ma túy là 21.914 người; số người xét nghiệm dương tính với chất ma túy 15.854 người; số người xét nghiệm dương tính với chất ma túy nhưng không thuộc đối tượng đưa vào cơ sở xã hội 4.912 người, Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn đã ban hành 10.942 quyết định đưa người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định vào các cơ sở xã hội để quản lý, cắt cơn, giải độc và tư vấn tâm lý. Các cơ sở xã hội đã xác định tình trạng nghiện cho 10.173 người, trong đó nghiện heroin là 4.465 người, ma túy tổng hợp là 5.461 người, có 247 người chưa xác định được tình trạng nghiện. Tòa án nhân dân các quận, huyện đã họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc 7.193 người, trong đó, đã đưa 6.947 người nghiện ma túy thi hành quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân tại các cơ sở cai nghiện bắt buộc, chiếm tỷ lệ 96% so với người đã có quyết định áp dụng biện pháp đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 3.050 người sau cai có việc làm, chính quyền địa phương đã trợ vốn tạo việc làm cho 171 trường hợp với số tiền là 1,731 tỷ đồng. có 143 câu lạc bộ Sức sống mới với 779 người sau cai nghiện và người tái hòa nhập cộng đồng cùng tham gia, tạo sân chơi lành mạnh, giúp người sau cai nghiện có nơi sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm phòng, chống tái nghiện, tham gia các hoạt động thể dục, thể thao, giao lưu văn hóa, văn nghệ.

Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động chuyển đổi toàn bộ 04 Trung tâm Chữa bệnh- Giáo dục- Lao động xã hội trú đóng trên địa bàn thành phố thành 03 cơ sở xã hội và 1 cơ sở cai nghiện tự nguyện. Hiện nay, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội đã lấy ý kiến của các Sở, ngành và đang hoàn chỉnh dự thảo Đề án chuyển đổi, tổ chức lại các Trung tâm Chữa bệnh- Giáo dục- Lao động xã hội thành các cơ sở điều trị nghiện, trong đó có 06 cơ sở điều trị nghiện đa chức năng, 3 cơ sở điều trị nghiện bắt buộc, 2 cơ sở xã hội, 1 cơ sở điều trị nghiện tự nguyện, tất cả các cơ sở điều trị nghiện này đều có chức năng điều trị Methadone.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai Đề án đổi mới công tác cai nghiện trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh còn gặp một số khó khăn như quy định việc áp dụng các biện pháp xử lý người nghiện còn chồng chéo; quy định tại các văn bản làm căn cứ để xác định tình trạng nghiện hiện nay còn nhiều bất cập; quy định thời gian về đọc hồ sơ chưa phù hợp; quy định giao cho gia đình quản lý người nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong nhiều trường hợp chưa thực hiện được; khó khăn về xử lý người nghiện  ma túy không có nơi cư trú ổn định như: thẩm quyền đưa người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định vào cơ sở xã hội chưa được quy định cụ thể, đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc chưa thống nhất; quy định về việc xác minh nơi cư trú ổn định còn được hiểu cách khác nhau, khó thực hiện, sự phối hợp giữa các địa phương chưa tốt đang gây khó khăn cho công tác cai nghiện ở địa phương, rất cần các ngành chức năng tháo gỡ để tăng cường hiệu quả công tác cai nghiện trong thời gian tới.

MT