Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy ở Thanh Khê Ngày đăng: 11/05/2016
Quận Thanh Khê nằm phía Tây Bắc thành phố Đà Nẵng, có 10 phường, với nhiều trung tâm thương mại lớn, khu vui chơi giải trí tập trung nhiều khách du lịch và nhân dân đến vui chơi, tham quan, mua sắm. Trên địa bàn quận có 28 trường phổ thông các cấp với trên 25.000 học sinh, 08 trường đại học, cao đẳng, trung học dạy nghề với trên 20.000 học sinh, sinh viên, 05 khu chung cư, 79 khách sạn, 82 nhà nghỉ trọ, 1.673 hộ cho thuê trọ, 264 nhà cho thuê nguyên căn cho người tạm trú. Từ đó, đã tạo điều kiện thuận lợi cho quận Thanh Khê phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng là môi trường để các đối tượng là tội phạm hình sự, ma túy lợi dụng ẩn nấp, hoạt động phạm tội và tệ nạn xã hội, trong đó có tệ nạn ma túy.

Tính đến cuối năm 2015, số người nghiện cư trú trên địa bàn quận là 417 người, người nghiện ma túy chủ yếu trong độ tuổi thanh thiếu niên (dưới 30 tuổi) chiếm tỷ lệ trung bình 85,79% và có chiều hướng gia tăng. Người nghiện ma túy trên địa bàn quận không có nghề nghiệp chiếm tỷ lệ cao (81,84%). Đáng chú ý, số người nghiện là học sinh, sinh viên có chiều hướng gia tăng. Đa số người nghiện có hoàn cảnh gia đình là lao động phổ thông, cha mẹ ly hôn, làm ăn xa không quản lý được con cái hoặc trong diện hộ nghèo. Tỷ lệ người nghiện có tiền án, tiền sự chiếm trên 61%. Số người nghiện cư trú (thường trú, tạm trú) trên địa bàn quận chiếm đa số (82,06%).

Trong thời gian qua, hiệu quả công tác tuyên truyền chưa cao, chủ yếu tuyên truyền đại trà, thiếu sự tuyên truyền tập trung, cá biệt; thiếu các chương trình giáo dục, rèn luyện kỹ năng phòng tránh ma túy. Công tác giáo dục, kèm cặp, giúp đỡ đối tượng ma túy còn nhiều mặt hạn chế; chủ thể tham gia giáo dục, kèm cặp, giúp đỡ chưa được đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu những kỹ năng, kiến thức cần thiết, thiếu sự nhiệt huyết với phong trào; chương trình giáo dục, giúp đỡ, kèm cặp chưa phù hợp với từng đối tượng, chưa vận động được nhân dân, nhất là các cơ quan, doanh nghiệp tạo điều kiện giáo dục, giúp đỡ đối tượng ma túy.

Một số cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của công tác phòng, chống ma túy. Công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự còn bộc lộ nhiều tồn tại, nhất là quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Công tác quản lý địa bàn, đối tượng còn lỏng lẻo, chưa nắm được hoạt động đối tượng, thiếu sự trao đổi thông tin, chưa phát hiện kịp thời các tụ điểm ma túy trong địa bàn quản lý.

 Trước thực trạng đó, Quận ủy Thanh Khê đã ban hành Đề án Phòng, chống ma túy trên địa bàn quận Thanh Khê giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo. Theo đó, tuyên truyền phòng, chống ma túy là một trong những nội dung được quan tâm chỉ đạo thực hiện với mục tiêu: 100% số người dân cư trú trên địa bàn được vận động, tuyên truyền về tác hại của ma túy; 90% trở lên số hộ gia đình có con em trong độ tuổi thanh thiếu niên được tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn kỹ năng giáo dục con em tránh xa ma túy và kiến thức phát hiện con em tham gia tệ nạn ma túy; cam kết không để con em tham gia tệ nạn ma túy; 100% số học sinh, sinh viên, 90% trở lên số thanh thiếu niên cư trú trên địa bàn được tuyên truyền, giáo dục về tác hại của ma túy, được trang bị các kỹ năng phòng tránh ma túy và cam kết không tham gia tệ nạn ma túy;  90% trở lên số đối tượng ma túy cư trú trên địa bàn được tuyên truyền, vận động và ký cam kết không tham gia tệ nạn ma túy; 70% trở lên số đối tượng ma túy được lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương gặp mặt để giáo dục, tuyên truyền và đối thoại hằng năm; vận động được 15% trở lên số gia đình có người nghiện ma túy thực hiện đưa người nghiện tình nguyện cai nguyện tập trung tại cơ sở cai nghiện; vận động được trên 50% doanh nghiệp, trên 30% cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tham gia hoặc ủng hộ về vật chất vào công tác phòng, chống ma túy; hàng năm, tối thiểu 20% số đối tượng ma túy được Mặt trận và các đoàn thể giáo dục, giúp đỡ, 50% đảm bảo tiến bộ (không tái phạm);  70% trở lên số đối tượng ma túy có nhu cầu về việc làm, học tập, trang bị phương tiện sinh kế được giải quyết.

Để thực hiện những mục tiêu trên, Quận ủy đã đề ra những giải pháp như: đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền, vận động theo hướng nâng cao chất lượng tuyên truyền, tập trung tuyên truyền cá biệt theo từng nhóm đối tượng. Xây dựng giáo trình và tổ chức giáo dục, rèn luyện kỹ năng phòng tránh ma túy cho thanh thiếu niên và gia đình có con em ở độ tuổi thanh thiếu niên. Đẩy mạnh cuộc vận động nhân dân tham gia ký cam kết về phòng, chống ma túy; khuyến khích các hội, đoàn thể tổ chức nhiều hoạt động xã hội lành mạnh, có sức thu hút thanh thiếu niên tham gia.

Tổ chức lại mô hình về phòng, chống ma túy theo hướng rút gọn, xây dựng một mô hình thống nhất thực hiện trên toàn quận do Mặt trận chủ trì. Hình thành nhiều kênh tiếp nhận thông tin, tạo điều kiện cho nhân dân cung cấp thông tin tố giác hoạt động tệ nạn ma túy; có biện pháp đảm bảo bí mật và quyền lợi của người cung cấp thông tin; có quy trình xác minh, xử lý tin.

 Kết hợp chặt chẽ giữa quản lý nghiệp vụ của lực lượng công an với quản lý của chính quyền, tổ chức, đoàn thể và gia đình đối với người sau cai, người có tiền án về ma túy. Mở rộng thành phần, đối tượng được giáo dục, giúp đỡ hiện nay, trong đó chú trọng đối với các đối tượng ma túy tái phạm nhiều lần và có hoàn cảnh khó khăn, thất nghiệp. Mở rộng chủ thể tham gia giáo dục, giúp đỡ, không chỉ bao gồm gia đình, chính quyền, đoàn thể mà còn cần có sự tham gia của tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn.  Đề ra các biện pháp gắn trách nhiệm của gia đình đối với con em đang áp dụng biện pháp cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng. Có chính sách khuyến khích gia đình có người nghiện đưa người nghiện tự nguyện cai nghiện tại Trung tâm; phân công xác định nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể của từng thành viên trong tổ công tác cai nghiện tại cộng đồng.

Tạo điều kiện cho người lầm lỗi về ma túy tái hòa nhập cộng đồng, đồng thời có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia giúp đỡ người lầm lỗi về ma túy.

H. T