Hội nghị đánh giá thực hiện Hiệp định hợp tác song phương về phòng, chống buôn bán người và Quy trình chuẩn về xác minh, xác định và hồi hương nạn nhân giữa Chính phủ hai nước Campuchia và Việt Nam Ngày đăng: 05/10/2016
Ngày 4-5⁄10⁄2016 tại tỉnh Sihanoukville, Campuchia, cơ quan chức năng liên ngành 2 nước Việt Nam và Campuchia tiến hành Hội nghị đánh giá thực hiện Hiệp định hợp tác song phương về phòng, chống buôn bán người và Quy trình chuẩn về xác minh, xác định và hồi hương nạn nhân giữa 2 nước giai đoạn 2011-2015.

Tham dự Hội nghị, phía Việt Nam do Đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Phong Hòa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an Việt Nam, Phó Trưởng ban chỉ đạo liên ngành về phòng, chống buôn bán người các nước Tiểu vùng sông Mê Công (Ban chỉ đạo COMMIT) Việt Nam làm Trưởng đoàn. Thành viên gồm đại điện các Bộ, ngành của Việt Nam: Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và đại diện tổ chức Di cư quốc tế của Liên Hợp Quốc (IOM) tại Việt Nam, đại diện Lãnh sự quán Việt Nam tại Campuchia và đại diện Công an các tỉnh có biên giới giáp với Campuchia: Đồng Nai, Đồng Tháp, Tây Ninh, An Giang, Bình Phước, Kiên Giang. Thành phần tham dự phía Campuchia do Bà H.E. San Arun, Quốc vụ Khanh, Bộ Công tác Phụ nữ Campuchia, Trưởng ban Chỉ đạo COMMIT Campuchia làm Trưởng đoàn. Thành viên gồm đại diện các Bộ, ngành của Campuchia: Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Công tác xã hội, Bộ Phụ nữ, Bộ Du lịch và đại diện các tỉnh có biên giới giáp với Việt Nam cùng các tổ chức phát triển, tổ chức NGOs, tổ chức Phi chính phủ của Campuchia.

          Việt Nam và Campuchia có biên giới đất liền dài 1.137km đi qua 10 tỉnh của Việt Nam và Campuchia với 14 cửa khẩu quốc tế, 6 cửa khẩu quốc gia và hàng ngàn đường mòn, lối mở qua lại biên giới, có tuyến đường xuyên Á nối từ tỉnh Tây Ninh sang Campuchia, Thái Lan và đi các nước Đông Nam Á khác. Bên cạnh các ưu thế về hợp tác phát triển kinh tế - xã hội, cũng xuất hiện các loại tội phạm, trong đó có tội phạm mua bán người.  Từ năm 2011 đến hết tháng 6/2016, Việt Nam xảy ra hơn 2.200 vụ mua bán người với hơn 3.300 đối tượng, lừa bán gần 4.500 nạn nhân, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ và 10 tỉnh giáp Campuchia xảy ra hơn 140 vụ với hơn 400 đối tượng, lừa bán gần 600 nạn nhân. Thông qua việc lợi dụng đường biên giới mở, thông thoáng trong thủ tục xuất nhập cảnh, nhiều đường dây tội phạm mua bán người, môi giới lừa đảo nhiều công dân Việt Nam trong đó đa số là phụ nữ, trẻ em qua Campuchia bán vào các động mại dâm ở Phnompenh hoặc các thị trấn, thị tứ, thành phố, thị xã. Từ năm 2010 đến 2012, Tình trạng phụ nữ, trẻ em sang Campuchia đánh bạc tại casino, trường gà và làm việc tại các cơ sở kinh doanh, dịch vụ nhạy cảm ở khu vực biên giới cũng diễn ra khá phổ biến, tiềm ẩn nguy cơ bị mua bán, theo thống kê của các ngành chức năng, mỗi ngày có từ 3.000 đến 5.000 phụ nữ tham gia. Từ  năm 2013 đến nay tình hình có giảm xuống, trung bình mỗi ngày có hơn 1.000 phụ nữ tham gia, nhiều phụ nữ thua bạc trở thành nạn nhân của các động mại dâm và cho vay nặng lãi, cưỡng bức lao động. Bên cạnh đó, bọn tội phạm còn tổ chức thành những đường dây ép buộc đưa người Campuchia (chủ yếu là phụ nữ, trẻ em) sang Việt Nam lang thang, ăn xin. Chỉ tính riêng giai đoạn 2011-2015, cơ quan chức năng các địa phương phía Việt Nam đã thu gom, lập danh sách hơn 2.000 phụ nữ, trẻ em người Campuchia và tổ chức trao trả hơn 60 đợt, tuy nhiên 70% tiếp tục quay trở lại Việt Nam.

          Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Campuchia về hợp tác song phương để loại trừ nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em và giúp đỡ nạn nhân bị mua bán ký kết ngày 10/10/2005, được sửa đổi, bổ sung ngày 28/9/2012. Hiệp định đã được sơ kết thực hiện 5 năm giai đoạn 2005-2015 vào tháng  8 năm 2010 tại Thành phố Hồ Chí Minh - Việt Nam đồng thời ban hành Kế hoạch thực hiện Hiệp định giai đoạn 2011-2015.

          Qua 5 năm thực hiện, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 37/CP ngày 25/3/2013, Quyết định số 1497/QĐ-TTg ngày 27/8/2013 phê duyệt nội dung và kế hoạch triển khai thực hiện Hiệp định, đồng thời ban hành Quyết định số 1748/QĐ-TTg ngày 29/9/2014 phê duyệt “Đề án tổng thể đối với người dân di cư tự do từ Campuchia về Việt Nam” nhằm giải quyết tình trạng người dân di cư tự do trái phép, phòng, chống mua bán người. Các Bộ, ngành Trung ương cũng ban hành các Kế hoạch cụ thể tổ chức truyền thông, vận động phòng, chống mua bán người với các cơ quan chức năng Campuchia, duy trì các hoạt động phối hợp ở địa bàn biên giới nhằm trao đổi thông tin, thực hiện cơ chế phối hợp với cơ quan chức năng Campuchia. Các địa phương của Việt Nam có biên giới với Campuchia cũng ký kết các Biên bản thỏa thuận hợp tác và duy trì luân phiên giao ban định kỳ 3 cấp (xã, huyện, tỉnh) với các địa phương Campuchia nhằm trao đổi thông tin, thiết lập đường dây nóng, cử nhiều lượt cán bộ, trao đổi công thư và đề nghị phối hợp xác minh, giải quyết vụ việc, tổ chức hàng ngàn cuộc tuần tra biên giới.

          Kết quả, công tác truyền thông, phòng chống mua bán người được đẩy mạnh trên các phương tiện thông tin đại chúng và trực tiếp tại cộng đồng thông qua hoạt động của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Bộ Phụ nữ Campuchia với hơn 1.000 lượt người tham dự, giữa các cơ quan chức năng của Đồng Tháp, An Giang, Bộ đội Biên phòng với gần 10.000 lượt người tham dự.

          Công tác phối hợp đấu tranh chống tội phạm mua bán người đã được lực lượng Công an Việt Nam, Bộ đội biên phòng 10 địa phương giáp ranh Campuchia xác định có 17 địa bàn ngoại biên, 53 tuyến mua bán người qua biên giới, bổ sung 156 hồ sơ điều tra cơ bản địa bàn nội biên, 70 điểm và tụ điểm thuộc biên giới Việt Nam như cửa khẩu Xà Xía (Kiên Giang), Tịnh Biên, Mộc Bài (Tây Ninh) và 90 casino, trường gà, cơ sở kinh doanh nhà hàng, khách sạn, vũ trường... Đặc biệt là Bộ Công an Việt Nam và Bộ Nội vụ Campuchia, Bộ An ninh Lào tổ chức Hội nghị triển khai đợt cao điểm đấu tranh, trấn áp tội phạm mua bán người trên các tuyến biên giới 3 nước, phát hiện 9 vụ, bắt giữ 10 đối tượng, giải cứu 10 nạn nhân bị mua bán. Cơ quan chức năng Tp. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Tây Ninh, An Giang đã tổ chức phối hợp, triệt phá gần 130 vụ với hơn 300 đối tượng, giải cứu, tiếp nhận gần 1.000 nạn nhân.

          Công tác xác minh, xác định, tiếp nhận hồi hương cũng được 2 nước tập trung thực hiện, qua đó, các cơ quan chức năng Việt Nam đã nhận được gần 20 yêu cầu xác minh nạn nhân từ phía Campuchia, tiếp nhận, hồi hương 192 nạn nhân trong đó có 77 nạn nhân do phía Campuchia trao trả. Các Bộ, ngành, địa phương cũng có nhiều hoạt động hỗ trợ nạn nhân trở về như: xây dựng 11 căn nhà tình thương cho 11 nạn nhân , hỗ trợ 17 nạn nhân vay vốn làm ăn tại An Giang, hỗ trợ 42 nạn nhân tại Kiên Giang học nghề, tạo việc làm, ổn định cuộc sống với số tiền hơn 536 triệu tiền Việt Nam.

          Nhìn chung, việc triển khai thực hiện Hiệp định đã được Chính phủ Việt Nam quan tâm chỉ đạo, các Bộ, ngành và 10 địa phương giáp Campuchia thực hiện tích cực, nghiêm túc, hiệu quả, nhờ đó đã chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tình hình hoạt động tội phạm mua bán người, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, kết quả hợp tác giữa các cơ quan chức năng 2 nước trong phòng, chống mua bán người chưa tương xứng với tiềm năng, quan hệ giữa 2 nước và còn tồn tại một số vấn đề cần khắc phục trong thời gian tới như: Tình hình hoạt động tội phạm mua bán người liên quan đến 2 nước vẫn diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều đường dây, đối tượng với thủ đoạn mới song kết quả đấu tranh còn thấp; hợp tác trao đổi thông tin, điều tra bắt giữa, chuyển giao tội phạm mua bán người giữa 2 nước còn chậm hoặc nhiều vụ án bị bế tắc, kéo dài; thiếu các văn bản hướng dẫn thực hiện Hiệp định hợp tác song phương về dẫn độ tội phạm giữa Việt Nam và Campuchia.

Hội nghị đã thông qua Kế hoạch hành động chung thực hiện Hiệp định phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân giữa Việt Nam và Campuchia giai đoạn 2017-2020, trong đó tập trung vào 6 lĩnh vực như sau: Cơ chế điều phối thực hiện Hiệp định; Phòng ngừa mua bán người; Xác minh, xác định, tiếp nhận và bảo vệ, hồi hương nạn nhân; Phối hợp điều tra và xử lý tội phạm mua bán người; Giám sát, đánh giá việc phối hợp thực hiện Hiệp định; Nghiên cứu đề xuất, sửa đổi, bổ sung Quy trình chuẩn trong xác minh, xác định và hồi hương nạn nhân bị mua bán./.

 

Dũng Phạm